Condotel, resort villa, officetel được biết đến là những loại hình bất động sản mới và chưa có quy định cụ thể nào về mặt pháp lý khiến cho công tác quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng) trở nên khó khăn với cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Do đó, UBND tỉnh Vũng Tàu vừa qua đã có văn bản kiến nghị ngành xây dựng sớm ban hành quy định để tạo khung pháp lý cho hoạt động các loại hình này.
Ngay sau đó, tại Chỉ thị 09 về giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Và tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch 2019 diễn ra mới đây, các vấn đề xoay quanh condotel, officetel,... cũng đã được đưa ra bàn luận.
Học hỏi các thị trường đã thành công
Nêu quan điểm về sự phát triển của mô hình bất động sản nghỉ dưỡng, ông Luis Mesquita de Melo, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế Asian Coast Development Ltd. cho hay: Tôi biết có dự án condotel rất được nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc ưa chuộng vì nó là 1 khu nghỉ dưỡng thích hợp, qua đó nhận được giá trị cộng thêm từ sân golf hay các tiện ích quanh khu vực đó.
"Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi chúng ta không thể có khái niệm về khu nghỉ dưỡng thích hợp nếu chúng ta không có hệ thống pháp lý, khung pháp lý rõ ràng", vị này nhấn mạnh.
Ông Luis Mesquita de Melo cho rằng Việt Nam không cần sáng tạo nữa, mà thay vào đó, chỉ cần xem xét các thị trường khác đã từng trải qua điều này để học hỏi ứng dụng.
"Như chuỗi Mariot khi tới Macao đã phát triển mô hình rất hay là “CLB nhà trống”, mua điểm dưới dạng hội viên để ở khách sạn và nhà ở trên toàn cầu thuộc Mariot. Tuy nhiên Macao lúc đó không có khung pháp lý nào, cuối cùng Mariot thất bại và rời khỏi Macao.
Theo tôi, condotel cũng chỉ là một trong rất nhiều mô hình thôi, tương tự như time sharing, muốn thành công, chúng ta phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để vận hành", Phó Chủ tịch Asian Coast Development Ltd. cho hay.
Trong khi đó, ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group lại đưa ra một ví dụ về dự án Park Hyat ở Đà Nẵng: "Khi dự án này bán condotel họ rất thành công khi bán được sản phẩm mà không cần cam kết lợi nhuận. Thay vì cam kết lợi nhuận, chủ đầu tư cung cấp cho những người mua condotel một kế hoạch kinh doanh khả thi. Và nhờ vậy, chủ dự án không gặp gánh nặng nợ nần, áp lực lợi nhuận. Điều đó cho thấy, không phải toàn bộ thị trường condotel đình trệ lại mà nó phụ thuộc vào từng dự án".
Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, Phó chủ tịch JLL giả sử nếu nhà đầu tư vay vốn để phát triển condotel có thể rơi vào rủi ro không đủ tài chính để hoàn thành. Giả sử có dự án condotel có 100 nghìn căn hộ mà chỉ bán được 25 nghìn căn, họ sẽ không thể có đủ tiền để triển khai tiếp.
"Mô hình condotel rất khó thành công với nhà đầu tư tiềm lực tài chính kém. Họ phải vật lộn tài chính và chậm tiến độ. Tại Thái Lan và Bali, các quốc gia này đã từng trải qua "nỗi đau" condotel trên bờ biển của mình, Việt Nam cũng vậy", ông Adam Bury chia sẻ.
Đúc rút kinh nghiệm từ các thị trường trong khu vực, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cũng cho rằng việc phát triển condotel phải có luật định rõ ràng, và mô hình condotel chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi đó là điểm du lịch hấp dẫn, khiến khách du lịch liên tục quay lại nhiều lần, trong nhiều năm liền.
Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn
Mặc dù rất nhiều thách thức đang đặt ra với ngành bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, nhưng ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management không phủ nhận Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi, như các đường bay thuận tiện, nguồn tài nguyên dồi dào, văn hóa, lịch sử lâu đời…
Vị này khẳng định: "Việt Nam sở hữu nhiều di sản thiên nhiên vô giá, nên cần phải biết trân trọng, gìn giữ. Từ đó, nâng cao trải nghiệm, quảng bá bản sắc, nét độc đáo của Việt Nam ra thị trường du lịch quốc tế".
Và bất động sản nghỉ dưỡng đã từng được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của ngành du lịch cũng như bất động sản với con số lợi nhuận kỳ vọng mang lại, tuy nhiên, với những vướng mắc pháp lý như hiện nay thì đây vẫn còn là điều băn khoăn của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Liều lĩnh trong số đó có thể kể đến Novaland khi tiến sang lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng với những kế hoạch đầu tư đầy mạo hiểm.
Chia sẻ về lý do "liều", ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland cho hay: "Với 27 năm hình thành và phát triển, Novaland đã may mắn có nhiều thành tựu trong lĩnh vực bất động sản nhà ở. Và như mọi Tập đoàn khác, Novaland bước đầu chạm tay vào khát vọng muốn đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình, đồng thời tiến sang các ngành nghề kinh doanh có liên quan".
Nói về lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, vị này nhận định, đây vẫn là giá trị cốt lõi của Novaland.
"Đều là bất động sản, nên Novaland sẽ tận dụng được các kinh nghiệm trước kia, đồng thời nhanh chóng học hỏi những kiến thức mới. Mục tiêu của Tập đoàn là trong 5 - 10 năm tới sẽ xây dựng được danh mục đầu tư có tính ổn định. Để làm sao trong tương lai, Novaland sẽ sở hữu cả khách sạn, resort,… vững mạnh hơn về tài chính, và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.", Giám đốc cấp cao Novaland chia sẻ.
Theo đó, về chiến lược, tập đoàn này sẽ ưu tiên thị trường TP.HCM, tiếp cận các điểm lân cận như Cần Thơ, Vũng Tàu… thông qua các phương thức giao thông thuận tiện, đồng thời, tận dụng được nguồn khách sẵn có ở TP.HCM vốn rất cần những điểm đến, trải nghiệm mới.