Một trong những “nguồn cơn” của những đợt sốt đất đang diễn ra khắp nơi trên cả nước theo các chuyên gia đến từ việc “lập lờ”, chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi. Bên cạnh đó cũng có những đề xuất quy hoạch khi được đưa ra đã nhanh chóng tạo ra việc sốt đất cục bộ nhưng ngay sau khi có thông tin đề xuất quy hoạch được “rút” thì giá đất vừa tăng nóng cũng rơi “tõm” theo.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiệm một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, theo ông Tùng người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.
Ông Tùng dẫn chứng như trường hợp quy hoạch sân bay, nhiều thông tin chỉ là dự kiến hoặc nằm trên bản thảo, khi quy hoạch chưa được công khai hoặc mới chỉ rò rỉ thông tin bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư lừa đảo, căng biển, rao bán ngay cả ngay trên đất không phải của mình.
Thực tế cho thấy, chính việc còn nhiều khó khăn trong tiếp cận các thông tin về quy hoạch đang vô tình tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng quy hoạch để đầu cơ, thổi giá bất động sản tại một khu vực nào đó nhằm kiếm lợi. Theo các chuyên gia, đằng sau câu chuyện này có thể có bóng dáng của những “nhóm lợi ích” với sự liên kết giữa công chức nhà nước và “sân sau” là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đứng ra dùng thông tin về quy hoạch để lái sóng, đầu cơ.
Về nội dung này, KTS. Phạm Thanh Tùng dẫn chứng trường hợp của TP. Hà Nội khi bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng nên lập quy hoạch phân khu ngay nhưng bẵng đi 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm.
"Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch. Thậm chí, nhiều người dân đã mua bán đất ở ven sông Hồng. Chúng ta chưa biết tận dụng quy hoạch. Hiện nay hỗn loạn như vậy là vì thiếu hướng dẫn dư luận" - ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, nguy hiểm hơn, tận dụng việc thực hiện công khai thông tin về quy hoạch chưa được thực hiện tốt thời gian qua đã phát sinh không ít trường hợp tự vẽ quy hoạch giả, tạo “fake news” để thổi giá đất. Theo nhận định của các chuyên gia, trường hợp tin giả về đề xuất xin lập quy hoạch dự án của tập đoàn Vingroup tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) vừa qua là một bài học cần sớm có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.
Đồng quan điểm về việc cần thực hiện nghiêm túc công tác công khai thông tin quy hoạch, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng cần phải gắn trách nhiệm đến từng địa phương, quy trách nhiệm người đứng đầu các cấp ở các địa phương nếu không công khai hoặc công khai không đầy đủ các thông tin quy hoạch trên địa bàn.
Còn theo ý kiến của một chuyên gia xin được giấu tên chia sẻ với PV, nên chăng cũng cần nghiên cứu cơ chế, chế tài ngăn chặn, thậm chí xử lý một số địa phương, thậm chí cả cấp cao hơn rầm rộ đưa thông tin quy hoạch về một kế hoạch hoặc đại dự án nào đó rồi lại đột ngột rút hoặc “treo” hàng thập kỷ như trường hợp thông tin “dời đô” lên Ba Vì trước đây.
"Rất nhiều người đã tán gia bại sản khi đã đu sóng “dời đô” cả thập kỷ trước, đến nay có người đã không còn mà “đô vẫn chưa dời” dù sau đó truyền thông đã khẳng định không có chuyện dời đô" - vị này nhấn mạnh./.