Đồng Nai họp báo công bố thông tin "nóng": Công an đang điều tra 27 dự án đất nền do Địa ốc Alibaba rao bán
Thời gian qua, Báo Đồng Nai và nhiều báo, đài đã liên tục thông tin về việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba không được cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào tại huyện Long Thành, nhưng vẫn liên tục quảng cáo, rao bán trên mạng nhiều dự án khu dân cư trên địa bàn các xã: Long Phước, Phước Thái, An Phước, Bàu Cạn, Tân Hiệp. Nhiều người dân đã cả tin đặt mua đất nền của công ty này.
Qua rà soát, các cơ quan chức năng phát hiện Công ty Alibaba đã thực hiện rao bán 27 dự án trên website http://diaocalibaba.vn, và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát tờ rơi theo bản đồ tự vẽ phân lô ở 19 khu đất với diện tích khoảng 75ha.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đất nền Hà Nội có đang bị "hét giá" theo dự án?
Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến thị trường bất động sản các khu vực này dậy sóng. Khảo sát từ một số sàn giao dịch, nhân viên môi giới cho hay tại Đông Anh, các khu vực Xuân Canh, Nguyên Khê, Lễ Pháp, Thiên Ca, Trung Oai, Vĩnh Ngọc… giá đất đang bị đẩy lên gấp đôi, tức mức tăng đạt 100% so với thời điểm đầu năm 2018. Đơn cử, đất tại khu đô thị Nguyên Khê được “hét” lên 28 - 30 triệu đồng/m2 trong khi cùng kì năm ngoái giá rao bán là 15 - 17 triệu đồng/m2. Đất tại Xuân Canh, giá bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên 35 - 40 triệu đồng/m2. Đất khu Lễ Pháp, Nguyên Khê, giá rao tăng từ 15 - 18 triệu đồng/m2 lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2…
Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55 - 65 triệu đồng/m2 trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ dao động 30 - 40 triệu đồng/m2. Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2, thời điểm cuối năm 2017, giá chào bán là 80 - 110 triệu đồng/m2, đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng được chào giá 30 - 37 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm đầu năm 2018, giá chỉ quanh quẩn 23 - 28 triệu đồng/m2…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Biến tướng của hợp đồng BT: "Biết rồi, khổ lắm..." mà sao vẫn sai phạm?
Hơn 10 năm đi vào thực tiễn, BT đã từng được kỳ vọng trở thành hình thức góp phần kiến tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng đất nước. Nhưng đến bây giờ, các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT lại tạo ra những hệ lụy, gây thất thoát tài sản, lãng phí tài nguyên. Song, lạ rằng, dù cơ quan, ban ngành đã vào cuộc, dù dư luận lên tiếng nhưng sai phạm của một số dự án BT vẫn đâu lại hoàn đó.
Trước đó, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Chỉ một trong 12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Nhưng thực chất đều là một người lập và "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp "con". Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoát cho ngân sách.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tương lai đầy hứa hẹn của bất động sản công nghiệp và văn phòng
Trong tháng 11/2018, Mapletree Logistics Trust tuyên bố mua lại một nhà xưởng của Unilever tại khu công nghiệp VSIP 1 với giá trị 31 triệu USD. Nhà xưởng này sẽ được cho Unilever thuê lại trong mười năm.
Khoảng một tháng sau, Tập đoàn Amata, đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan, khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Sông Khoai, một phần thuộc siêu dự án Amata City Hạ Long tại tỉnh Quảng Ninh. Công trình này là một bước đi chiến lược để Amata mở rộng tới khu vực phía Bắc Việt Nam, sau thành công của các dự án Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa và Amata Long Thành tại phía Nam. Với tổng diện tích đất là 5.789ha, dự án này sẽ là một thành phố công nghiệp tích hợp, hướng tới thành phố thông minh với tổng số vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD.
Ngoài bất động sản công nghiệp, văn phòng tại Việt Nam tiếp tục là một trong những phân khúc bất động sản hấp dẫn nhất trong khu vực.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tràn lan xây dựng không phép, TP.HCM chỉ đạo xử lý nghiêm
UBND TP.HCM vừa yêu cầu UBND huyện Bình Chánh xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi báo chí phản ánh tình trạng nhiều căn nhà không phép mọc lên như nấm sau mưa ở huyện Bình Chánh. Chỉ riêng ở xã Vĩnh Lộc A, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản hàng chục căn xây lụi.
Để xử lý vấn đề này, UBND TP giao Công an TP tổ chức nắm tình hình về việc cán bộ công chức bao che, tiếp tay với các đầu nậu xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn việc đầu cơ trục lợi, xây dựng không phép, phá vỡ quy hoạch, gây mất an ninh trật tự tại huyện Bình Chánh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nghiên cứu các quy định hiện hành có liên quan và nhu cầu thực tế sử dụng đất tại địa phương, để tham mưu chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, để cấp phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định, hạn chế việc xây dựng sai phép, không phép.