Aa

Công nghệ 4.0 song hành cùng khách hàng vay tiêu dùng

Thứ Tư, 23/05/2018 - 06:11

Sự tham gia sâu hơn của công nghệ không chỉ giúp các công ty tài chính tiêu dùng quản trị các khoản vay tốt hơn mà còn nhằm mục tiêu mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay.

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (Earn & Young Việt Nam) tại “Tọa đàm tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” diễn ra sáng 22/5 tại Hà Nội với với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cùng hơn 50 cơ quan báo chí. 

Bà Thùy Dương

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (Earn & Young Việt Nam). 

Các diễn giả của tọa đàm gồm có ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín và đại diện các công ty tài chính (CTTC) lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là FE Credit, HD Saison và Home Credit.

Các vấn đề chính được thảo luận tại tọa đàm khá đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu vào thực trạng, tiềm năng và vai trò của TCTD nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng với sự phát triển kinh tế xã hội và các giải pháp cần thực hiện để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Trong đó, việc tăng cường sự tham gia sâu hơn của công nghệ được cho là một biện pháp tối ưu, mang lại lợi ích cho cả các khách hàng và CTTC.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm "Tài chính tiêu dùng an toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng” vừa diễn ra sáng 22/5.

Cụ thể, về phía khách hàng, các sáng kiến và giải pháp công nghệ sẽ giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại trong toàn bộ quá trình vay tiêu dùng, từ khi tìm hiểu thông tin, ký hợp đồng đến khi hoàn tất thanh toán.

Đặc biệt, các giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ “khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của người vay hiện nay” – vốn là mấu chốt của nhiều khúc mắc giữa khách hàng và các CTTC trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, TS Đỗ Hoài Linh, Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội nhấn mạnh về vai trò của chính khách hàng trong việc thực hiện các giao dịch vay tiêu dùng: “Người đi vay cần hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt để tối ưu giá trị của những khoản vay. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ”. 

TS

TS Đỗ Hoài Linh, Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh về vai trò của chính khách hàng trong việc thực hiện giao dịch vay tiêu dùng. 

Về phía các CTTC, bà Thùy Dương cho rằng, “Nền tảng công nghệ sẽ giúp các CTTC tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước), nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng. Hiện tại, độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ cho vay tại các vùng nông thôn còn rất thấp. Tuy nhiên, để có thể cung cấp tín dụng tiêu dùng đến các vùng nông thôn, các CTTC cần có những sáng kiến công nghệ mới mẻ mang tính đột phá”.

Còn theo ông Đỗ Hoàng Phong, TGĐ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thì công nghệ phát triển mạnh mẽ cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho các CTTC. Vì vậy, để tránh được các rủi ro thì việc quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các CTTC.

Như vậy, có thể thấy, khi khung pháp lý của hoạt động cho vay tiêu dùng đã cơ bản hoàn thiện, tiềm năng phát triển của các CTTC còn rất lớn cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nền tảng công nghệ kỹ thuật số thì sự phát triển của thị trường này trong tương lai là đầy khả thi và mang tính bền vững, lâu dài. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top