Aa

Công tác thanh tra góp phần thanh lọc và minh bạch hóa thị trường bất động sản

Chủ Nhật, 24/01/2021 - 14:00

Công tác thanh tra nhằm phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần đưa hoạt động kinh doanh bất động sản đúng pháp luật, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh.

Để hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản nói riêng, các hoạt động xây dựng nói chung phát huy hiệu quả và thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không thể thiếu công tác thanh, kiểm tra. Việc tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên theo đúng quy định giúp kịp thời phát hiện các sai phạm để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Các vi phạm pháp luật càng được phát hiện sớm càng giảm được hậu quả về sau.

Trước thềm năm mới Tân Sửu, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có những chia sẻ về kết quả của công tác thanh tra, chất lượng đoàn thanh tra trong giai đoạn 5 năm (2015 – 2020) và những định hướng sắp tới để phát huy tốt hơn vai trò của ngành Thanh tra trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

PV: Hoạt động của thị trường bất động sản đang dần tiệm cận đến sự minh bạch, chất lượng và bền vững hơn khi hàng loạt các sai phạm về đất đai, phát triển dự án… được phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Ông có thể chia sẻ về những kết quả cụ thể mà ngành thanh tra xây dựng đã đạt được trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong giai đoạn từ 15/12/2015 đến 15/6/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 340 đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và chỉ đạo của Bộ trưởng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản; giải quyết khiếu nại về nhà đất...; thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

Kết quả, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 337 kết luận đoàn thanh tra. Trong đó kiến nghị, yêu cầu xử lý về kinh tế (lũy kế từ 15/12/2015 đến 15/9/2020) 13.226,9 tỷ đồng; bao gồm: Yêu cầu phê duyệt lại dự toán 5.889,9 tỷ đồng; yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 715,5 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về ngân sách nhà nước địa phương 6.267,9 tỷ đồng; yêu cầu thu về quỹ sắp xếp doanh nghiệp của các tổng công ty 2,5 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản chủ đầu tư 70,7 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 174,6 tỷ đồng; vi phạm khác 126 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã ban hành 447 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với số tiền 186,4 tỷ đồng.

Đồng thời, giai đoạn vừa qua cũng đã ban hành 339 văn bản đôn đốc yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tiến hành đôn đốc trực tiếp và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại 4 đơn vị và triển khai 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với 12 kết luận thanh tra.

Các đơn vị được thanh tra thực hiện theo yêu cầu của kết luận thanh tra hoặc thông qua công tác đôn đốc. Kết quả, việc thực hiện kết luận thanh tra đã khắc phục tính sai dự toán là 1.012 tỷ đồng; thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ là 122,7 tỷ đồng; giảm trừ thanh, quyết toán là 170,2 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ cũng đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 22,3 tỷ đồng; thực hiện các quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với số tiền 34,2 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã báo cáo Bộ trưởng để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng trên các lĩnh vực: Quy hoạch, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý và đề án do Bộ Xây dựng triển khai. Ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế nêu trên, kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân và kiến nghị các hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

thanh tra xây dựng
Hoạt động của thị trường bất động sản đang dần tiệm cận đến sự minh bạch, chất lượng và bền vững hơn khi hàng loạt các sai phạm về đất đai, phát triển dự án… được phát hiện và điều chỉnh kịp thời.

PV: Đó quả là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành. Phải chăng, việc xây dựng tốt kế hoạch thanh tra chính là một trong những yếu tố quyết định để có được những thành quả này?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn:  Đúng là như vậy. Kế hoạch Thanh tra hằng năm của Bộ Xây dựng đều được xây dựng đúng quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo phủ kín và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành; tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay; bảo đảm cân đối trong hoạt động thanh tra, các dự án được thanh tra có quy mô lớn, mang tính đại diện cho ngành, lĩnh vực được thanh tra; không chồng chéo và phù hợp với nhân lực của Thanh tra Bộ.

Việc xây dựng Kế hoạch thanh tra hằng năm được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ công tác khảo sát, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện, bám sát yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận, xã hội quan tâm và theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/04/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, công tác phối hợp với các đơn vị liên quan để tránh chồng chéo được Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tham gia, chủ trì tổ chức cuộc họp gồm Vụ 1, Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra của 5 Bộ, ngành trong khối; chủ động làm việc và thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán các khu vực về danh mục kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng, để chủ động xử lý chồng chéo trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra.

Kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng ban hành đúng quy định và có văn bản thông báo tới UBND 63 tỉnh, thành phố để chỉ đạo các cơ quan thanh tra tại địa phương căn cứ, chủ động xây dựng kế hoạch, tránh chồng chéo theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014.

Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ thực hiện hướng dẫn Thanh tra các Sở Xây dựng Kế hoạch thanh tra, đảm bảo thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước Ngành Xây dựng.

PV: Để các kế hoạch được triển khai hiệu quả, hoạt động giám sát đã được thực thi ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Hoạt động giám sát được thực hiện khách quan từ khi công bố quyết định đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra và thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại Điều 8, Thông tư 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015. Trong đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện giám sát đầy đủ đối với các đoàn theo kế hoạch và đột xuất được triển khai.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của người được giao nhiệm vụ giám sát và được công khai rộng rãi tại buổi công bố Quyết định thanh tra, để các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của đoàn thanh tra.

Thanh tra Bộ đã thực hiện giám sát đầy đủ đối với các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, trong quá trình thanh tra chưa phát sinh khiếu nại, phản ánh về trình tự thủ tục triển khai, cũng như thái độ, đạo đức của thành viên đoàn khi thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng các đoàn thanh tra đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác thanh tra.

bđs
Việc xây dựng kế hoach thanh tra rất quan trọng.

PV: Hiện các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản… đang có nhiều điểm chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp và cả công tác quản lý. Với trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tham gia giải quyết những vướng mắc nào để khắc phục được các tồn tại trong cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là bất động sản?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thanh tra Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Bộ. Cụ thể, đã tham gia sửa đổi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2019, trong đó có nội dung tích hợp nội dung thẩm định và cấp phép xây dựng để giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Tham gia sửa đổi Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư, trong đó có quy định  về quản lý trật tự xây dựng như: Xác định nguyên tắc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm, nêu rõ nội dung về quản lý trật tự xây dựng, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với lĩnh vực bất động sản cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Xây dựng và quản lý theo chiến lược phát triển thị trường bất động sản; quản lý về quy hoạch, kế hoạch; ban hành hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở quản lý; quản lý về đất đai; thành lập và kiểm soát hệ thống giao dịch bất động sản; quản lý về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; quản lý thực hiện dự án đầu tư bất động sản… Theo chức năng nhiệm vụ, trong những năm qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, xây dựng, nhà ở và các luật thuế liên quan đến sử dụng, chiếm hữu và giao dịch đất đai, bất động sản.

Trong công tác thanh tra dự án nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản, Thanh tra Bộ chú trọng các khâu như: Lập dự án đầu tư bất động sản; hồ sơ trình phê duyệt dự án; thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm định thiết kế cơ sở; quyết định đầu tư xây dựng công trình và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; thiết kế, dự toán xây dựng công trình; thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán công trình; giấy phép xây dựng; quản lý thi công xây dựng; các hình thức quản lý dự án… nhằm phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần đưa hoạt động kinh doanh bất động sản đúng pháp luật, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản.

Và thực tế, công tác thanh tra thời gian qua đã góp phần thanh lọc và minh bạch hóa thị trường bất động sản.

bđs
Công tác thanh tra thời gian qua đã góp phần thanh lọc và minh bạch hóa thị trường bất động sản. Ảnh minh họa.

PV: Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, thời gian tới, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ có những định hướng hoạt động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Bước sang năm 2021, với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành được lãnh đạo Bộ giao, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ chú trọng vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhiệm kỳ 2021 – 2026; tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng đổi mới phương thức thực hiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật.

Thứ hai, thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ; rà soát, nghiên cứu, có quan điểm đúng để tham mưu giúp lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch thanh tra 2021, tập trung vào việc tổng hợp bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và quy định của pháp luật qua thanh tra.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát đoàn thanh tra, trách nhiệm người được giao nhiệm vụ giám sát và công tác xử lý sau thanh tra; đôn đốc việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, vững về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên đánh giá kết quả hoạt động từng quý để có phương hướng chỉ đạo điều hành sát với yêu cầu nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao năm 2021.

- Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ hữu ích.

Nhân dịp Xuân mới Tân Sửu 2021, kính chúc ông nhiều sức khoẻ! Chúc Thanh tra Bộ Xây dựng một năm mới thành công mới, thắng lợi mới!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top