Aa

Công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp bất động sản: Biến áp lực thành động lực phát triển

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 05/10/2022 - 06:09

Chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn muốn hay không mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

ÁP LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng cần phải tự tạo ra sức bật cho mình, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi mặt. 

Thực tế, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm đến với chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi phải hứng “đòn” Covid kéo dài trong suốt 2 năm qua thì sự trăn trở này của mỗi doanh nghiệp đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Có thể thấy, chuyển đổi số là giải pháp duy nhất để duy trì, phát triển và đón đầu những cơ hội mới cho các doanh nghiệp bứt phá. Bên cạnh đó, đại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi mua hàng của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực và bất động sản cũng không phải ngoại lệ.

Theo các chuyên gia bất động sản, hiện nay phần lớn người dân đều rất khó để tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác. Và thực tế hiện nay, không ít người dân, nhà đầu tư phải chịu nhiều thiệt hại trước sự dẫn dắt của “cò”, môi giới không chuyên hoặc chạy theo những cơn sốt đất. Thị trường càng lên “cơn sốt ảo” bao nhiêu thì càng cho thấy sự thiếu minh bạch và tiềm ẩn rủi ro bấy nhiêu. Với một thị trường “nhạy cảm” như bất động sản, chỉ có công khai, rõ ràng thông tin thì mới có thể phát triển bền vững. 

Ảnh minh họa: Internet

Những năm gần đây, các giải pháp, mô hình công nghệ liên quan đến bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều. Xem thông tin nhà đất trực tuyến, xem nhà online qua công nghệ virtual tour 360 độ, thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR)… là những bước đi đầu tiên giúp khách hàng dần thích ứng với việc mua hàng trên nền tảng số. Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng chi khoản tiền lớn để đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để tăng tính trải nghiệm, mang lại cảm giác chân thực nhất cho khách hàng. Nhờ các ứng dụng công nghệ, việc tìm kiếm, so sánh, giao dịch bất động sản… trở nên tiện lợi, linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm hơn.

Việc có những ứng dụng công nghệ thông minh giúp họ có thể tự tra cứu thông tin về các phân khúc bất động sản thông qua công nghệ VR, AR là một giải pháp hữu hiệu và cần được quan tâm. Qua đó, công nghệ chuyển đổi số sẽ đóng góp một phần lớn vào việc giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch. 

Hầu hết các chuyên gia bất động sản đều nhận định rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Nếu doanh nghiệp chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ mở rộng được thị trường, tăng khả năng tiếp cận và trải nghiệm cho khách hàng, từ đó, doanh thu và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp thì sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường. 

NHẬN DIỆN NHỮNG RÀO CẢN, RỦI RO VÀ THÁCH THỨC

Nhìn nhận được lợi thế khổng lồ từ việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp bất động sản đều muốn sở hữu và làm chủ công nghệ cho riêng mình. Tuy nhiên, trái ngược với những lợi ích mà nhiều doanh nghiệp mong muốn thì những thách thức, khó khăn trong thực tế lại khốc liệt hơn rất nhiều. Hơn nữa, bất động sản là một ngành kinh tế có sản phẩm và quy trình rất đặc thù nên việc chuyển đổi số là một quá trình đầy khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. 

Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp là rất lớn song kết quả khảo sát cho thấy, có đến hơn 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản đầu tiên mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn quá cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu và thiếu hụt nguồn vốn nói chung.

(Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được coi là rào cản lớn thứ hai khiến doanh nghiệp bế tắc. Phần lớn các nhân viên trong doanh nghiệp bất động sản đều không có tư duy sử dụng phần mềm hệ thống vì ngại thay đổi, công việc bận rộn và khối lượng tư liệu đồ sộ. Ngoài ra, việc có quá nhiều quy trình và mỗi quy trình đều rất phức tạp cũng là một khó khăn khác trong chuyển đổi số bất động sản, vì liên quan đến nhiều bên, không phải bên nào cũng có những nền tảng tương thích, việc sử dụng quá nhiều nền tảng trong một nhóm quy trình thủ tục giữa nhiều bên sẽ gây khó khăn, thậm chí giảm tốc độ so với việc xử lý công việc theo cách truyền thống. Qua phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều nơi đã ứng dụng phần mềm chuyển đổi số nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng hoặc chỉ ứng dụng một phần khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được thành công như mong đợi. 

Rủi ro cao tiếp theo đến từ việc chủ doanh nghiệp lựa chọn sai chiến lược, xây dựng kế hoạch, biện pháp, sản phẩm không phù hợp với năng lực, xu hướng của thị trường; lựa chọn công nghệ không đúng, không trúng. Cùng với đó là những rủi ro về pháp lý, rủi ro trong quá trình hoạt động, công nghệ, tài chính, thị trường. Có nhiều doanh nghiệp làm chuyển đổi số theo phong trào, muốn làm nhưng lại hiểu sai, nhận thức chưa đúng bản chất vấn đề. 

Song song với đó, các doanh nghiệp bất động sản đã quen với hình thức bán hàng truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn lớn trong việc chuyển đổi số. Vì có quy mô lớn và tồn tại vững chắc trong một thời gian dài nên những doanh nghiệp này có xu hướng đi theo một số hình thức kinh doanh có phần hơi cứng nhắc. Theo các nhân viên môi giới bất động sản, phần lớn khách hàng hiện nay đã quen với hình thức bán hàng truyền thống nên việc thay đổi cách bán hàng theo kiểu công nghệ  mới phải có thời gian để họ học tập và kịp thời thích nghi. Ngoài ra, tâm lý người mua bất động sản Việt Nam đều muốn đến tận nơi để xem hàng trực tiếp vì nếu chỉ xem sản phẩm trực tuyến thì họ vẫn chưa đủ tin tưởng để có thể ký kết hợp đồng mua bán.

Bên cạnh những khó khăn và rủi ro thì thách thức đối với các doanh nghiệp cũng rất lớn. Thách thức đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực bất động sản hiện nay là sự không rõ ràng về thông tin thị trường và thiếu dữ liệu số về giao dịch bất động sản. Vì vậy, cần sớm số hóa mọi thông tin về giao dịch và đẩy mạnh quản lý tập trung ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp độ riêng lẻ từng đơn vị.

Những thách thức tiếp theo trong việc chuyển đổi số trong bất động sản Việt Nam hiện nay đến từ việc thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin. Bản thân doanh nghiệp bất động sản thông thường hiện nay hoạt động theo kiểu truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo cũng như chuyển đổi số.

Chia sẻ với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận, những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là về nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhất thiếu đồng bộ, cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; kết nối giữa chủ đầu tư - proptechs (realtechs), trung gian tài chính… còn yếu.

“Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

CẦN NHỮNG DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG VÀ TẬN TÂM TRONG CÔNG NGHỆ BẤT ĐỘNG SẢN

Trên thực tế, thị trường công nghệ bất động sản nước ta cũng đã có sự xuất hiện của các phần mềm, ứng dụng tra cứu đất đai, quy hoạch nhưng nhìn chung còn rời rạc và chưa có sự thống nhất. Thấu hiểu những rủi ro, khó khăn và thách thức của mỗi doanh nghiệp bất động sản trên hành trình chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp chuyên phát triển các ứng dụng công nghệ bất động sản đã ra đời. 

Nổi bật trong đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land - doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra các giải pháp công nghệ hoàn chỉnh để chuyển đổi số cho thị trường bất động sản. 

“Các giải pháp công nghệ của Meey Land đều hướng tới thúc đẩy giao dịch nhanh, tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản. Trong tương lai, một giao dịch bất động sản mua bán sẽ rút ngắn lại từ 3 - 6 tháng xuống còn 1 - 3 ngày. Thuê và cho thuê sẽ từ 1 - 3 tháng xuống còn 1 - 3 giờ. Có thể nói, 26 nền tảng công nghệ bất động sản của Meey Land là 26 sản phẩm số sẽ giúp cho thị trường bất động sản trở nên minh bạch và hoạt động hiệu quả, ổn định hơn. Làm giảm tối đa những “nỗi đau” của thị trường, đem đến sân chơi công bằng và win - win cho tất cả các khách hàng”, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết. 

Được biết, Meey Land ưu tiên sản phẩm hỗ trợ tối đa cho nhà môi giới, gia tăng lợi ích tối đa cho các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, đem đến hiệu quả tối ưu cho khách hàng chính chủ và nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ số phục vụ khách hàng ngân hàng trong việc cung cấp các nền tảng định giá, tra cứu quy hoạch và thúc đẩy bán các tài sản phát mãi, kết nối khách hàng vay tín dụng bất động sản.

Đặc biệt, những sản phẩm của Meey Land tập trung vào việc tăng tính trải nghiệm và tiện ích cho người dùng khi áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: AI, Big Data và Blockchain... vào thị trường bất động sản. Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghệ số sinh ra để giải quyết những “nỗi đau” của thị trường bất động sản Việt Nam như thiếu minh bạch, nhiễu loạn thông tin… đã tồn tại trên thị trường hàng chục năm qua. 

Meey Land ra đời và phát triển với sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số ngành bất động sản nhằm tăng tính thanh khoản, khai thác tối đa công năng sử dụng bất động sản, góp phần khẳng định trí tuệ Việt - thương hiệu Việt. Và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện cơ bản để thực hiện ngay chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top