Dự Lễ công bố, có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Mạnh Dũng, Phó vụ trưởng, Vụ Công tác quốc hội, địa phương và đoàn thể, Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng, Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể tỉnh; một số doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg. Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.
Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch và các đơn vị liên quan trong tỉnh phối hợp chặt chẽ đơn vị tư vấn; phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức triển khai đảm bảo quy định của pháp luật về quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những nội dung chủ yếu: Phạm vi quy hoạch, gồm toàn bộ tỉnh Sơn La, với diện tích tự nhiên hơn 14.000 km², lớn thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính, dân số trên 1,3 triệu người, 12 dân tộc sinh sống.
Bám sát quan điểm, mục tiêu xuyên suốt: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.
Bám sát mục tiêu tổng quát, quan điểm phát triển xuyên suốt của quy hoạch tỉnh Sơn La phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo là nền tảng, các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và du lịch là mũi nhọn đột phá.
Quy hoạch tỉnh Sơn La có 4 không gian kinh tế đặc trưng, gồm: Vùng Đô thị và Quốc lộ 6; Vùng Cao nguyên Mộc Châu và phụ cận; Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà; Vùng cao biên giới.
Hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, kết cấu hạ tầng tập trung phát triển hệ thống đô thị tỉnh Sơn La hướng tới tiêu chí đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, có trọng điểm phát triển chiều sâu lẫn chiều rộng. Trong thời kỳ quy hoạch hình thành và phát triển 2 Khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập, Kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương; 2 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Mai Sơn; khu công nghiệp Vân Hồ và 15 cụm công nghiệp.
Phát triển mạng lưới giao thông, tập trung phối hợp thực hiện các dự án giao thông của Trung ương đầu tư trên địa bàn, như: Đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La- Điện Biên, Cảng hàng không Nà Sản, nâng cấp, mở rộng một số quốc lộ trọng yếu và triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.
Quy hoạch hệ thống đô thị, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 16 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V); đô thị hóa đạt 20,6,1%. Giai đoạn 2026 - 2030: Toàn tỉnh có 17 đô thị (1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa khoảng 25,8%. Phấn đấu, đến năm 2050, thành phố Sơn La đạt đô thị loại I.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Để quy hoạch sớm đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh nỗ lực nhiều hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa, bằng nhiều hình thức, tiếp tục đẩy mạnh phổ biến các nội dung cốt lõi, cơ bản của Quy hoạch tỉnh sâu rộng tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng, giữa các cấp, các ngành; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng… Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đề nghị: Cần huy động mọi nguồn lực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, trong đó, tập trung vào ba nội dung đột phá của tỉnh, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ với trọng tâm; Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng (Chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực gắn với công nghiệp chế biến; chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng…). Tập trung phát triển 2 trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Sơn La - Hát Lót); trung tâm đô thị phía Đông Nam (Mộc Châu - Vân Hồ). Phát triển 3 hành lang kinh tế động lực chủ đạo (Hành lang quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; hành lang quốc lộ 279D - quốc lộ 4G; hành lang quốc lộ 43).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Với tinh thần phát triển kinh tế phải hài hoà với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu thực hiện Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị này, UBND tỉnh Sơn La trao Chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 nhà đầu tư đại diện các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Sơn La, gồm: Công ty Cổ Phần cà phê Detech: Dự án Trồng cây cà phê Arabica Sơn La của Công ty cổ phần cà phê Detech có tổng vốn đăng ký 28 tỷ đồng, quy mô công suất trồng cà phê, kết hợp thu mua, vận chuyển cà phê tổng sản lượng khoảng 750 tấn đến 1.000 tấn/năm; triển khai trên diện tích 151.080,5 m2. Công ty cổ phần Musa Green: Dự án Bảo quản chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La có tổng vốn đăng ký 15 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 2ha, với quy mô công suất: Bảo quản sản phẩm nông sản (chuối, xoài, táo, nhãn...): 4.000 tấn đến 6.000 tấn/năm; Sản xuất sợi chuối: 1.000.000 m3/năm; Sản xuất bột chuối: Bình quân 5 tấn quả/ngày. Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La: Dự án Nhà máy chế biến cà phê Sơn La có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 4ha, quy mô công suất khoảng 50.000 tấn cà phê quả tươi/năm; sản lượng cà phê nhân sản xuất khoảng 12.500 tấn/năm. Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea): Dự án Nhà máy chế biến chè Mộc Châu có tổng vốn đăng ký ban đầu 85 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất 2,5ha, quy mô công suất 125 tấn chè tươi/ngày, dự kiến hoàn thành hoạt động sản xuất kinh doanh từ quý I/2026. Công ty TNHH Tín Phát Phúc Sơn: Dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép các loại, các nguyên liệu liên quan đến ngành giầy dép với quy mô đầu tư 200.000/đôi/năm, tổng vốn đăng ký ban đầu 20 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV chăn nuôi Minh Thúy Cò Nòi: Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Minh Thúy Cò Nòi quy mô đầu tư 32.400 con, tổng vốn đăng ký ban đầu là 286 tỷ đồng. Công ty TNHH Phúc Anh: Dự án Nhà ở thương mại và hạ tầng khu đô thị Tây Tiến, thị trấn Mộc Châu, quy mô 99 căn nhà (trong đó: 68 căn nhà ở liền kề, 31 căn nhà ở biệt thự). Dự án có tổng vốn đầu tư 253 tỷ đồng. Công ty cổ phần bất động sản Đồng Quê: Dự án Khu dân cư Trung tâm hành chính tiểu khu 14 (lô đất ODB), thị trấn Mộc Châu quy mô 51 căn (trong đó: 24 căn nhà ở liền kề, 27 căn nhà ở biệt thự). Dự án có tổng vốn đầu tư 173 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào kinh doanh bất động sản từ quý I/2025.
Ghi nhận thành tích trên, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác Quy hoạch tỉnh Sơn La thời 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhóm PV