Công trình độc đáo nói trên nằm ở thành phố Zwolle, Hà Lan. Con đường thử nghiệm có tên PlasticRoad ra mắt hồi đầu tháng 10/2018 dài 30m, sử dụng 70% nhựa tái chế. Mục tiêu của những người thực hiện dự án này là dần dần sẽ dùng nhựa tái chế thay cho các vật liệu thông thường trong việc xây dựng đường xá. Ba đơn vị cùng hợp tác thực hiện dự án là Công ty sản xuất ống nhựa Wavin, Công ty năng lượng Total và Công ty kĩ thuật KWS.
Con đường thử nghiệm hiện có cảm biến để đo độ bền, nhiệt độ và hiệu suất hoạt động của đường. Nó cũng được thiết kế rỗng bên trong để tạo ra dòng chảy liên tục cho nước mưa, ngăn nguy cơ lụt lội. Khi vật liệu bị mòn, chúng sẽ được tái chế một lần nữa và được đưa vào sử dụng trở lại nên có tính tái chế rất cao.
Nhựa tái chế dùng trong dự án PlasticRoad có ưu điểm là nó được hình thành từ các mô-đun chế tạo sẵn và nhẹ. Do đó, nó có thể dễ dàng được lắp đặt bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong thời gian xây dựng khoảng vài ngày. So với mức thời gian vài tuần đến vài tháng để xây dựng một con đường bình thường, đây quả là một điều rất đáng xem xét. Bên cạnh đó, nó cũng chịu được khí hậu khắc nghiệt và bền hơn so với nhựa đường thông thường.
Ông Gert-Jan Maasdam, giám đốc kĩ thuật của công ty Wavin, cho biết, con đường này được tạo ra bằng các loại rác thải nhựa mà hầu như không được tận dụng làm gì nữa. Họ tập trung dùng các loại rác thải như chai nhựa, bao bì mỹ phẩm – những thứ mà gần như không còn giá trị sau khi bị bỏ đi. Tuy nhiên, giá thành để sản xuất vật liệu cho đường PlasticRoad đến nay chưa được tiết lộ.
Hiện PlasticRoad chỉ dùng 70% nhựa tái chế nhưng mục tiêu của các nhà sản xuất là sẽ tạo ra những con đường làm hoàn toàn từ chất liệu này. Đội ngũ xây dựng cũng đang đánh giá con đường thử nghiệm để tinh chỉnh công nghệ đồng thời nghiên cứu thêm những ứng dụng khác như bãi đỗ xe, sân ga, vỉa hè… Họ cũng sẽ xem xét việc nhựa tái chế đơn thuần liệu có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng không, trong trường hợp nhựa không đủ cứng, nhà sản xuất sẽ cân nhắc việc cho thêm các vật liệu khác như cát hoặc đá nghiền vào bề mặt đường.
Được biết, con đường thứ hai sử dụng nhựa tái chế được xây dựng tại tỉnh Overijssel của Hà Lan, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2018.
Mỗi năm, con người sản xuất khoảng 300 triệu tấn nhựa, gây ra nhiều hiểm họa đe dọa trực tiếp tới môi trường trái đất. Nhựa mất thời gian rất dài để phân hủy và phần lớn rác thải nhựa hiện nay bị vứt ra đại dương, các bãi biển và các khu vực ít người ở, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường thiên nhiên.