Phát triển nhanh chóng trong bối cảnh đại dịch...
Tại một buổi bán nhà gần đây ở Singapore, hệ thống mua bán, bốc thăm truyền thống (thường rất hỗn loạn) để phân bổ các căn hộ cho người mua đã không còn xuất hiện. Thay vào đó, các căn hộ đã được số hóa hoàn toàn trên hệ thống quản lý hàng tồn kho - Fastkey. Không chỉ thống kê bảng hàng, Fastkey còn có một tính năng liên quan là StoryTeller, một không gian ba chiều mà ở đó người mua có thể tham quan toàn bộ khung cảnh thành phố ảo, với danh sách dự án, sản phẩm được hiển thị đầy đủ.
Những ứng dụng công nghệ bất động sản như Fastkey đang được nhiều đơn vị, cá nhân lựa chọn, và được đánh giá là xuất hiện rất kịp thời, kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2020 trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Từ cuối tháng 9/2021, Singapore đã ra chính sách chỉ cho phép 1 khách hàng đến thăm một bất động sản, hoặc sàn giao dịch, phòng trưng bày bất động sản mỗi ngày, giảm so với con số 4 trước đó. Thậm chí, trong một số thời điểm dịch bệnh tăng cao, hoạt động này còn bị cấm hoàn toàn.
"Nếu không thể đến các sàn giao dịch, bạn sẽ làm gì?", Jason Gregory, Giám đốc điều hành của Fastkey đặt câu hỏi.
Thay vì hàng trăm người tụ tập tại các sàn giao dịch hay các buổi mở bán với các số phiếu cầm trên tay, với nền tảng công nghệ, đã có những buổi mở bán online ghi nhận 1.500 sản phẩm được số hóa và 450 sản phẩm được bán một ngày.
Gregory cho biết: “Phần duy nhất của quy trình được tiến hành theo cách thủ công là các khoản thanh toán. Chúng ta chưa thể số hóa và giao dịch trực tuyến hoàn toàn nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng và sẽ sớm có những bước tiến mang tính đột phá”.
Dữ liệu đầu tư tính đến tháng 12/2021 đã cho thấy, đại dịch trên phạm vi toàn cầu đang khiến ngành công nghiệp proptech - công nghệ bất động sản - bùng nổ. "Các công ty công nghệ bất động sản được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm đã huy động được 10,6 tỷ USD vào tháng 7/2021, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước và là mức chi lớn nhất trong kỷ lục", dữ liệu do Crunchbase tổng hợp cho biết.
Ben Breslau, Giám đốc nghiên cứu tại JLL, cho biết: “Mặc dù việc áp dụng công nghệ bất động sản đã gia tăng từ trước đại dịch, nhưng những công nghệ này đã trở nên thực sự cần thiết đối với những người tham gia thị trường bất động sản hàng đầu hiện nay, chứ không đơn thuần còn là cuộc dạo chơi”.
Xét trên toàn thể thị trường, quản lý bất động sản là lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút đầu tư với 2 tỷ USD, tiếp sau đó là xây dựng. Xét theo khu vực, Bắc Mỹ đứng đầu bảng, tiếp theo là châu Âu và sau đó là châu Á, nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy khu vực này cũng đang bắt kịp với 2 khu vực đi trước nó.
Khi Mingtiandi & Yardi (California, Mỹ) - một công ty phần mềm chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, điều tra thị trường bất động sản Hồng Kông thăm dò ý kiến của hàng trăm giám đốc điều hành tại các công ty bất động sản châu Á về việc áp dụng công nghệ, kết quả đã cho thấy một sự thay đổi rất đáng kinh ngạc.
Mingtiandi & Yardi cho rằng, thị trường bất động sản châu Á là một ngành công nghiệp được thống trị bởi những gia đình giàu có, nhiều thế hệ, những người thường được biết đến là khá chậm chạp trong việc phân tích dữ liệu và xa lạ với trí tuệ nhân tạo thì có tới 70% những người tham gia khảo sát cho biết họ đang áp dụng nhiều công nghệ hơn.
35% số người được hỏi cho rằng châu Á đang theo sau Bắc Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực này, nhưng con số này đã giảm so với 56% hồi năm 2017. Trong khi chỉ 6% những người được khảo sát ở Trung Quốc tin rằng phương đông đang theo sau phương tây.
Bernie Devine, Giám đốc khu vực châu Á của Yardi tại thị trường Hồng Kông cho biết: “Ngày càng có nhiều người nhận thức rằng châu Á đang thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua công nghệ”.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu Unissu (London, Anh), Ấn Độ dẫn đầu khu vực về số lượng công ty proptech với 170 công ty được ghi nhận vào cuối tháng 8/2021, tiếp theo là Trung Quốc với 144 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước đứng đầu bảng về mức đầu tư.
Ở Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu với 84 công ty proptech — nhiều hơn phần còn lại của khu vực cộng lại. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường năng động nhất gần đây với một loạt các công ty trong nước mới được thành lập và các công ty nước ngoài đổ vào.
Thực trạng phát triển của proptech trên khắp châu Á làm nổi bật sự khác biệt về công nghệ giữa các quốc gia và cho thấy việc áp dụng công nghệ có thể thay đổi bối cảnh thị trường bất động sản nhanh chóng như thế nào. Cũng theo Unissu, có thể một số quốc gia vẫn còn chậm trong việc phát triển proptech, nhưng với Thái Lan và Việt Nam thì lĩnh vực này đang thực sự bùng nổ.
... nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Tại Singapore, các công ty bất động sản và đại lý phân phối bất động sản hiện đang nhận được các khoản tài trợ để trả cho việc áp dụng các dịch vụ số hóa mới trong giao dịch và hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không phải dễ dàng và thực tế là đã có nhiều nhà phân phối bất động sản thực sự bị bỏ lại phía sau, không kịp chạy theo các ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhiều ông lớn đã bắt đầu tài trợ các khóa học để giúp đào tạo lại các đại lý bất động sản quen với việc sử dụng công nghệ trong việc tiếp xúc và giao dịch với khách hàng.
Tuy nhiên, như đã nói, mọi việc không dễ dàng. Dù rằng lượt xem các dự án bằng hình thức trực tuyến và các cuộc gọi ảo đã trở thành nhu cầu cần thiết trong đại dịch và tăng lên đáng kể, nhưng giới nghiên cứu cho rằng, phải xem lượng nhu cầu này sẽ tiếp tục ở mức độ nào tại các thị trường châu Á khi mọi thứ trở lại như trước đại dịch.
Joe Thor, Giám đốc điều hành của MyProperty Data hiện đã đổi tên thành Datasense, công ty dữ liệu bất động sản trực tuyến lớn nhất Malaysia được Tập đoàn PropertyGuru mua vào tháng 11/2020 cho rằng: "Việc mua một sản phẩm bất động sản là một quyết định quan trọng và thường mang tính cảm tính, và có thể vì lý do đó mà công nghệ vẫn chưa thực sự vượt qua được các nhà phân phối truyền thống".
Nhiều đơn vị phân phối bất động sản cho biết, hầu hết người mua vẫn muốn xem bất động sản trực tiếp trước khi quyết định mua hay không. Và ở nhiều quốc gia châu Á, việc mua một bất động sản mà không hề giao dịch trực tiếp là một khái niệm hoàn toàn xa lạ, chưa bao giờ được biết đến. Nhưng với những thị trường lớn như Trung Quốc, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đại dịch đã thay đổi nhận thức của khách hàng và nhiều người đã quen với việc "mua những thứ mà mình không nhìn thấy thực tế".
Trong ba tháng đầu năm 2021, Juwai IQI - một công ty chuyên mua bất động sản ở nước ngoài của Trung Quốc - ước tính rằng họ đã đạt chỉ tiêu 60% doanh số bán nhà mới.
Georg Chmiel, đồng sáng lập và điều hành nhóm của Juwai IQI, cho biết: “Khi người mua đang mua những ngôi nhà mới chưa được xây dựng, họ phải mua những thứ không thể nhìn thấy được. Trước đây, họ thường ghé thăm các sàn giao dịch, đơn vị phân phối để xem tận mắt mô hình cũng như các sản phẩm hoàn thiện và đồ đạc, nhà mẫu và làm việc trực tiếp với bên bán, nhưng trong thời kỳ đại dịch, điều này là không thể”. Tuy nhiên Juwai IQI vẫn đạt được 60% doanh số trong bối cảnh đại dịch hạn chế đi lại là một trong những dấu hiệu tích cực cho thị trường Trung Quốc, và đáng mừng cho lĩnh vực công nghệ bất động sản.
Trong tương lai, mục tiêu của lĩnh vực proptech được chú trọng hơn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, là cố gắng giảm thiểu sự khác biệt giữa các chuyến tham quan ảo so với thực tế, để khách hàng không cần phải quan tâm đến việc liệu họ có tận mắt nhìn thấy sản phẩm bất động sản hay người bán hay không nữa.
Chmiel kết luận: "Chúng tôi muốn việc mua bán bất động sản sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với người sống ở Thượng Hải mà muốn mua nhà ở London hay những người nước ngoài muốn mua bất động sản trong nước, nhờ công nghệ".