Dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó, công tác quy hoạch cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến phức tạp của đại dịch đã làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, nhất là với các tổ chức tư vấn quốc tế.
“Bối cảnh này đặt ra yêu cầu mới cho công tác quy hoạch, đó là yêu cầu về tái cơ cấu và chuyển đổi sau dịch bệnh, vì quy hoạch kinh tế - xã hội bao gồm cả quy hoạch hệ thống y tế và hệ thống đô thị, nông thôn”, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Lúc này, công tác quy hoạch không những phải đóng vai trò là công cụ hữu hiệu hỗ trợ phục hồi và sắp xếp lại kinh tế - xã hội sau dịch bệnh mà còn phải hướng đến việc tạo nền tảng, hệ thống bền vững để nếu như trong tương lai có sự cố về dịch bệnh hay khủng hoảng nào khác, chúng ta có thể ứng phó và xử lý tốt ở cả vùng đô thị và nông thôn vì đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ lần này.
Cũng theo ông Thắng, triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch phải là kim chỉ nam, là nhiệm vụ lớn, quan trọng, tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của đất nước nói chung, của mỗi địa phương nói riêng.
Sau khi được phê duyệt, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Tuy nhiên, việc triển khai Luật Quy hoạch đòi hỏi và dẫn đến sự thay đổi về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phương thức quản lý Nhà nước, theo hướng “chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng hơn.
Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từng ngành, địa phương và đặc biệt là tiến độ quy hoạch đang chậm, phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch.
Tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TS. Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận định Chính phủ đã lắng nghe và cầu thị để tìm ra những điểm còn bất hợp lí, nhìn thẳng vào các bất cập, mạnh dạn hướng tới hoàn thiện cách tiếp cận cũng như phương pháp quy hoạch trên phạm vi cả nước. Việc tổ chức bàn thảo trực tuyến về nội dung quy hoạch với tất cả các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh hiện nay cũng đã thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chuẩn bị cho cả kế hoạch hậu COVID-19 của Chính phủ.
Cần lường trước những “điểm nghẽn”
Khẳng định công tác quy hoạch đang tiến hành đồng loạt trên cả nước nhằm phủ kín quy hoạch cấp vùng và tỉnh làm cơ sở cho quản lí phát triển kinh tế - xã hội là việc cần làm, theo hướng đa ngành, tích hợp là rất quan trọng, tuy nhiên, ông Ngô Trung Hải lưu ý triển khai cùng thời gian quy hoạch tỉnh với nhiều loại tư vấn trên thế giới và trong nước dễ dẫn đến những bất cập, vì đây lần đầu tiên ở Việt Nam làm theo hướng tiếp cận này. Nếu không thống nhất cách triển khai, cách hiểu tích hợp đa ngành, việc phê duyệt quy hoạch sẽ vẫn là điểm nghẽn và chậm trễ. Bởi vậy, với quy hoạch tỉnh, cách tiếp cận nên theo định hướng khung hơn là đi vào quá kỹ chi tiết của từng ngành.
Phân tích thêm, ông Hải cho biết dù hiện nay các quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới được triển khai nhưng đã bắt đầu bộc lộ những bất cập. Đơn cử như là vướng về quy định, điều được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhắc đến nhiều lần, như: Quy định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là cơ sở để lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, nếu triển khai theo đúng trình tự lập, phê duyệt hoặc quyết định quy hoạch cấp trên trước, làm cơ sở, căn cứ lập, phê duyệt hoặc quyết định quy hoạch cấp dưới thì thời gian lập quy hoạch sẽ kéo dài, không đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển thực tiễn, đặc biệt các quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành là cơ sở trực tiếp để kêu gọi, thu hút dầu tư và triển khai thực hiện các dự án.
Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Hiện nay, dù 3 quy hoạch này đang được tổ chức lập nhưng Hội đồng Quy hoạch quốc gia chưa có văn bản hướng dẫn.
Nhận định công tác bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch vẫn còn hạn chế, ông Ngô Trung Hải cho rằng Chính phủ cũng cần lường trước những “điểm nghẽn” để không lâm vào tình trạng “trói tay chính mình" khi hoàn thành, phê duyệt quy hoạch và triển khai dự án. Phải tránh tình trạng đầu tư nguồn lực, kinh phí nhưng lại thiếu tính khoa học vì về bản chất, quy hoạch là một quá trình chứ không phải là… những tập hồ sơ.
Một điểm nữa cần tính đến là với quy hoạch theo tầng bậc như hiện nay (cấp quốc gia - vùng - tỉnh - đô thị...) và quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên, nếu cần thay đổi khi thực hiện các quy hoạch cấp dưới đòi hỏi quy trình phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch cấp trên là vấn đề rất khó. Trong khi đó, quy hoạch với bản chất là một quá trình thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trên thực tế.
Vì thế, cần xem xét lại thật cẩn trọng một số quy hoạch tỉnh điển hình, bàn luận, lấy ý kiến liên tỉnh và các nhà quản lí, khoa học liên ngành để rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như có cách tiếp cận thống nhất, thực sự phù hợp. Nếu không, việc liên tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau này rất dễ xảy ra và rất phức tạp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch.
Ngoài ra, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Khung định hướng quy hoạch quốc gia dự kiến trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021./.