Aa

Công bố quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương

Thứ Năm, 15/09/2016 - 15:38

Việc công bố quy hoạch sẽ làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành Quy định quản lý xây dựng trên địa bàn khu đô thị.

Ngày 14/9, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Thanh Xuân và UBND quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, tỷ lệ 1/500.

Theo đó, việc công bố triển khai quy hoạch này nhằm tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan gắn kết với các dự án đầu tư xây dựng mới và khu dân cư hiện có, đóng góp vào cảnh quan kiến trúc đô thị dọc tuyến đường Lê Văn Lương; xây dựng định hướng quản lý kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực.  

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc công bố quy hoạch sẽ làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành Quy định quản lý xây dựng trên địa bàn khu đô thị theo quy hoạch được duyệt, lập các dự án đầu tư xây dựng và để chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Khu vực lập quy hoạch chi tiết có chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 1,8km, với diện tích lập quy hoạch khoảng 42,94ha (429.422m2), thuộc địa bàn phường Trung Hòa - quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính - quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Diện tích đất trên được quy hoạch gồm các chức năng sử dụng đất như sau: đất giao thông đô thị: tổng diện tích khoảng 11,8ha; đất công cộng đô thị, tổng diện tích khoảng 4,4ha; đất cây xanh, mặt nước, TDTT đô thị, tổng diện tích khoảng 8,2ha…

Khu vực quy hoạch có phía Tây Nam giáp đường Vành đai 3; phía Đông Bắc giáp sông Tô Lịch và đường Láng (Vành đai 2); phía Đông Nam và Tây Bắc giáp khu dân cư và một số dự án, các cơ quan đơn vị thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

 Về mạng lưới giao thông đường bộ sẽ có đường cấp đô thị gồm: Đường Lê Văn Lương (đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng): Mặt cắt ngang rộng từ 40 - 53m gồm 2 lòng đường xe cơ giới rộng 2x11,25m=22,5m. Vỉa hè hai bên mỗi bên rộng từ 7,25m - 15,25m; dải phân cách trung tâm rộng từ 3m đến 8m. Đường Hoàng Đạo Thúy (đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng). 

Đường cấp khu vực gồm: Đường Hoàng Minh Giám, đường Nguyễn Tuân, đường Nguyễn Thị Định... Các tuyến đường trong khu vực dân cư làng xóm được cải tạo chỉnh trang đảm bảo đủ bề rộng tối thiểu 4m đảm bảo phòng cháy, cứu hỏa, có bãi đỗ xe, hệ thống giao thông công cộng...

Hình thức kiến trúc chủ đạo, ánh sáng, vật liệu hoàn thiện, màu sắc công trình phải phù hợp với không gian chung và tính chất sử dụng của công trình, kết hợp giải pháp thiết kế kiến trúc theo hướng sinh thái đối với các công trình xây dựng cải thiện vi khí hậu, tạo không gian thân thiện với môi trường và gắn kết với không gian xanh. Thống nhất về cao độ và chiều cao các tầng để đảm bảo đồng đều trên mặt đứng toàn tuyến phố.

Đảm bảo bố trí đủ diện tích đỗ xe tại các ô đất phục vụ nhu cầu công trình tại khu quy hoạch và khách vãng lai theo quy định, cũng như các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phụ trợ và bố trí tại tầng hầm công trình. Tổ chức lối lên xuống tầng hầm thuận tiện, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ và thoát nạn khi có sự cố theo quy định hiện hành; tổ chức đấu nối giao thông nội bộ với mạng lưới đường giao thông bên ngoài hợp lý, không bị tắc nghẽn.

Tỷ lệ trồng cây xanh trong các ô đất không thấp hơn các quy định đã được xác lập trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Khuyến khích tạo lập hệ thống cây xanh lớn hơn theo quy định. Bố cục cây xanh vườn hoa, cây xanh khu quy hoạch cần được nghiên cứu thiết kế hợp lý trên cơ sở phân tích về điều kiện vi khí hậu của khu đất thiết kế; phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp nhằm tạo được bản sắc địa phương, dân tộc và hiện đại.

Đồng thời thiết kế hợp lý để phát huy vai trò trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn, phối kết kiến trúc, tạo cảnh quan đường phố, cải tạo vi khí hậu, vệ sinh môi trường, chống nóng, không độc hại, tránh cản trở tầm nhìn giao thông và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị (đường dây, đường ống, kết cấu vỉa hè, mặt đường,...), đáp ứng các yêu cầu về quản lý, sử dụng, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế cây xanh đô thị; không được xây dựng công trình, chỉ trồng cây xanh, làm vườn hoa kết hợp với kiến trúc tiểu cảnh, phục vụ dân cư trong khu quy hoạch.

Các công trình tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc trên toàn tuyến đường bố trí tại các khu vực như sau:

Cụm công trình cơ quan tại ô đất N1, xung quanh quảng trường giao giữa trục đường Lê Văn Lương với đường Vành đai 3. Đây có thể coi là không gian cửa ngõ của trục đường, đón hướng nhìn từ đường Vành đai 3.

Cụm công trình cơ quan, văn phòng tại ô đất N16 và chung cư tại ô đất N17 xung quanh quảng trường giao giữa trục đường Lê Văn Lương và không gian đường Vành đai 2 (bao gồm cả sông Tô Lịch). Đây là không gian đón điểm nhìn từ đường Láng Hạ, từ khu vực trung tâm thành phố...

Không gian mở bố trí tại khu vực: Về lâu dài chuyển các công trình đỗ xe cao 2 tầng tại các ô đất N28, N29 thành công trình xây ngầm, để không che chắn tầm nhìn từ trục đường xuống công viên; bãi đỗ xe hiện tại nằm cạnh trục đường tại ô đất N7.3 chuyển thành xây dựng ngầm, phía trên sử dụng là đất cây xanh vườn dạo.

Khối đế các công trình cao tầng dọc hai bên tuyến đường được nghiên cứu thống nhất về hình thức kiến trúc, khoảng lùi xây dựng, tổ chức hệ thống mái che... tạo sự liên kết toàn tuyến, tăng cường các hoạt động giao tiếp của người dân trong khu vực và lân cận.

Dọc hai bên tuyến đường có ô đất N20.2 hiện có khu dân cư xây dựng theo kiểu chia lô được giữ lại cải tạo chỉnh trang, cần có các biện pháp kiểm soát về hình thức kiến trúc công trình để không ảnh hưởng xấu đến cảnh quan chung toàn tuyến.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top