Aa

Công nghệ 4.0 “kích hoạt” phát triển tài chính tiêu dùng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 15/09/2018 - 23:08

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động đến tất cả các lĩnh vực và cũng không "bỏ qua" dịch vụ tài chính tiêu dùng. Nền công nghệ mới này sẽ góp phần giảm rủi ro, đơn giản hóa các quá trình cho vay nhằm đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Đây là nhận định của đa số diễn giả tại buổi Tập huấn về dịch vụ tài chính tiêu dùng cho báo chí tại Hà Nội ngày 15/9 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

Công nghệ để kiểm soát rủi ro

Theo báo cáo mới nhất của Stockplus, các công ty tài chính hàng đầu hiện đang trong giai đoạn nắm bắt thị phần và bước vào giai đoạn “chuyên nghiệp hóa”. Trong giai đoạn mới này, việc số hóa quy trình cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên 4.0 được xem là chiến lược cần thiết để doanh nghiệp bứt phá và đảm bảo vị thế của mình trong tương lai.

Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của người tiêu dùng đặc biệt là nhu cầu chi tiêu cá nhân, cải thiện nhà ở, dự kiến số lượng các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào tự động hóa quy trình; nâng cấp và sáng tạo các dịch vụ, sản phẩm là yếu tố thiết yếu nhằm tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng.

Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tăng trưởng trong những năm tới.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện cao hơn cho vay truyền thống tại các ngân hàng do sự chênh lệch từ chi phí đầu vào cao, chi phí vận hành và tính rủi ro từ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – thấp. Theo nhiều chuyên gia Kinh tế - Tài chính, muốn giảm lãi suất tiêu dùng có nhiều giải pháp nhưng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu người dùng và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả tốt cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay và chi phí vận hành của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit (Ảnh: Đỗ Linh)

Theo ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit: “Việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty tài chính đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để tiếp cận và mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của khách hàng”.

Những công nghệ thay đổi thị trường vay tiêu dùng

Hiện nay, có không ít những giải pháp công nghệ đã được nghiên cứu lựa chọn phù hợp nhất để giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và tăng hiệu quả làm việc của nhân viên cũng như giúp cắt giảm chi phí vận hành trong thị trường tài chính tiêu dùng. Điển hình tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để đổi mới ngành tài chính tiêu dùng phải kế đến công ty FE Credit.

Trong đó, công nghệ phải kể đến là cơ sở dữ liệu khổng lồ (Big Data), công nghệ này giúp quản lý kho dữ liệu thông tin, giúp phân tích “hành vi khách hàng” và tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu vào đúng thời điểm một cách thành công và hiệu quả.

Thứ hai là số hóa dữ liệu. Với những công ty tài chính tiêu dùng sở hữu cơ sở khách hàng trung thành lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có tốc độ xử lí nhanh chóng và chuyên nghiệp trong quá trình vận hành.

Ông Nguyễn Thiện Tâm cho hay, FE Credit đã tiến hành nghiên cứu công nghệ số hóa dữ liệu sinh trắc học để làm phong phú hơn kho dữ liệu khách hàng, đồng thời gia tăng tính chính xác trong hoạt động thẩm định vay, khả năng kiểm soát rủi ro cao hơn, giảm thiểu thời gian xử lí thông tin. Đơn cử một ví dụ: Nếu một khách hàng sử dụng 2 chứng minh nhân dân (CMND) để đăng ký khoản vay, trong quá trình thẩm định với công nghệ mới này sẽ giúp công ty tài chính nhận dạng khuôn mặt khách hàng từ CMND để phân tích và ngăn chặn rủi ro nếu có.

trí tuệ nhân tạo (A.I) được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng

Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng

Đáng chú ý, trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng giúp so khớp và nhận dạng khách hàng dựa trên những mẫu thu được từ khách hàng cũng như kho dữ liệu có sẵn. Theo ông Nguyễn Thiện Tâm,  với công nghệ nhận diện khuôn mặt, FE Credit có thể dễ dàng hỗ trợ và tăng khả năng kiểm soát đội ngũ kinh doanh ngoài thị trường, đảm bảo tính trung thực cũng như giảm thiểu rủi ro do con người. Hoặc khách hàng từ nay sẽ có thể nhận tiền từ VNPost một cách đơn giản nhờ khả năng nhận diện khuôn mặt mà không cần tới mã bảo mật. Bên cạnh đó, bằng công nghệ kiểm tra chất lượng hình ảnh, nhân viên kinh doanh sẽ không còn phải chờ đợi thời gian thẩm định mà có thể nhanh chóng nhận kết quả cũng như hoàn tất thủ tục đăng ký một cách chính xác.

Tiếp đó phải kể đến công nghệ ICR – Intelligence Character Recognition (Nhận diện ký tự thông minh) /OCR – Optical Character Recognition (Nhận diện kí tự quang học). Cụ thể, công nghệ này giúp tự động hóa quy trình đăng ký và tiết kiệm thời gian bằng cách tự động truy xuất các thông tin từ các giấy tờ do khách hàng cung cấp. Sau đó hệ thống sẽ tự động điền các thông tin này vào các trường thông tin tương ứng trong đơn đăng ký của khách hàng. Trí tuệ nhân tạo giúp ghi nhớ và nhận diện ký tự một cách nhanh chóng và chính xác, giúp giảm thiểu sai sót do con người và tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí vận hành ngay những bước đầu tiên.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, cùng với những yếu tố thuận lợi về hành lang pháp lý, kinh tế phát triển, dân số trẻ, việc tận dụng công nghệ 4.0 để phát triển ngành tài chính tiêu dùng là điều tất yếu. Đặc biệt đây sẽ mang đến nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên thách thức sẽ luôn song hành cùng cơ hội. Cụ thể, các công ty tài chính tiêu dùng không phải là những doanh nghiệp duy nhất áp dụng công nghệ cao vào sản phẩm và hoạt động.

Hiện nay cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các Công ty tài chính công nghệ và ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào số hóa quy trình cho vay, nhằm đáp ứng thị trường tiêu dùng ngày càng phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp tài chính sẽ dốc sức đầu tư công nghệ để nhanh chóng.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực: “Tôi cho rằng các công ty tài chính, ngân hàng thực sự cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay như blochain, AI, bởi vì hiện nay dân số của chúng ta trẻ, người người dùng smatrphone. Đặc biệt, trong thời gian tới các ngân hàng sẽ sử dụng phần mềm để chấm điểm các ngân hàng, khách hàng để xem có cho vay hay không? Có nên vay không? Và có được vay không? Ngoài ra, sử dụng blochain để quản lý mọi dữ liệu thông tin chắc chắn sẽ là xu thế trong tương lai. Tuy nhiên ứng dụng công nghệ thì phải tập huấn cho cán bộ công nhân viên và phải phổ biến đến người dân để họ cập nhật các thông tin dữ liệu nhanh chóng và đầy đủ mà không có cảm giác khó chịu vì bị làm phiền”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top