Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với nhân loại, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người, trong đó có hoạt động xây dựng. Để chủ động thích nghi và ứng phó với những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra, việc ứng dụng các công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường vào lĩnh vực xây dựng đang trở thành một xu thế tất yếu.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là sự tiêu thụ năng lượng khổng lồ từ các công trình xây dựng. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phát thải CO2 của ngành công nghiệp xây dựng là trên 40% ở các nước châu Âu, khoảng 36% ở Nhật Bản, 28,8% ở Đài Loan. Theo Hội đồng công trình xanh Mỹ (USGBC), năng lượng sử dụng hàng năm của nhà ở và nhà thương mại là 39%, phát thải 30% khí nhà kính, cộng thêm năng lượng tự thân để chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển đến nơi xây dựng và lắp đặt thì tổng năng lượng tiêu thụ lên đến 48%. Kiến trúc sư Edward Mazria (Mexico) đã chỉ ra rằng, xây dựng là nguồn gốc phát thải của gần một nửa lượng khí nhà kính toàn cầu, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ, hàng năm chủ sở hữu các công trình thương mại đã phải chi 107,9 tỷ USD cho việc sử dụng năng lượng trong các công trình của mình. Do vậy, trong vài năm trở lại đây đã có nhiều công nghệ tiết kiệm năng lượng được ứng dụng vào các công trình kiến trúc nhà ở và sinh hoạt công cộng, góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 từ các tòa nhà. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ để đạt tiêu chuẩn quốc tế LEED (của Hội đồng công trình xanh Mỹ) mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho tất cả các công trình kiến trúc.
Theo xu thế chung của thế giới, thời gian qua Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc đưa công nghệ xanh vào các công trình xây dựng. Tuy nhiên, để có thể chủ động trong việc thích nghi và ứng phó với những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu, thì không chỉ các công trình lớn, công trình trọng điểm mà các công trình khác cũng cần được “xanh hóa”. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm chủ và đưa vào triển khai các công nghệ hiện đại, công nghệ xanh vào xây dựng thực sự cần thiết. Điều này, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Trong các doanh nghiệp tiên phong về công nghệ xanh điển hình phải kể đến Tập đoàn GFS trong mục tiêu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh. Trong đó, nhiều dự án chuyển giao công nghệ đã được Công ty Cổ phần JIVC - Công ty thành viên thuộc tập đoàn GFS đưa vào ứng dụng thành công trong các dự án trong và ngoài nước như: Công nghệ gia cố nền đất NeowebTM là công nghệ phân tách, ổn định và gia cố nền đất được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, giao thông vận tải và thủy lợi. Công nghệ này giúp giảm thời gian thi công, giảm chi phí xây dựng và duy tu sửa chữa sau này. Đây cũng là giải pháp công nghệ xanh cho các công trình mái dốc và tường chắn đất được áp dụng thành công trong các dự án tại Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội và Phú Thọ.
Bên cạnh đó, công nghệ “Tái sinh và bảo dưỡng nguội mặt đường bê tông nhựa TL-2000” được ứng dụng trong duy tu, trùng tu, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu áo đường bê tông nhựa trên đường ô tô, sân bay…Công nghệ TL-2000 đã được áp dụng thành công tại hơn 10 dự án trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Australia và Đại sứ quán Mỹ tại Kazakhstan.
Theo giới phân tích, việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện ở Việt Nam mới chỉ là khởi đầu với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai cũng gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hy vọng khi xã hội phát triển thêm một bước, việc ứng dụng công nghệ xanh trong công trình xây dựng sẽ được xã hội hóa. Khi đó, không chỉ các công trình trọng điểm, công trình lớn mà các công trình khác cũng sẽ ứng dụng phổ cập hơn để ngành xây dựng Việt Nam có thể sánh vai cùng khu vực và thế giới.