Công tác thanh tra góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực quản lý trong quy hoạch, xây dựng

Công tác thanh tra góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực quản lý trong quy hoạch, xây dựng

Hồng Vân
Hồng Vân dohongvan115@gmail.com
Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 21/01/2023 - 06:08

Thực hiện tốt kế hoạch thanh tra năm 2022, công tác thanh tra ngành xây dựng đã góp phần không nhỏ trong việc đưa thị trường bất động sản dần tiệm cận đến sự minh bạch, chất lượng và bền vững hơn khi hàng loạt các sai phạm về đất đai, phát triển dự án… được phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Từ đó, góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực quản lý trong quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị.

**********

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được Thanh tra Bộ hoàn thành một cách hiệu quả trong năm 2022. Hiện Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm với những mục tiêu thiết thực. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, bảo đảm tiến độ các cuộc thanh tra trong thời gian tới được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện hai chuyên đề diện rộng. Trong đó, nội dung chuyên đề 1 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và nội dung chuyên đề 2 về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở. Xin ông chia sẻ về những kết quả cụ thể mà ngành thanh tra xây dựng đã đạt được trong năm qua? 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong năm qua, đã có 20 đoàn theo kế hoạch và đột xuất (đạt 125%). Cụ thể, 16/16 đoàn theo kế hoạch 2022 đạt 100 %, gồm: 2 đoàn thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng tại BQLDA Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải (đã ban hành kết luận) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; 3 đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại 3 tỉnh: Lào Cai, Hậu Giang, Tuyên Quang; 8 đoàn thanh tra hai chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại 8 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Long An và 6 đoàn thanh tra đột xuất tại các đơn vị trực thuộc Bộ.

Kết quả, Thanh tra Bộ đã ban hành 44 kết luận thanh tra, kiểm tra. Các kết luận đã kiến nghị: 

Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước: Thực hiện rà soát văn bản quản lý, điều chỉnh bổ sung nội dung để đảm bảo công tác công bố, công khai đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt, tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết, quản lý, giám sát quá trình thực hiện; rà soát toàn bộ các đồ án đã đến kỳ rà soát theo quy định để xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, nhất là đối với việc điều chỉnh chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc; chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng, thực hiện đầy đủ việc kiểm tra xây dựng theo giấy phép xây dựng quy định tại Điều 104 Luật Xây dựng 2014; kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư xây dựng dự án, công trình trên địa bàn; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có vi phạm. 

Thứ hai, đối với các chủ đầu tư: Thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị; thực hiện việc đăng tải đầy đủ các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; khắc phục các vi phạm về quy hoạch chi tiết xây dựng và xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định; lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì và chuyển kinh phí bảo trì theo quy định; thực hiện phê duyệt lại dự toán, giảm trừ thanh, quyết toán theo kết luận thanh tra. 

Kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 228.594.636.974 đồng. Ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3.180.000.000 đồng.

Sau khi tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 gửi UBND các tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì gây bức xúc tại nhiều dự án chung cư, Thanh tra Bộ cũng đã triển khai nhiệm vụ tại Mục 5 Chỉ thị số 02/CT-BXD, xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và quy trình hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng thực hiện thanh tra chuyên đề trong năm 2022. 

Những kết quả tích cực của công tác thanh tra năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành xây dựng.

PV: Để có được những thành quả đó, Thanh tra Bộ đã triển khai đồng bộ những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Để thực hiện hoàn thành kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng phê duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng quy định của pháp luật, Chánh Thanh tra đã có văn bản giao nhiệm vụ trưởng đoàn, giám sát đoàn thanh tra để triển khai thực hiện (60% lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ giao, nhiệm vụ đột xuất khác; 40% lực lượng để thực hiện kế hoạch thanh tra).

Thanh tra Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thanh tra, các nghị định và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; các quy định nội bộ của Thanh tra Bộ. Thực hiện giám sát đầy đủ đối với các đoàn thanh tra, theo phản ánh của các đơn vị, quá trình làm việc, đoàn thanh tra làm việc công khai, minh bạch, đúng theo quy định pháp luật và không có bất kỳ phát ngôn và hành vi nào trái pháp luật, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được thanh tra. Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra trong quá trình làm việc, không có các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, đơn vị được thanh tra đảm bảo nguyên tắc quy định của Luật Thanh tra 2010 không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được thanh tra.

PV: Có thể khẳng định, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị xử lý nhiều vấn đề nóng của ngành Xây dựng trong suốt những năm qua. Ngoài những vấn đề kể trên, một trong những đóng góp quan trọng của Thanh tra Bộ chính là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật của ngành Xây dựng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Qua kết quả thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, Bộ trưởng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xây dựng Chỉ thị để chấn chỉnh tình hình thực tế về tranh chấp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại các nhà chung cư trên toàn quốc. 

Xuất phát từ thực tiễn qua quá trình thanh tra và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Xây dựng đã trình Bộ trưởng 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt như đã nêu ở trên.

Từ khi Chỉ thị số 02/CT-BXD được ban hành, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư giảm rõ rệt, các chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Đồng thời, số lượng đơn thư phản ánh về tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư giảm theo. 

Trước khi có Chỉ thị, bình quân mỗi tháng Thanh tra Bộ Xây dựng nhận được từ 12 - 14 đơn thư, từ khi có Chỉ thị, mỗi tháng chỉ còn từ 2 - 4 đơn thư; tình trạng căng băng rôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp chính quyền, gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương đã giảm hẳn.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Thanh tra Bộ, năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao các cục, vụ chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung 120 nội dung liên quan đến 5 lĩnh vực, gồm: Lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc 09 nội dung; Lĩnh vực hoạt động xây dựng 03 nội dung; Lĩnh vực kinh tế xây dựng 03 nội dung; Lĩnh vực quản lý nhà 09 nội dung; Định mức chưa có, kiến nghị xây dựng mới 96 định mức.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng qua công tác thanh tra tiếp tục rà soát các quy định về pháp luật nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

PV: Việc rà soát để nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng trong năm 2022 đã mang lại những hiệu quả như thế nào trong việc khơi thông quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Và Thanh tra Bộ đang tiếp tục có những giải pháp ra sao để góp phần hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội? 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn có tổng diện tích khoảng 22.718.000m2. Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội đang là một vấn đề bức thiết cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp mà một trong những nút thắt lớn là quỹ đất. Nhiều chủ đầu tư đã quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cũng còn một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Do đó, kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được đánh giá là tín hiệu sáng gỡ khó cho bài toán này. Việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị để nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Hiện Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở xã hội.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Cụ thể, trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; Giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân. Đối tượng, điều kiện được thuê nhà công nhân là công nhân hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp; diện tích sử dụng tối thiểu khoảng 10m2/người. Miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng…

PV: Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong bối cảnh thị trường thời gian qua có sự phát triển khá "nóng", nhiều vi phạm diễn ra. Xin ông chia sẻ thêm về những nội dung mới của Nghị định này và kỳ vọng về việc hạn chế những bất cập tồn tại trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Cùng với Chỉ thị 02/CT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, các quy định của Nghị định 16 đã đi vào cuộc sống và có nhiều tác động rất tích cực. 

Do mức phạt đối với hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện hoặc huy động vốn không đúng quy định rất cao từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng (điểm a khoản 3 và điểm đ khoản 4 Điều 58) nên tình trạng như đầu cơ, gây nhiễu loạn thông tin, không rõ về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội và hoạt động kinh doanh bất động sản được khắc phục. Các đối tượng đã tự tháo dỡ container, giải tán các điểm tư vấn xung quanh khu vực dự án, một số vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã được chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Một số dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, chủ đầu tư đã chủ động thanh lý phiếu đặt chỗ và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính đã ký với khách, góp phần vào lành mạnh, minh bạch thị trường bất động sản.

Các quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện đã được Nghị định quy định cụ thể, rõ ràng đảm bảo công bằng cho các tổ chức, cá nhân vi phạm và cũng không để việc xử lý tùy tiện của người có thẩm quyền.

PV: Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, xin ông chia sẻ những giải pháp, kế hoạch trọng tâm của công tác thanh tra xây dựng trong năm 2023?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng. Theo đó, danh mục thanh tra năm 2023 gồm 3 phần: Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thanh tra chuyên đề đối với 7 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án do bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra dự kiến từ 2 - 4 đoàn tại UBND một số tỉnh, thành phố.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã rà soát, thống nhất loại bỏ các cuộc thanh tra có trùng lặp trong Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng với các bộ, ngành có liên quan. Dự kiến sẽ có 14 đoàn thực hiện kế hoạch thanh tra 2023, gồm 1 đoàn thanh tra hành chính, 13 đoàn thanh tra chuyên ngành.

Đồng thời, còn có đoàn thanh tra đột xuất thực hiện theo chỉ đạo của bộ trưởng để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, quy mô dự kiến từ 2 - 4 đoàn; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

PV: Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà năm 2023, Bộ Xây dựng quyết định thanh tra tại 7 địa phương về chuyên đề thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị? 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Sau một giai đoạn phát triển nóng, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào chu kỳ thanh lọc. Bên cạnh nhiều dự án góp phần rất tốt làm thay đổi diện mạo đô thị, còn tồn tại một số dự án bỏ hoang hoặc được xây dựng theo kiểu chỉ quan tâm đến bán nhà, bán đất nên sau đó để lại nhiều hệ quả mà cư dân phải gánh chịu. Nơi ở thiếu hạ tầng giao thông như hệ thống cấp thoát nước, đường sá, đèn điện hay hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, khu thể thao, vui chơi giải trí, các công trình công cộng...

Thanh tra Bộ báo cáo Bộ trưởng thực hiện thanh tra chuyên đề các dự án khu đô thị ở các địa phương trong năm tới để xác định thực trạng các khu đô thị “bỏ quên” hạ tầng xã hội là do thiếu quy định pháp luật hay quy định đủ nhưng thiếu chế tài, thiếu sót trong thực thi. Từ rà soát thực tiễn mới có thể soi chiếu lại hệ thống chính sách, pháp lý cũng như quy trình thực thi để chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, góp phần hướng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản.

Giá trị bất động sản không chỉ nằm ở mỗi mét vuông đất, mét vuông sàn mà còn nằm ở khả năng đánh thức giá trị mỗi vùng đất và tạo ra hệ sinh thái xung quanh đó. Ảnh minh họa.

Việc thanh tra nhằm mục đích tạo ra “tiếng chuông cảnh tỉnh” để các chủ đầu tư ý thức được việc nâng cao chất lượng các sản phẩm bất động sản của mình, vừa kinh doanh nhưng cũng chính là thực hiện trách nhiệm xã hội. Đồng thời cũng giúp thị trường đánh giá đúng về những thương hiệu phát triển bất động sản uy tín, có chiến lược bài bản và hướng đi bền vững. Giá trị bất động sản không chỉ nằm ở mỗi mét vuông đất, mét vuông sàn mà còn nằm ở khả năng đánh thức giá trị mỗi vùng đất và tạo ra hệ sinh thái xung quanh đó. 

Xây dựng một dự án, một khu đô thị không chỉ đơn thuần là dựng lên các khối nhà mà là kiến tạo không gian sống, bao gồm cả phần cứng (nhà cửa, đường sá, trường học, bệnh viện...), phần mềm (công viên, không gian sinh hoạt công đồng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...) và cả phần “tâm” (những yếu tố thuộc về phong thủy, tạo ra sự gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ trong cộng đồng cư dân...).

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và cụ thể là lực lượng thanh tra Bộ Xây dựng với vai trò quan trọng đảm bảo thi hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước, đồng thời góp phần ngăn ngừa các vi phạm, tăng cường pháp chế trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Chúng tôi luôn hướng đến việc quy định pháp luật được đi vào đời sống để phát huy hiệu quả nhất. Đồng thời từ chính qua các cuộc thanh tra, rà soát sẽ có những đánh giá, điểu chỉnh hợp lý để góp phần báo cáo Bộ trưởng hoạch định chính sách trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top