Sáng 27/11, Thanh tra TP.HCM tổ chức buổi họp báo về kết quả rà soát, kiểm tra đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở trên địa bàn huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến tháng 7 năm 2016.
Hơn 500 trường hợp đã tách thửa, chuyển nhượng
Thông tin tại cuộc họp, Phó chánh Thanh tra TP.HCM Trần Đình Trữ cho biết, từ năm 2015 đến tháng 7/2016, huyện Hóc Môn có 1.386 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định.
Đáng chú ý, trong tất cả 1.386 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thì có đến 527 trường hợp đã tách thửa và chuyển nhượng thành 1.086 trường hợp; 64 trường hợp tách thành nhiều thửa để chuyển nhượng; 634 trường hợp đã thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng và hiện nay vẫn còn 429 trường hợp đang thế chấp quyền sử dụng đất.
Về việc cấp phép xây dựng công trình, trong số 1.386 trường hợp đã chuyển mục đích sử dụng đất, có 515 trường hợp có hộ khẩu ngoài huyện Hóc Môn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sau đó chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Trong số này, có 205/515 trường hợp đã được cấp phép xây dựng; hiện trạng có 21 nhà xưởng (10 trường hợp có diện tích từ 1.000m2 đến 1.628m2 , số trường hợp còn lại từ 500m2 trở lên); 3 trường hợp UBND huyện Hóc Môn kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ghi nhận sai công năng.
Vì vậy, ông Trữ cho rằng, việc UBND huyện Hóc Môn giải quyết cho 1.386 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở đã vi phạm quy định pháp luật đất đai, không đảm bảo sự phù hợp quy hoạch, không đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ, vi phạm các quy định về quản lý đất đai đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Chuyển Công an TP.HCM điều tra
Để giải quyết những sai phạm về đất đai ở Hóc Môn, Phó chánh Thanh tra TP.HCM thông tin, vụ việc này đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao cho Công an TP.HCM điều tra, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND TP.HCM còn chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) đã được thành phố phê duyệt vào năm 2017. Từ đó, đề xuất lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên địa bàn huyện Hóc Môn trình TP.HCM phê duyệt.
Huyện Hóc Môn cũng phải tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các đường, hẻm trên địa bàn huyện, làm cơ sở quản lý các đường, hẻm và giải quyết tiếp các thủ tục về nhà đất theo quy định với các trường hợp thuộc các nhóm 1, 3.
Song song đó, huyện Hóc Môn lập, thẩm định, chuyển Sở Quy hoạch – Kiến trúc có ý kiến trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2.000, làm cơ sở xem xét sự phù hợp quy hoạch để giải quyết tiếp các thủ tục về nhà đất theo quy định đối với các trường hợp thuộc nhóm 3, 4.
Nhóm 5 và 6 sẽ được giải quyết sau khi huyện Hóc Môn lập điều chỉnh quy hoạch phân khu (hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000). Riêng nhóm 7, huyện Hóc Môn sẽ rà soát pháp lý quy hoạch với từng trường hợp cụ thể, phân bổ vào nhóm 1 đến nhóm 6 để giải quyết.
1.386 hồ sơ được phân thành 7 nhóm theo pháp lý quy hoạch sử dụng đất
Nhóm 1 gồm 245 trường hợp: có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000: đất nhóm nhà ở hiện hữu; đất ở hiện hữu; đất nhóm nhà ở hiện hữu ổn định; đất ở hiện hữu cải tạo; đất ở hiện hữu cải tạo xen cài dân cư mới; đất nhóm ở hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới; đất ở hiện hữu chỉnh trang; có tiếp giáp đường giao thông đã được phê duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5m.
Nhóm 2 gồm 97 trường hợp: có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/5.000: đất dân cư nông thôn hiện hữu; đất dân cư mật độ cao; đất dân cư nông thôn tập trung; có tiếp giáp đường giao thông đã được phê duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5m.
Nhóm 3 gồm 83 trường hợp: giống như nhóm 1 nhưng chiều rộng mặt đường hiện hữu nhỏ hơn 3,5 m.
Nhóm 4 gồm 37 trường hợp: giống như nhóm 2 nhưng chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 3,5 m.
Nhóm 5 có 485 trường hợp: có chức năng quy hoạch theo đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 (không thuộc nhóm 1) và đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 (không thuộc nhóm 2): có tiếp giáp đường giao thông đã được phê duyệt lộ giới, chiều rộng mặt đường hiện hữu trên 3,5 m.
Nhóm 6 có 323 trường hợp: giống như nhóm 5 nhưng chiều rộng mặt đường hiện hữu nhỏ hơn 3,5 m.
Nhóm 7 gồm 116 trường hợp có quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/10.000.