Aa

Công cụ “bắt nhịp” cho dòng vốn ngân hàng

Thứ Năm, 17/02/2022 - 06:30

Từ giữa tháng 2/2021, Thông tư số 25/2021/TT-NHNN về phái sinh lãi suất đã có hiệu lực và điều này tạo sân chơi rộng mở hơn cho khách hàng và ngân hàng dễ tiếp cận nhau hơn.

Sản phẩm tài chính này cũng được kỳ vọng kích thích sự phát triển đồng bộ các sản phẩm cơ sở như: Trái phiếu, tín phiếu, sản phẩm tiền gửi, hợp đồng vay vốn...

Chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ tài chính

Thông tư số 25/2021/TT-NHNN là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 25 về phái sinh lãi suất đã đưa ra khái niệm cụ thể nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu trái phiếu chính phủ phát hành bằng Đồng Việt Nam tại thị trường trong nước. Lãi ròng hoặc lỗ ròng của hợp đồng phái sinh lãi suất của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại một thời điểm là lãi ròng hoặc lỗ ròng của tất cả các kỳ đã thanh toán của hợp đồng phái sinh lãi suất tính đến thời điểm đó.

Phái sinh lãi suất giúp ngân hàng có thêm dịch vụ đa dạng cung cấp cho khách hàng.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 25 so với quy định cũ là bổ sung quy định về kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử. Cụ thể, ngân hàng kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất xây dựng quy trình kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử. Quy trình này phải phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, ngân hàng cũng phải lưu trữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Một điểm mới khác của Thông tư 25 là bổ sung quy định về phát sinh giao dịch bằng ngoại tệ. Theo đó, trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ khoản tiền lãi phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất hoặc nhận ngoại tệ từ việc trao đổi khoản vốn danh nghĩa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc.

Các ngân hàng phải lưu trữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Thị trường sản phẩm gốc thêm năng động

Đánh giá về những quy định mới tại Thông tư 25, giới chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho ngân hàng triển khai các nghiệp vụ phái sinh lãi suất trên cơ sở các sản phẩm cơ sở. Theo đó, các sản phẩm cơ sở sẽ có điều kiện tốt để phát triển đồng bộ, hiệu quả và năng động hơn.

Hiện nay, các sản phẩm cơ sở cho sản phẩm phái sinh lãi suất thường là các sản phẩm tài chính có lãi suất cố định như trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng vay vốn… Điều này có thể kéo ngân hàng và khách dễ “khớp” được cung cầu hơn, qua đó cũng khơi thông dòng vốn tốt hơn.

TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng TP.HCM cho biết, một trong những điểm nổi bật nhất trong nghiệp vụ phái sinh lãi suất là các ngân hàng có thể sử dụng công cụ này để cung cấp dịch vụ phòng vệ rủi ro về lãi suất cho khách hàng.

Ví dụ, một khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng không phải tại thời điểm hiện tại mà tại thời điểm 6 tháng nữa, khi đó khách hàng sẽ không xác định được lãi suất thời điểm đó sẽ như thế nào. Tuy nhiên, khách hàng nếu vẫn muốn quản trị được chi phí tài chính liên quan đến khoản vay tương lai đó có thể sẽ cùng với ngân hàng thực hiện thêm các hợp đồng về phái sinh lãi suất. Điều này giúp cho ngân hàng có thêm các dịch vụ đa dạng hơn cung cấp cho khách, đồng thời cũng giúp cho ngân hàng và người vay kết nối được với nhau dễ dàng hơn.

Theo ông Linh, bản chất của nghiệp vụ phái sinh lãi suất chính là công vụ phòng vệ rủi ro, theo đó, các sản phẩm này được triển khai đúng theo các nguyên tắc cơ bản cũng sẽ hỗ trợ phòng ngừa các rủi ro tài chính liên quan đến sản phẩm cơ sở.

 

Ngân hàng phải quản trị giới hạn lỗ ròng cho nghiệp vụ phái sinh lãi suất

Theo Thông tư 25, khi có nhu cầu giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất mới, ngân hàng phải xác định giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng, sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất để làm cơ sở thực hiện phù hợp với quy định tại thông tư này. Giới hạn lỗ ròng được xác định bằng tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất còn hiệu lực cộng tổng lãi ròng và lỗ ròng của các hợp đồng phái sinh lãi suất đã tất toán trong năm tài chính.

Thông tư 25 cũng yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện báo cáo giao dịch phái sinh lãi suất theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top