Các cao ốc được xem như biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có của con người. Bởi vậy, ở những thành phố lớn trên toàn thế giới, các tòa nhà chọc trời vẫn đua nhau mọc lên và không ngừng lập nên những kỉ lục mới về chiều cao. Nhưng đôi khi, quy luật của tự nhiên vốn là cái gì được đẩy lên cao rồi cũng phải có lúc đi xuống. Các công nghệ xây nhà cao tầng ngày càng hiện đại nhưng công nghệ phá dỡ chúng thì lại chưa theo kịp.
Theo quy luật vận động và phát triển của sự vật, các tòa nhà chọc trời, dù sớm hay muộn, khi có tuổi thọ quá lâu cũng sẽ bị hư hỏng và thay thế. Song hiện nay, để phá bỏ các tòa cao ốc vẫn là bài toán khó mà nhân loại chưa tìm được câu trả lời hoàn hảo nhất. Các tòa nhà chọc trời ngày càng cao hơn, nhiệm vụ san bằng chúng sẽ ngày càng phức tạp hơn.
Hiện nay, có một số phương pháp phổ biến để phá dỡ một tòa nhà cao tầng như phá dỡ bằng phương pháp nổ, phương pháp "bàn tay thép" hay hiện đại nhất là phương pháp hạ tầng cuối cùng do Hideki Ichihara thuộc tập đoàn xây dựng Taisei, Nhật Bản nghĩ ra.
Phá dỡ bằng phương pháp nổ
Hầu hết mọi người đều biết các toà nhà bị thổi bay bằng những vụ nổ qua các đoạn video tư liệu. Đây là công nghệ phổ biến và ấn tượng nhất để phá dỡ một tòa nhà từ trước đến nay.
Công nghệ này sử dụng chất nổ để loại bỏ các trụ chính của tòa nhà, làm cho tòa nhà sụp đổ vào chính nó từ trong ra ngoài. Vị trí của các vật nổ và trình tự nổ là rất quan trọng để phá hủy thành công, đảm bảo an toàn. Công nghệ nổ thường được sử dụng để phá hủy các cấu trúc lớn ở các khu vực đô thị.
Để phá hủy thành công, các kỹ sư phải phân tích tất cả thiết kế, cấu trúc tòa nhà để xác định các thành phần chính của tòa nhà, đồng thời xác định xem các khu vực khác có cần phải được đặt thêm chất nổ hay không. Sau đó, họ phải xác định loại vật liệu nổ tối ưu nhất để sử dụng cũng như vị trí đặt và cách kích nổ.
Do tính chất phức tạp của công nghệ nên để tòa nhà tự sụp xuống chân nó phải là những chuyên gia có kỹ thuật cực cao. Mặt khác, ở những khu vực mật độ đông dân cư thì kỹ thuật nổ để huỷ toà nhà là không được phép do tiếng ốn, độ rung, khói bụi và độ an toàn...
Phá dỡ bằng phương pháp "bàn tay thép"
Đây là phương pháp thủ công hơn công nghệ nổ và thường được sử dụng trên các tòa nhà có chiều cao dưới 183 mét. Phương pháp này liên quan đến một cỗ máy cơ bản, chẳng hạn như máy xúc. Máy xúc được trang bị một cánh tay thép dài, phần cuối cánh tay có chứa công cụ phá dỡ như máy cẩu, nghiền, kéo,… được sử dụng để phá vỡ tòa nhà từ trên xuống.
Như một bàn tay thép khổng lồ, những chiếc máy này có khả năng thay thế cho hàng trăm nhân công đập vỡ từng mảng công trình, xúc vụn phế liệu và di chuyển một cách dễ dàng trong thời gian ngắn mà không cần phải huy động quá nhiều nhân công.
Tuy nhiên, phương pháp phá dỡ này vẫn còn khá thủ công, chỉ phù hợp với những tòa nhà thấp tầng. Tính an toàn của phương pháp này cũng không cao vì những mảnh vụn vỡ rơi xuống cũng như không kiểm soát được khói bụi, độ rung và tiếng ồn trong quá trình phá dỡ.
Phương pháp phá hủy bằng bóng siêu nặng
Đây là một trong những phương pháp lâu đời nhất của việc phá dỡ xây dựng, thường được sử dụng cho bê tông và các cấu trúc xây khác. Quả bóng phá dỡ nặng tới 6 tấn, bị treo trên một sợi cáp từ cần cẩu hoặc các thiết bị nâng đỡ khác. Quả bóng được thả xuống hoặc đập vào, nghiền nát tòa nhà bằng những cú đánh liên tiếp.
Phương pháp phá dỡ bằng bóng siêu nặng phải được thực hiện bởi những người lái cần cẩu có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm. Sự mượt mà trong việc điều khiển chuyển động của quả bóng là rất quan trọng, vì việc thiếu mục tiêu có thể làm hỏng hoặc quá tải cầu trục.
Phương pháp này bị giới hạn bởi kích thước, chiều dài của cần cẩu và không gian xung quanh tòa nhà. Phá dỡ bằng bóng siêu nặng cũng tạo ra rất nhiều khói bụi, rung và tiếng ồn.
Phương pháp hạ tầng cuối cùng
Tập đoàn xây dựng Taisei, Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ sử dụng thiết bị nâng đỡ và hệ thống cần cẩu khổng lồ để tháo dỡ các công trình tháp cao tầng. Phương pháp này sẽ phá dỡ từng tầng, từng tầng một, bắt đầu từ tầng thấp nhất để hạ chiều cao của tòa nhà một cách từ từ.
Một hệ thống máy móc đồ sộ được đặt trên tầng cao nhất để phá hủy các cột, kèo và phần lớn nền nhà. Sau đó, các thiết bị giá đỡ ở ngay bên dưới sẽ kéo phần còn lại của nền nhà và toàn bộ các mảnh vỡ xuống một bậc. Một cần cẩu ở bên trong tòa nhà, sẽ đưa hết các khối trục chính tòa nhà xuống mặt đất, đồng thời tạo ra điện năng từ chuyển động của nó và điện năng từ đây có thể được sử dụng để chạy các thiết bị khác sử dụng trong việc phá dỡ.
Đây là công nghệ tiên tiến hơn hẳn so với các công nghệ phá dỡ khác ở chỗ ít gây ra ô nhiễm hơn và yên tĩnh hơn phương pháp dùng thuốc nổ thông thường. Phương pháp này cũng gần như vẫn giữ lại được những vật liệu có ích của công trình cũ do công nghệ phá dỡ ít làm tổn hại đến hiện vật xung quanh.
Nhược điểm của cách này là kém an toàn do rủi ro về cháy nổ hoặc cấu trúc toà nhà bị hư hại.
Dù biện pháp phá huỷ an toàn đến mức nào thì việc phá một công trình cao ốc cũng rất tốn kém và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống xung quanh. Cho nên, các chuyên gia sẽ phải nghĩ nhiều cách phá dỡ cao ốc sáng tạo hơn trong tương lai. Toà nhà chọc trời cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai cao đến 829m, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ thứ gì đã được san bằng trước đó.
Nếu không, những toà nhà chọc trời cần phải được thiết kế để không bao giờ phải san bằng!