Theo quyết định do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 9/7/2020, quy hoạch nêu trên có tổng diện tích 300ha (trong đó có 110ha nằm tại P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng và 190ha thuộc P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đáp ứng quy mô cho 60.000 sinh viên, 3.364 cán bộ giảng dạy và 5.000 cư dân, kể cả cư dân hiện hữu…
Theo quy hoạch này, Đại học Đà Nẵng sẽ tập trung các trường, gồm: Đại học Y dược, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa, Đại học CNTT và truyền thông Việt - Hàn, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế và đầu tư xây dựng các khu hiệu bộ, ký túc xá sinh viên, thư viện, nhà ở công vụ, khu thể thao và giáo dục quốc phòng, khu nghiên cứu ươm tạo, khu quảng trường, công viên, khu thương mại dịch vụ, khu triển lãm thực hành…
Cũng theo quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các hộ dân thuộc diện giải tỏa trong khu quy hoạch sẽ được sắp xếp, bố trí tái định cư ở các dự án khu tái định cư sẽ được đầu tư xây dựng trên hai địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng theo phương án quy hoạch, bố trí tái định cư đúng quy định.
Về nguồn lực đầu tư, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ đó là vốn ngân sách Nhà nước (vốn trung ương và địa phương), vốn vay ODA, vốn kêu gọi đầu tư PPP, vốn từ nguồn thu hợp pháp của Đại học Đà Nẵng và các nguồn hợp pháp khác.
“Đến năm 2025, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp thiết: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trung tâm điều hành, hội trường, trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh; khối hiệu bộ, giảng đường các khu trường: Đại học Quốc tế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Ngoại ngữ; khu công nghệ cao Techopole, nhà học tập và thực hành Đại học Y dược, 1 nhà làm việc 5 tầng và khu vực tỉnh Quảng Nam giải phóng mặt bằng khoảng 52ha”, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ghi rõ.
Thủ tướng Chính phủ cũng xác định cụ thể thời gian phân kỳ đầu tư Đại học Đà Nẵng vào những năm tiếp theo: “Từ năm 2026 đến 2030, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa bàn tỉnh Quảng Nam 108ha; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khối hiệu bộ và giảng đường cho Trường Đại học Kinh tế. Từ năm 2031 - 2035, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng ký túc xá và một số công trình còn lại cho các trường theo quy hoạch thuộc khu vực Quảng Nam”.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Đại học Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan quản lý quy hoạch trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của Đại học Đà Nẵng đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cập nhật vào các quyết định liên quan được phê duyệt trong các giai đoạn tiếp theo.
Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1997. Đến năm 2019, dự án rục rịch chuyển động, khi lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ủng hộ đề xuất dự án vay 100 triệu USD cho Đại học Đà Nẵng theo cơ chế cấp phát; bố trí vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2015 - 2020 và 4.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025 để ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư một số công trình cấp thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai đầu tư, xây dựng…
Dự án quy hoạch kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nằm trong vùng quy hoạch suốt 23 năm qua.