Con gà cúng Tết của cha tôi

Con gà cúng Tết của cha tôi

Thứ Hai, 31/01/2022 - 06:06

Một con gà trống luộc chín vàng, để nguyên trên mâm, mỏ ngậm một bông hoa hồng, chân cánh được ràng buộc nắn chỉnh sao đó để đến lúc đặt trên mâm, đầu cổ chú gà vươn lên, hai cái cánh giang ra. Và chú gà trống chín vàng béo mẫm như sắp bay lên trong khói hương nghi ngút mờ ảo của một ước mơ hóa kiếp thành công thành phượng…

Bởi thế, cha tôi hồi còn sống rất coi trọng việc chọn con gà sẽ mổ thịt cúng Tết. Thường thì trước Tết độ vài tháng, một buổi chiều ông ra vườn vung thóc gọi đàn gà nhà về ăn. Nhà tôi xưa ở quê có vườn khá rộng nên chăn thả được nhiều gà. Lũ gà nghe tiếng chủ gọi: “Bập bập…” là lũ lượt chạy tới ăn. Cha tôi ngắm nghía. Và chọn lấy một con gà trống đẹp mã nhất, to nhất, bắt nhốt vào ngăn chuồng riêng. Từ hôm sau cậu chàng này sẽ không được thả ra nữa. Đây là một con gà trống vừa trổ hết mã, mào cờ đỏ thắm dựng đứng, bộ lông ngũ sắc xanh đỏ tím vàng cùng cái đuôi cong vút đẹp tuyệt. Cha tôi vốn đã thửa một ngăn chuồng bằng tre riêng cho việc này.

con gà cúng Tết
Ảnh minh họa: Internet

Hàng ngày, cậu chàng gà trống này bị nhốt cùng với nước và ngô đỏ, ăn tùy thích chứ không phải tranh cướp nhau như đám ngoài vườn. Thế nhưng, chỉ được vài hôm đầu là chú ta hăng say hưởng thụ những hạt ngô ngon ngọt lành của đất bãi sông Đuống, vài hôm sau cậu chàng bắt đầu chán, chỉ ăn lấy lệ vài hạt, âu ngô thậm chí còn nguyên. Ăn làm sao được khi đám mái tơ đến kỳ chịu sống cứ keng kéc, keng kéc mời chào rộn rã ngoài kia. Cậu sùng sục đi lại, gáy gọi, mổ cửa chuồng ầm ĩ. Vô vọng. Bởi cái ngăn chuồng đó đã được cha tôi kỳ công làm bằng những thanh cật tre ngâm kỹ, vừa dẻo vừa đanh quánh. Nên dù cậu chàng gà trống này vốn là một “hùng kê” có đôi chân dài to khỏe mạnh, đã được cha tôi chọn để tiến cống tổ tiên vào đêm ba mươi, cũng phải chịu thôi.

Cậu chàng bèn dở chứng, bỏ ăn. Bỏ ăn sẽ gầy đi, sao còn làm đồ tiến cúng được nữa? Nhưng không chịu ăn thì ông đã có biện pháp! Thế là ngày hai lần, buổi sáng trước khi đi ra đồng làm và buổi tối chuẩn bị cơm nước, ông bắt đầu quy trình đút cơm cho gà trứ danh của mình: cơm nóng trộn với cám gạo rồi vê thành những viên nhỏ, thuôn dài như ngón tay út. Thêm một bát nước sạch để bên cạnh, để thỉnh thoảng nhúng qua cho tên gà kia dễ nuốt. Ông ôm con gà trống trong lòng, một tay vạch mỏ ra, tay kia đưa viên cơm cám vào mồm. Chàng gà trống chỉ việc nuốt. Và nuốt.

Đến một lúc, đã lửng diều, cậu chàng tỏ ý không muốn nuốt nữa, cha tôi bèn dùng biện pháp mạnh: ông vạch mỏ, đưa thẳng viên cơm cám thơm nức vào họng chú ta, và vuốt! Viên cơm cám đã nhúng nước trơn tuột cứ thế trôi xuống diều. Chả mấy chốc cậu chàng gà đã có một cái diều căng đẫy cơm cám. Và bị đưa trở lại cái căn nhà bất đắc dĩ của mình, nằm nghe lũ gà mái rúc rích ở các ngăn chuồng xung quanh.

Không phải nhà nào cũng kỳ công nuôi nhốt một con gà trống đút bằng cơm cám để thịt cúng Tết như thế. Nhiều nhà trong làng họ chọn cách thiến gà cho nhanh rồi thả nuôi ngoài vườn cùng đám gà mái. Những con gà trống đã biết đạp mái, đã trổ hết mã đẹp mới bị thiến nên vẫn còn nguyên dáng vẻ hùng dũng, nhưng bỗng trở nên nhu mì như gà con chửa ra ràng!

Thật là bi kịch của mấy ả mái tơ vườn nhà khi mà mấy chú chàng gà trống mấy hôm trước còn hung hăng đuổi mái, tranh nhau, đánh nhau loạn xạ khắp vườn, nay bỗng ngoan như cún, chăm chỉ bới đất lật cỏ kiếm con giun con dế, chẳng màng đến sự gì. Mặc kệ luôn cả các ả mái nạ dòng mặt đỏ rưng rức, bạo dạn vè vè lượn sát vào người…

Cha tôi bảo, gà trống không thiến nuôi nhốt lâu như thế, không được chạy nhảy đạp mái ngoài vườn được, nó vẫn giữ được mã đẹp và xương không bị cứng, cặp chân của nó nhắm rượu rất ngon. Quê tôi vẫn có truyền thuyết về món “kê cân” nổi tiếng. Nhưng lúc ấy còn bé, tôi chẳng để ý đến cái chân gà toàn gân xương, gặm chỉ tổ giắt răng. Mà anh em tôi chỉ mơ đến những miếng thịt gà nạc ngọt thỉu, cùng cái lườn da vàng ươm mỡ, cắn vào miệng giòn thơm sần sật kia thôi.

Sau mấy tháng trời chay tịnh trong một chế độ nghiêm ngặt, cậu chàng gà trống của nhà tôi trở nên béo ú, bộ lông càng đẹp mượt hơn, cái mào càng cao và đỏ thắm hơn. Cả khuôn mặt của nó rực lên một màu sung mãn, vẻ sung mãn của một tay gà trống tràn trề sức lực mà không được phục vụ đám mái tơ! Nhưng biết làm sao được, khi nó đã là con gà được cha tôi nhằm để tiến cúng.

Chiều ba mươi Tết, cha tôi bắt nó ra khỏi chuồng. Lúc ấy anh em tôi mới được ngắm kỹ lại dung nhan con gà chuẩn bị cúng đêm ba mươi Tết. Bọn chúng tôi tranh thủ xúm đến vuốt ve. Đẹp mê mẩn. Những cái lông đuôi bảy sắc cầu vồng vươn lên ngạo nghễ, rung rinh. Tôi dự định lát nữa sẽ lấy những cái lông này gắn vào đồng xu để làm cầu chinh đá chơi cùng các bạn. Con gà hầu như không biết giờ tận số của nó đã điểm, vừa được đưa ra khỏi cái chuồng tối tăm chật hẹp sau mấy tháng tù túng, dù chân vẫn bị ràng buộc bởi một sợi dây chắc chắn, nó vươn cổ vỗ phành phạch cặp cánh to rộng, cất tiếng gáy ò ó o hùng tráng!

Ảnh minh họa: Internet

Than ôi, đó lại là tiếng gáy cuối cùng như lời chào đám gà mái đang mải miết bới giun nuôi con ngoài vườn. Bởi cha tôi đã đun sẵn một nồi nước sôi. Ông lấy con dao bổ cau sắc lẻm của mẹ liếc lại vài cái sau đít cái đĩa con để đựng tiết. Ông bảo, cắt tiết các con vật là dao phải thật sắc, sắc đến mức chúng chưa kịp biết đau là gì, đã thăng thiên đi làm kiếp khác.

Những buổi như thế, tôi là con lớn nhất nhà, lại là trai nên thường được ông sai cầm chắc hai chân và túm chặt hai khuỷu cánh của chú gà trống lúc này đang thất sắc vì sợ hãi, kêu không ra tiếng nữa. Ông túm lấy đầu nó, nói thì thầm, như là an ủi hay xin lỗi nữa: “Tao hóa kiếp này cho mày sang kiếp khác, đỡ khổ gà ạ”. Rồi ông đưa dao.

Công đoạn mổ và luộc gà thì tôi không thạo và cũng không tìm hiểu nên không biết. Chẳng biết cha tôi làm sao đó, mà sau khi con gà trống cỡ 4 - 5 ki-lô-gam đã luộc chín vàng ươm, bày lên cái mâm đồng, kèm theo đủ cả lòng gan mề tiết được ông trịnh trọng bê lên ban thờ trông mới đẹp đẽ hùng tráng làm sao. 

Ảnh minh họa: Internet

Tới giao thừa, ông ra rượu, thắp hương lầm rầm khấn vái. Ông cầu cho quốc thái dân an, mọi người no đủ, làng xóm yên vui, anh em tôi khỏe mạnh học hành tiến tới.

Ông cứ đứng yên khấn vái hồi lâu trước ban thờ tổ tiên. Đất trời chuyển mình trong thời khắc giao thừa, tưởng như những lời cầu của ông đã đem mùa xuân về rộn rã ngoài kia…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top