Aa

“Con mắt tinh đời” của phóng viên điều tra

Thứ Năm, 20/06/2019 - 06:01

Trong hơn 40 năm làm báo, tôi có gặt hái đôi chút thành công nào đó trong một vài thể loại báo chí thì đấy là bình luận và phóng sự điều tra.

Thể loại bình luận “thịnh” khi tuổi đã cao, tính xông xáo và mạo hiểm thấp; còn hồi dưới ngũ tuần, tôi vẫn mê phóng sự điều tra và lao vào tựa như người đi săn tìm thấy dấu chân của con thú.

Đã mang danh là phóng viên điều tra thì phải năng động, chịu đọc, máu lửa khám phá, sẵn sàng mạo hiểm và nhiều “mẹo vặt” để khai thác tài liệu. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, mà cần phải có “con mắt tinh đời” nữa.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin ôn lại một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề của mình.

Có lẽ nhiều bạn đã đọc loạt bài về "Cuộc thoát hiểm vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ" được đăng trên Reatimes. Vấn đề quan trong là ở chỗ, tại sao một phóng viên điều tra lại có thể phát hiện ra một vấn đề quay ngược 180 độ với kết luận của Thanh tra Chính phủ?

Đã có mấy ai dám nghi ngờ thông tin từ một vị Chánh Thanh tra Chính phủ báo cáo ngay tại diễn đàn Quốc hội rằng, Công an Hà Nội vừa phát hiện một vụ trốn thuế với số tiền lớn chưa từng có, khoảng 21,5 tỷ đồng, ở một Công ty tư nhân có tên là 3C?

Thực ra lúc ấy, tôi cũng không hề nghi ngờ, nhưng trong đầu lại bật ra một câu hỏi: 3C là thằng cha nào mà siêu vậy? Họ là những ai, mặt mũi như thế nào, làm cách nào chỉ trong một thương vụ mà mang lại một nguồn lợi nhuận đến 43 tỷ đồng, tương đương với 7.000 cây vàng hồi bấy giờ, để rồi dẫn đến việc trốn thuế lợi tức doanh nghiệp 50%, bằng 21,5 tỷ đồng?

Đối với một phóng viên điều tra, đây là một đề tài hấp dẫn, tựa như với người đi săn gặp một dấu chân thú rừng to bằng miệng bát!

Và tôi rủ thêm nhà báo Phương Quang cũng khá cứng bút về thể loại phóng sự điều tra đi cùng cho chắc ăn (vì nếu chẳng may gặp “con thú” to quá, chiến một mình mà nó vồ lại có thể nguy hiểm).

Đến nơi, gặp gỡ, tìm hiểu thì tôi chợt phát hiện ra rằng, với những người lãnh đạo công ty như thế này, cơ ngơi như thế này, rất ít có khả năng tồn tại loại “văn hóa trốn thuế”. Liệu có gì ẩn khuất đằng sau nó chăng?

Bởi đó là một doanh nghiệp ra đời từ ý tưởng của một số cán bộ làm khoa học hoặc đã từng công tác trong bộ máy Nhà nước, như anh Bùi Huy Hùng học ở Liên Xô về, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty XNK của Bộ Nội Thương, anh Nguyễn Minh Song... Họ có nhiều thương vụ đình đám trong việc xuất khẩu máy tính sang Liên Xô, đã từng ứng tiền mua 6 máy bay TU hiện đại cho Vietnam Airlines, lại có một Văn phòng cực “oách” ngay phố Tràng Tiền hồi bấy giờ...

Toàn những người có học, làm ăn bài bản, chẳng nhẽ họ không biết nếu trốn thuế một khoản tiền khổng lồ như vậy thì doanh nghiệp của họ có thể bị nhấn xuống bùn đen hay sao?

Vậy liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? “Chỉ có thể là một phần nghìn”, tôi và nhà báo Phương Quang thống nhất đánh giá như vậy, cho dù đã nghe Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Song khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Công ty 3C không nắm số tiền này trong tay và không dính dáng đến vụ trốn thuế này nếu có xảy ra”.

Với dự cảm nghề nghiệp, chúng tôi quyết tâm lần theo dấu vết của sự nhầm lẫn “một phần nghìn” này, đến thẳng Văn phòng của Tổng công ty Dệt may Confextimex tại phố Tràng Tiền, một trong 3 doanh nghiệp liên kết tạo ra thương vụ đình đám này.

Tổng giám đốc Confextimex Vũ Công Toàn tiếp chúng tôi khá cởi mở và cũng trao cho chúng tôi một tập tài liệu photo copy dày cộp. Với những tài liệu quan trọng, chúng tôi muốn xem tận mắt bản chính, anh cũng đồng ý. Tôi hỏi thẳng:

- Thưa anh, anh đánh giá thế nào về “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” ở Công ty 3C?

- Đây là một nhầm lẫn tai hại của các cơ quan chức năng. Trong cuộc hợp tác này, Công ty 3C chỉ đóng vai trò cung cấp nguồn tài chính. Bên đại diện ký hợp đồng với đối tác nước ngoài là Confextimex. Nếu phát sinh lợi tức doanh nghiệp và phải nộp thuế thì trách nhiệm thuộc về Confextimex chứ không phải Công ty 3C.

Tôi với nhà báo Phương Quang nhìn nhau đầy bất ngờ. Hình như cái sự nhầm lẫn tưởng chỉ trong “một phần nghìn” kia đã bỗng nhiên trở thành 100%. Mà điều bất ngờ hơn là tại sao các cơ quan chức năng từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất của ta lại để xảy ra một nhầm lẫn khủng khiếp đến vậy.

Tôi hỏi tiếp:

- Như vậy là Confextimex đã trốn thuế?

- Chúng tôi đâu có trốn!

- Nhưng số tiền 21,5 tỷ đồng kia gần một năm nay vẫn chưa được nộp vào ngân sách Nhà nước?

- Chúng tôi đã báo cáo số tiền này cho Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, đồng thời cũng xin coi đây là khoản tiền tái cấp vốn cho Confextimex để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cơ quan tham mưu của cả hai Bộ đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này và cơ bản là đồng ý. Chỉ còn chờ quyết định chính thức thì xảy ra sự việc ầm ĩ này. Như vậy sao có thể gọi là trốn được?

Thế là đã rõ, chẳng có cuộc trốn thuế nào ở đây cả. Mọi việc đều minh bạch, văn bản giấy tờ đầy đủ với những con dấu đỏ chót. Số tiền ấy vẫn nằm ở trong túi Nhà nước, chỉ có điều nó đáng lẽ phải nằm ở túi áo thì lại đang nằm ở túi quần mà thôi!

Đến đây, các bạn trong nghề phóng viên điều tra chắc hẳn sẽ hiện lên trong đầu một bài phóng sự ngon lành, đúng không nào?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top