Bao giờ giải tỏa được cơn khát vốn của doanh nghiệp bất động sản?

Bao giờ giải tỏa được cơn khát vốn của doanh nghiệp bất động sản?

Thứ Bảy, 10/09/2022 - 06:09

LTS: Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do dòng vốn bị nghẽn bởi nhiều lý do khác nhau. Tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” chiều 14/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý", đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng với bất động sản theo nguyên tắc sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.

Với tình hình hiện tại, làm thế nào để dòng vốn được thông suốt và đi đúng mục đích, ngăn chặn tình trạng bong bóng và những hệ lụy là điều mà các cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân đều quan tâm.

Trên tinh thần nghiên cứu và tìm ra những giải pháp phù hợp, Reatimes khởi đăng tuyến bài “Tìm giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản”.

Bài 8: Bao giờ giải tỏa được cơn khát vốn của doanh nghiệp bất động sản?

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Câu chuyện nguồn vốn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là chủ đề được rất nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian vừa qua. Vào giữa tháng 7, Thủ tướng đã chủ trì "Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" nhằm đánh giá thực trạng và nêu rõ những hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.

Tới ngày 29/8, Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra quan điểm, định hướng giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản, không siết tín dụng một cách bất hợp lý, không điều hành chính sách "giật cục", không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại.

Mặc dù ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố cấp thêm hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Song, nhiều chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi, liệu việc nới room tín dụng có giải tỏa được “cơn khát” vốn của các doanh nghiệp, trong đó có nhóm bất động sản và người mua nhà?

LO NGẠI THỊ TRƯỜNG MẤT THANH KHOẢN

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 8 tháng đầu năm, nền kinh tế có xu hướng phục hồi, giữ vững ổn định vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn. Song, theo Bộ trưởng, vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón trên thế giới tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng rất khó dự báo. Việc thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung cùng với chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng đã tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Trong bối cảnh đó, việc điều hành tăng trưởng tín dụng vẫn chịu sức ép kiềm chế lạm phát. Mặc dù nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng hầu hết doanh nghiệp bất động sản vẫn không thể tiếp cận vốn vay. Nhiều chuyên gia nhận định, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống người dân.

Trao đổi với Reatimesông Đỗ Duy Thành, Quản lý Đầu Tư, Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam 8 tháng qua đã ghi nhận dấu hiệu trầm lắng. Nguyên nhân có thể kể đến là việc Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái kiểm soát cả kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Về ngắn hạn, những chính sách này tất yếu sẽ làm thị trường chững lại. Đồng thời, rủi ro lớn nhất cho các doanh nghiệp bất động sản và cả nền kinh tế là tính thanh khoản. Vấn đề dòng vốn chưa được giải quyết dẫn đến nợ đọng lẫn nhau giữa doanh nghiệp xây lắp với nhà cung cấp vật liệu, nhà máy sản xuất. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ rời khỏi thị trường khi không thể tiếp tục vay nợ.

Theo ông Đỗ Duy Thành, nợ xấu bất động sản đang có dấu hiệu tăng nhanh. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 30/6/2022, nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái. Dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản sắp tới cũng phải đón nhận 270 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

"Nguồn vốn mới hạn chế, thanh khoản thị trường chùng xuống do giá nhà tăng cao bất thường, nay lại thêm áp lực trả nợ từ trái phiếu đáo hạn, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản ngày càng bị vắt kiệt. Quy mô thị trường tài chính của Việt Nam ngày nay đã trở nên rất lớn, vì vậy việc mất thanh khoản từ các doanh nghiệp bất động sản sẽ là một gánh nặng lớn cho hệ thống ngân hàng", ông Thành nhận định.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, chia sẻ với Reatimes, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho biết, hai vấn đề lớn nhất doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt là khó khăn về pháp lý và dòng vốn. Mặt tích cực là hiện tượng sốt đất ở nhiều khu vực đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu dòng vốn phanh quá gấp sẽ tạo ra cú sốc với thị trường. Như chúng ta thấy, các chuyên gia tài chính cũng thường xuyên kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này bởi hệ lụy liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản là vô cùng lớn.

“Các ngân hàng thiếu hạn mức cho vay đối với tất cả các ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, bất động sản và chứng khoán đang là những kênh thu hút vốn ngân hàng nhiều nhất, nên sẽ cảm nhận rõ khó khăn và thị trường cũng nhanh chóng đi xuống khi nguồn cung tín dụng hạn chế”, ông Duy cho biết.

Mặt khác, giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho biết, hoạt động mua bán trên thị trường thứ cấp cũng trầm lắng từ tháng 4 đến nay và còn kéo dài trong bối cảnh thanh khoản thấp toàn thị trường.

“Các khách hàng của chúng tôi gặp một số khó khăn khi tiếp cận vốn vay, đặc biệt với những dự án mang tính chất đầu tư trung và dài hạn. Dữ liệu của chúng tôi ghi nhận có khoảng 30% khách hàng bỏ cọc, rơi vào phân khúc trung cấp, tài chính 3 - 5 tỷ. Còn phân khúc cao cấp trên 10 tỷ và bình dân dưới 1 tỷ không ghi nhận tình trạng bỏ cọc này. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn khó khăn dẫn đến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh”, ông Duy nói.

Ông Đỗ Quý Duy cũng cho rằng, khó khăn liên quan đến nguồn vốn đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của nhiều chủ đầu tư. Họ có thể bỏ lỡ những cơ hội nhất định hoặc phải tiếp cận những kênh huy động khác với chi phí cao hơn, rủi ro lớn hơn nên lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục bị đe dọa.

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu đang biến động không ngừng, việc điều tiết linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại là đúng đắn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần những chính sách ổn định hơn để việc vận hành được thông suốt, đặc biệt là trong vấn đề lãi suất.

“Lãi suất các ngân hàng thời gian qua biến động theo từng tháng và xu hướng là tăng lên, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong khi đó, nếu dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, có thể 6 tháng đến 1 năm tới sẽ có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ rời khỏi thị trường”, ông Duy dự báo.

Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát nêu thí dụ, Hà Nội không có các dự án mới có pháp lý rõ ràng trong thời gian gần đây. TP.HCM năm nay cũng chỉ có 3 - 4 dự án bất động sản trong khi nhu cầu thị trường dự báo cần khoảng 50 - 60 dự án. Nguồn cung thấp, nhu cầu nhà ở tăng cao, song thanh khoản sẽ giảm do giá neo cao và các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Hơn nữa, ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống 34%, tạo áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỷ lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đồng thời lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp bất động sản.

Chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Trung Quốc vẫn đang là nền kinh tế lớn cuối cùng áp dụng chính sách Zero Covid, lạm phát ở Mỹ đang lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế tốt, kiềm chế lạm phát ở mức 4%. Song, việc thiếu vốn trầm trọng đang khiến các doanh nghiệp bất động sản, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ rời bỏ thị trường, kéo theo vấn đề việc làm, an sinh xã hội của hàng triệu lao động liên quan.

ĐIỀU CHỈNH ROOM TÍN DỤNG CÓ THỰC SỰ MANG LẠI LÀN GIÓ MỚI?

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước công bố đã nới hạn mức tín dụng (room) cho các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các tiêu chí đặt ra. Mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất là chưa tới 1%. Việc nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, hạn chế tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Dòng chảy kinh tế được kỳ vọng sớm sôi động trở lại sau quyết định này. Song, các doanh nghiệp bất động sản vẫn âu lo, bởi đặc thù nguồn vốn lớn, trong khi, tín dụng cần phân bổ cho nhiều ngành nghề khác để cùng thực hiện mục tiêu sản xuất - kinh doanh cuối năm.

Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Quý Duy cho biết không quá lạc quan ở lần nới room tín dụng này bởi nhiều ngành nghề khác cũng đang khát vốn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản thấp, thì việc vay vốn sẽ không dễ dàng ở cả vai trò chủ đầu tư và người mua.

Trong khi đó, theo ông Duy, khi room tín dụng mới tung ra, ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân cho những hồ sơ cũ và danh sách chờ này khá dài nên sẽ khó lòng giải quyết hết. Với hồ sơ mới, ngân hàng vẫn làm nhưng giữa việc duyệt cho vay và giải ngân là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực đưa thị trường bất động sản đi vào quy củ, ổn định. Dù vậy trong bối cảnh nào của chính sách vĩ mô thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn cần nguồn vốn để trụ vững, góp phần đưa thị trường thoát khỏi xu hướng đóng băng.

"Việc phát triển bền vững là yếu tố mọi ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới, nhất là thời gian qua, thị trường bất động sản đâu đó vẫn thiếu lành mạnh về mặt cục bộ. Dòng tiền thời gian tới sẽ tập trung vào nhu cầu ở thực và góp phần tạo ra tăng trưởng ổn định cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là Chính phủ có những giải pháp căn cơ hơn để điều tiết hài hòa và giải phóng thị trường bất động sản, đặc biệt là cơ chế riêng cho các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đang chiếm đa số trên thị trường", ông Duy chia sẻ.

Theo đó, thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn cho toàn ngành, dễ gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống, chúng ta cần những định hướng chính sách linh hoạt, phân loại theo chất lượng tín dụng và triển vọng tùy phân khúc, mô hình kinh doanh. Việc ưu tiên cho nhà ở xã hội, người có nhu cầu thật và cấp room tín dụng theo nhóm tiêu chí là quan trọng.

Mặt khác, theo ông Duy, chính sách tài khóa thông qua điều tiết thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và các khoản thu điều tiết khác đối với đất đai, bất động sản đã có những thay đổi phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách thuế, phí phù hợp, và linh hoạt giảm thuế, giãn nộp thuế là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.

Đơn cử, chúng ta vẫn có quy định, nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản có lãi và hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp lỗ thì doanh nghiệp vẫn phải nộp ngân sách nhà nước phần lãi chuyển nhượng theo quy định.

"Điều này còn bất cập, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Trong thời điểm dòng vốn khó khăn, chúng tôi cũng mong muốn được chủ động bù trừ lãi, lỗ của hoạt động kinh doanh bất động sản với hoạt động sản xuất kinh doanh khác để xác định thu nhập chịu thuế", ông Duy nêu quan điểm.

Các chuyên gia cũng từng đề cập đến chính sách thuế phí này. Tại Hội thảo Xu hướng thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra hồi tháng 8, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính phủ nói: “Chúng tôi đã đề nghị với Thủ tướng là lần này chống lạm phát không dùng chính sách tiền tệ nữa mà sử dụng chính sách tài khóa. Đó chính là giảm thuế và giảm giá xăng dầu giúp giảm lạm phát”.

Theo ông Nghĩa, chính sách tài khóa là một trong những chính sách nổi bật và quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô, đồng thời tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Việc điều tiết chính sách tài khóa phù hợp sẽ có tác động thúc đẩy, kích thích thị trường bất động sản và cả nền kinh tế tăng trưởng, nhưng ngược lại sẽ trở thành yếu tố kìm hãm.

Nhìn nhận lạc quan hơn, ông Đỗ Duy Thành cho biết, về ngắn hạn, những chính sách kiểm soát thị trường bất động sản tất yếu sẽ làm thị trường chững lại, tuy nhiên về lâu dài, thị trường sẽ từng bước ổn định và phát triển. Những khoản tín dụng được cấp đúng tiêu chuẩn, đúng mục đích cho dự án có hiệu quả cao cả về kinh tế và chính trị sẽ đảm bảo tăng trưởng tín dụng có chất lượng, rủi ro về tính thanh khoản và đầu cơ cũng giảm. Ngoài ra, những chính sách này cũng góp phần thúc đẩy nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, gián tiếp góp phần vào nâng cao chất lượng và tên tuổi của các dự án bất động sản.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã hiểu rõ những khó khăn của thị trường bất động sản và kịp thời có những chỉ đạo quan trọng. Sự nỗ lực của nhà điều hành, cùng với các yếu tố vĩ mô thuận lợi và tiềm năng của thị trường bất động sản là gợi ý thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề là cần có các giải pháp tích cực mở đường cho vốn ngoại chảy vào Việt Nam.

MỞ ĐƯỜNG CHO VỐN NGOẠI

Bất động sản vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Khi các kênh huy động vốn chính là tín dụng ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang đi vào ngõ hẹp, thì các nhà đầu tư ngoại xem đây là cơ hội vàng để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Đặc biệt, ngành bất động sản đứng thứ hai trong việc thu hút FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Những con số đầy tích cực cho thấy, dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thị trường Việt Nam vẫn tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù đây là thời điểm có nhiều biến động về chính sách, nhưng cũng mang đến cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành thu hút FDI nhiều nhất trong nửa đầu năm (Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Đỗ Duy Thành chia sẻ, tốc độ đô thị hóa ở các thành phố lớn ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan toả ra các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới hình thành phát triển, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở. Đồng thời, số lượng khách hàng tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng gia tăng, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.

Đặc biệt, ông Thành cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, châu Âu cũng lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thị trường này tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Hàng loạt các dự án khu công nghiệp, kho xưởng được khởi công tại nhiều địa phương. Tỷ lệ lấp đầy cũng được ghi nhận ở mức 90% ở phía Nam trong 8 tháng đầu năm.

“Covid-19 đã tạo ra sự dịch chuyển và năm 2022 đánh dấu xu hướng nhà đầu tư ngoại tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng cao tại thị trường Việt Nam. Việc chúng ta đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, kết nối kinh tế vùng cũng là động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển”, ông Thành nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc mà các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Ngoài ra, Việt Nam có một loại hình bất động sản khá mới mẻ, thuộc phân khúc chăm sóc sức khỏe, chưa được khai thác nhiều nên vẫn rất hấp dẫn những nhà đầu tư có tầm nhìn.

Việt Nam đã tiếp cận vốn FDI được tròn một phần ba thế kỷ, kể từ năm 1987. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để khơi thông dòng vốn quan trọng này, kết quả là dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam khá tích cực. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý, nên chúng ta vẫn khiến nhiều nhà đầu tư ngoại e ngại.

Theo ông Thành, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm không được giải ngân như cam kết do một số vấn đề pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án chưa rõ ràng. Điều này cũng khiến cho các dự án ách tắc ở công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng quan tâm tới các loại hình mới như condotel, officetel, nhưng các quy định pháp lý cho những loại hình này lại chưa được ban hành đầy đủ và kịp thời.

Ông Đỗ Duy Thành cũng cho rằng, nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản hiện vẫn chưa thống nhất và được hướng dẫn cụ thể, gây ra những ách tắc chưa tìm được hướng giải quyết cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A trong lĩnh vực này.

Trước những e ngại đó, Chính phủ và ngay cả các doanh nghiệp bất động sản sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để mở đường cho dòng vốn ngoại. Trên thực tế, trước khi gia nhập thị trường, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường sẽ muốn hợp tác theo hình thức liên doanh với các chủ đầu tư Việt Nam để được hỗ trợ trong quá trình xử lý các thủ tục pháp lý phục vụ phát triển dự án. Tuy nhiên, không phải lúc nào hai bên cũng có tiếng nói chung.

Vì vậy, theo ông Thành, để thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, chất lượng của dự án cũng như uy tín chủ đầu tư địa phương phải được đề cao. Và việc đảm bảo quy trình, tiến độ pháp lý trong quá trình phát triển dự án là những ưu tiên hàng đầu.

“Về phía cơ quan quản lý, các quy định về pháp lý cho các loại hình bất động sản mới nên được rà soát, chính sách đầu tư nước ngoài cũng cần được điều chỉnh kịp thời sao cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu.

Việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ sẽ là động lực tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, sẵn sàng đón dòng vốn FDI. Quan trọng là thể chế về đầu tư cần hoàn thiện, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Việc vận động xúc tiến đầu tư phải khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và tin cậy”, ông Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bên cạnh việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp đón sóng FDI, cần những giải pháp căn cơ hơn trong việc khơi thông dòng vốn từ trái phiếu, chứng khoán, ngân hàng để các nhà đầu tư trong nước chủ động trong việc huy động vốn, tùy từng chủ thể phát hành cho vay, hay phân khúc thị trường để có sự điều tiết hữu hiệu, tránh gây sự hoảng loạn không đáng có.

Tháng 8 vừa qua, dữ liệu từ FiinGroup ghi nhận nhóm ngành Bất động sản đang có diễn biến tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giá trị phát hành tăng 4,3 lần so với tháng trước, trong đó có 56% thuộc về Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food với lô trái phiếu 1 nghìn tỷ VNĐ đáo hạn vào tháng 8/2023.

Thực tế, theo ông Đỗ Duy Thành, doanh nghiệp bất động sản có hồ sơ tín dụng tốt và minh bạch vẫn huy động được trái phiếu. Đơn cử Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) cũng đã thành công trong hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp 800 tỷ VNĐ có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 12%/năm. KDH đã được FiinRatings thực hiện xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành lần đầu vào tháng 4/2022 và hiện đang được duy trì mức điểm xếp hạng BBB+, triển vọng Ổn định.

“Trong khi chờ đợi định hướng từ chính sách mới, chúng tôi kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ hồi phục và tăng trưởng bởi các yếu tố vĩ mô vẫn tích cực. Mới đây, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Điều này khẳng định vị thế quốc gia khi chỉ có bốn quốc gia được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế này nâng hạng từ đầu năm đến nay”, ông Thành nói.

Việc Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng chỉ có thể giải quyết được một phần khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp cần vay vốn, trong đó có nhóm đầu tư kinh doanh bất động sản. Về lâu dài, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải nỗ lực chứng minh năng lực trong hồ sơ vay vốn, minh bạch thông tin, chuẩn bị tinh thần cho các đợt phát hành trái phiếu mới khi Nghị định 153 được thông qua./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top