Con hãy vững vàng bước tiếp…

Con hãy vững vàng bước tiếp…

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Ba, 16/11/2021 - 06:15

Con gái nhỏ của tôi ngày ngày vẫn học online cùng cô giáo và các bạn, hết giờ học lặng lẽ ngồi làm bài tập, chẳng thiếu bài nào. Ấy thế mà trước cảnh tượng tưởng như bình thường đó, một đứa trẻ ngày ngày cặm cụi trước màn hình máy tính, lòng cứ nhoi nhói, tần ngần nghĩ ngợi gần xa. Khi người lớn trong nhà ngày ngày vẫn phải lo toan, bảo đảm công việc ở cơ quan, công sở nên lắm lúc chúng tôi không biết phải làm gì để đồng hành cùng con suốt ngày dài chỉ có một mình với chiếc máy tính và bài vở. Những đứa trẻ đang thực sự cô đơn. Ban công đó, vườn cây kia, đồ chơi đầy phòng… nhưng khi chỉ một mình, tất cả thành ra chán nản.

Một buổi tối nọ, trước hôm sinh nhật tròn 9 tuổi của con gái, tôi hỏi: “Con thích chơi trò gì? Bố con mình cùng chơi nhé!”. Phải mất hồi lâu vân vi, thăm dò thái độ người lớn, cháu mới thật thà bộc lộ: “Con thích chơi game”. Câu nói thực sự gây bất ngờ với chúng tôi vì trước đây con tôi chưa từng biết đến game, chứ đừng nói là thích. Tìm hiểu kỹ mới hay trong suốt thời gian học online, ngoài việc học thì cháu giải trí bằng game, những trò chơi bạn cùng lớp lan truyền, chia sẻ. Bạn sẽ làm gì khi tiếp nhận nguyện vọng đó? Sững sờ? Mắng chửi? Cấm đoán? Tịch thu thiết bị?

Tôi đã loáng thoáng nghĩ đến những điều này, rồi đột nhiên chững lại một nhịp và ân cần hỏi: “Trò game đó là gì? Con cho bố chơi cùng nhé!”. Chỉ chờ có thế, cô con gái đăng nhập vào game. Thế giới trong game được thiết kế tương đương ngoài đời thực, có phố xá, nhà cửa, trường học, công viên, quang cảnh rực rỡ tươi đẹp… Trong tạo hình một đứa trẻ mang đôi cánh thiên thần, nhân vật của con gái tôi hằng ngày đến trường đi học, giúp đỡ các bạn còn rụt rè, nhặt rác nơi công viên, chăm sóc thú cưng và tưới cây hộ bao người khác… Đó đơn giản là tất cả những gì cháu ước mơ ngoài cuộc sống mà chưa thực hiện được ở bối cảnh này.

Chúng tôi đã không cấm đoán con trò chơi game ấy mà mỗi người trong gia đình lập một tài khoản và đăng nhập, làm bạn cùng con. Nhờ đó, chúng tôi biết được khi nào con thư giãn với game, con đã làm những gì ở thế giới ảo đó. Đôi lúc, con có kết quả học online tốt, tôi cũng tặng một vài món quà trong game mà tôi biết rằng con gái mình ước ao: Đôi dép quả thông màu nâu xinh xắn, đôi cánh thiên thần trắng muốt như đôi cánh mà con từng đeo, vầng hào quang xoáy thành hình tròn bên trên mái tóc… Khỏi phải nói, con bé mừng vui đến mức nào. Cũng nhờ đó, tinh thần học tập ở lớp học online đã dần ổn định, tiến triển hơn.

Tôi không dám chắc cách làm bạn với con từ cuộc sống thật đến thế giới ảo như vậy có hoàn toàn là phương thức hữu hiệu với tất cả mọi đứa trẻ hay không, nhưng từ lúc con còn nhỏ tới bây giờ, đó luôn là cách tôi lựa chọn.

“Con hãy bước đi, có bố theo cùng…”, tôi tin rằng con mình luôn cảm thấy tự tin, vững vàng, dầu tôi có nói câu ấy tới trăm lần, nghìn lần đi nữa. Năm con 3 tuổi, chới với bên bờ biển, khóc thét lên vì sợ nước mặn, sóng lừng. Mùa hè con về quê ngoại, ánh mắt tỏ rõ niềm lo âu trước triền đồi cao vi vút gió. Buổi con đỏ mắt chờ vì bố mẹ đón muộn, sân trường vắng hoe… Biết bao nhiêu khoảnh khắc có thể có bố mẹ hoặc không, song điều quan trọng nhất là chúng ta gieo được vào tâm hồn trẻ nhỏ ý nghĩ: Mình không phải một mình! Điều đó nói thì thật dễ, làm được không hề đơn giản. Chính chúng tôi, những bậc làm cha mẹ cũng đã có những sai lầm, sơ suất và vẫn cứ phải quan sát, học hỏi mỗi ngày.

Tôi hoàn toàn không đồng tình với suy nghĩ phó mặc con cho ông bà, giúp việc hay nhà trường trông nom dạy dỗ. Có những nghịch lý vẫn cứ xảy ra trong cuộc sống như vậy. Chúng ta đòi hỏi ở trẻ nhỏ thật nhiều. Phải học giỏi, thông minh, ngoan ngoãn… nhưng việc trông nom, dạy dỗ thì phó mặc cho người khác lo. Hễ xảy ra sự cố sẽ truy bằng được nguồn cơn để trút xả. Trút xả lên ông bà, giúp việc, nhà trường… mà quên rằng nguyên nhân chính ở những bậc làm cha mẹ đã chưa tròn trách nhiệm.

Vừa qua, có lần vợ tôi không giấu được nỗi buồn sau cuộc trò chuyện qua điện thoại cùng cô giáo chủ nhiệm của con. Cô chia sẻ về tình thương của mình với lớp học trò phải học tập online, áp lực của các cháu nhỏ và phụ huynh mỗi ngày phải gồng gánh. Cuối cùng, cô hỏi một câu, mà có lẽ cô vẫn biết rằng chưa ai có thể trả lời: “Bao giờ các con được đến trường?”. Tuyệt nhiên, cô giáo không hề phàn nàn, kêu ca về sự mệt mỏi của mình, chừng ấy cũng đủ để phụ huynh hiểu được tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao từ các nhà giáo, nhà trường. Đâu đó, có thể còn những câu chuyện chưa đẹp đẽ, vẹn toàn, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nhỏ, nhưng tôi tin khi mỗi bậc cha mẹ làm tròn trách nhiệm của mình thì có thể lan tỏa cả trách nhiệm đó đến xã hội, nền giáo dục và môi trường xung quanh đứa con mình.

Tới đây, tôi chợt nhớ một kỷ niệm cũ, ngày con gái mình học lớp 2. Sau giờ học chính, cháu được bố mẹ đăng ký cho học thêm một môn năng khiếu tại trường. Buổi nọ đón con, tôi gặp ánh mắt rơm rớm nước, giọng nói run run: “Cô giáo bảo bố mẹ chưa đóng tiền học nên mời con ra khỏi lớp. Con ngồi đây chờ bố, sân trường vắng và con rất sợ chuột”. Có lẽ, vì con bé luôn nghĩ có tôi ở bên nên mới trụ được tới giờ phút ấy, khi cả trường chỉ còn lớp học năng khiếu là bật điện. Trong đầu tôi biết bao phương án có nguy cơ xảy ra với một đứa trẻ bơ vơ, bố mẹ chưa kịp đón. Có bức xúc không? Có ngay lập tức muốn phản hồi, khiếu nại không? Tất nhiên là có! Nhưng tôi nhận thấy việc vỗ về, chia sẻ với con cần hơn tất cả lúc này. Sau khi con tắm gội, ăn uống, vui chơi trở lại vào buổi tối, tôi hỏi nhỏ: “Con còn muốn học năng khiếu nữa không”, con bé thẽ thọt đáp: “Dạ có ạ, con rất yêu cô giáo”! Một đứa trẻ bị cô mời ra khỏi lớp, trước mặt các bạn, mà lòng vẫn yêu cô giáo… điều đó là chút gì neo lại, khiến chúng tôi đặt câu hỏi: “Cô có điều gì khiến học trò yêu quý”? Chắc hẳn trẻ con, nhất là trong tình huống đó, thì không nói dối bao giờ. Gia đình tôi chủ động liên lạc với cô giáo dạy năng khiếu, cô thừa nhận tình huống đã xảy ra và nhận lỗi. Tới khi cô biết được câu nói của học trò: “Con rất yêu cô giáo” thì cô bật khóc.

Những học kỳ sau, không còn học năng khiếu với cô nữa, con gái tôi vẫn nhắc tới cô bằng thái độ kính trọng rồi kể rằng: “Cô vẫn quan tâm, hỏi thăm con, cô còn chúc mừng khi con đoạt giải môn vẽ nữa”. Rõ ràng, điều đã xảy ra không tốt đẹp, nhưng cái kết của nó, có hậu hay không, có thể lại phụ thuộc vào người lớn. Chúng ta có chấp nhận chậm lại một chút, nhường nhau một bước, bao dung cho những lỗi lầm… để trẻ nhỏ được vô tư, trong sáng trong sự cảm nhận của chúng về cuộc sống này không, có lẽ điều ấy vô cùng quan trọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top