Aa

Lãi suất khó giảm thêm, nếu tăng cũng chỉ ở mức “mềm mỏng”

Thứ Ba, 15/02/2022 - 06:25

Lãi suất đã giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp trong năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất có thể đã chạm đáy và khó có dư địa giảm thêm, ngoại trừ một số lĩnh vực ưu tiên.

Do đó, áp lực tăng lãi suất, nhất là lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2022, mặc dù vậy, mức tăng sẽ chỉ “mềm mỏng” vì nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi khó khăn để lại sau đại dịch.

Lãi suất điều hành dự báo vẫn giữ nguyên

Nhìn lại năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành như 3 lần trong năm 2020, nhưng sử dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường ở trạng thái dồi dào, gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở, mua ngoại hối và bơm VND ra thị trường,… Theo đó, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, trung bình năm 2021 giảm 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của năm 2020.

Lãi suất huy động đã tăng trong tháng đầu tiên năm 2022.

Lý giải về điều này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại. “Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán”, chuyên gia của BVSC chia sẻ.

Đối với năm 2022, chuyên gia của BVSC cho rằng, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất điều hành.
Mặt khác, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đang tăng lại lãi suất có thể sẽ tạo thêm áp lực tăng lên lãi suất trong năm 2022 này. Tuy nhiên, việc chỉ số CPI vẫn có thể giữ trong tầm kiểm soát dưới 4%, cùng định hướng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ giúp lãi suất của Việt Nam sẽ không chịu quá nhiều áp lực tăng trong năm nay.
“NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành ở mức “mềm mỏng” hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19”, chuyên gia của BVSC cho hay.

Trong khi đó, theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi mà áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%.
Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14%, tương đương mức tăng trong năm 2021.

Lãi suất huy động đã chạm đáy và sẽ “quay đầu”?

Các chuyên gia của KBSV cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đang ở mức thấp, nhưng nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022. Theo các chuyên gia này, có 3 nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng gồm: Lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa; chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN. “Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%”, chuyên gia của KBSV dự báo.

Theo số liệu từ Chính phủ, tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 25/1/2022 đạt 1,9% so với cuối năm 2021 – đây là mức tăng tháng 1 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đánh giá của các chuyên gia từ SSI Research, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ và tương đồng với các số liệu vĩ mô tháng 1.

“Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14% và mặt bằng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022, triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, lãi suất huy động sẽ tăng 20 - 25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022”, các chuyên gia của SSI Research dự báo.

Trên thực tế, trong 2 tháng cuối năm 2021, lãi suất tiền gửi rục rịch tăng tại một số ngân hàng. Tính trong tháng 1/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tiếp tục tăng nhẹ 0,002 điểm phần trăm, lên 5,552% vào cuối tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lãi suất huy động có diễn biến tăng nhẹ. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, lãi suất huy động vẫn ghi nhận mức giảm 13 điểm phần trăm.

Theo các chuyên gia của BVSC, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25 - 0,5%), đặc biệt là trong nửa cuối năm nay.

Lãi suất cho vay có thể đi ngang

Theo dự báo của các chuyên gia đến từ KBSV, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ. Các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao, để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top