PV: Chính sách tiền tệ của nước ta có còn nhiều dư địa cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng không, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Với chính sách tiền tệ, vẫn còn dư địa để hỗ trợ tăng trưởng, đó là giảm lãi suất và thúc đẩy tín dụng. Thực tế, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm cả lãi suất đầu vào và đầu ra.
Về tín dụng, theo số liệu cập nhật mới nhất của NHNN, 6 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,63%, chỉ gần bằng một nửa mức 7,36% cùng kỳ năm ngoái. Định hướng của NHNN là năm nay tín dụng tăng 10%, nghĩa là từ nay đến cuối năm còn rất nhiều dư địa để tăng tín dụng. Mức tăng đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Thực tế, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng của Việt Nam, đặc biệt là gói giãn, hoãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Việt Nam, xét theo quy mô GDP, đã lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đặc biệt, thực hiện gói hỗ trợ này là nỗ lực của các ngân hàng thương mại, chứ không phải từ tiền ngân sách. Theo ước lượng của chúng tôi, với mức độ đã và đang hỗ trợ khách hàng như hiện nay, các ngân hàng phải giảm 30.000 - 34.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.
Cần chú ý là, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn”, chứ không phải chỉ nói dư địa chính sách tiền tệ. Thời gian qua, các gói hỗ trợ tiền tệ được triển khai khá hiệu quả. Các gói hỗ trợ tài khóa được tung ra khá sớm, song triển khai còn chậm và quy mô còn nhỏ. Dư địa chính sách tài khóa, theo tôi, vẫn cần phải mở rộng thêm.
PV: Theo ông, chính sách tài khóa còn có thể mở rộng thêm như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tính toán của chúng tôi, tổng hỗ trợ ròng của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện mới chỉ gần 3% GDP, trong khi tỷ lệ bình quân ở các nước ASEAN lên tới 8 - 10%. Dĩ nhiên, hỗ trợ bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh ở mỗi quốc gia. Song con số này cho thấy, chúng ta vẫn còn khá nhiều dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.
Chúng tôi đề xuất cần có thêm các gói hỗ trợ tài khóa khác, mở rộng thêm các ngành được hỗ trợ, hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn lẫn các doanh nghiệp nhỏ. Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng khả năng hoạt động của Quỹ. Hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương được thành lập từ rất lâu rồi, nhưng hoạt động kém hiệu quả, cần phải phát huy các quỹ này. Tất cả những hỗ trợ trên đều phải đòi hỏi sự tham gia của chính sách tài khóa.
PV: Thống đốc NHNN khẳng định, trong trường hợp cần thiết, sẽ tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tác động lan tỏa. Theo ông, giải pháp này nếu triển khai, sẽ tác động thế nào tới tăng trưởng?
TS. Cấn Văn Lực: Với một số dự án quan trọng (như các dự án liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng có tính chất lan tỏa lớn, hỗ trợ xuất khẩu, tạo việc làm…), nếu cần thiết, NHNN sẵn sàng cho vay tái cấp vốn thông qua ngân hàng thương mại với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ có tác động vừa phải tới hỗ trợ tăng trưởng, bởi thông qua tái cấp vốn thì dư nợ sẽ không quá lớn. Dư địa lớn nhất, giải pháp quan trọng nhất để hỗ trợ tăng trưởng hiện nay vẫn phải dựa vào tài khóa. Thực tế, các nước khác cũng đang chủ yếu dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.