Aa

Công trình trọng điểm quốc gia khởi công xây dựng, kỳ vọng thị trường địa ốc “ấm lên”

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 28/06/2023 - 06:00

Sau thời gian dài chờ đợi, hai công trình giao thông trọng điểm quốc gia chính thức khởi công xây dựng trong tháng 6/2023. Điều này dự sẽ thổi “hơi ấm” mới vào thị trường bất động sản.

 

Vành đai 4 vùng Thủ đô chính thức được khởi công

Sáng 25/6, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức (vị trí nút giao giữa Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long). Ngoài điểm cầu chính ở xã Song Phương, Hà Nội còn tổ chức lễ khởi công ở 3 điểm cầu khác gồm xã Tam Hưng (Thanh Oai), xã Văn Bình (Thường Tín), xã Thanh Xuân (Sóc Sơn). Bắc Ninh và Hưng Yên mỗi tỉnh cũng có một điểm cầu.

Theo đại diện Ban quản lý dự án công trình giao thông Hà Nội, Ban đã hoàn tất mọi thủ tục gồm cả việc lựa chọn các nhà thầu để tổ chức thi công ngay sau ngày 25/6.

Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. 

Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án giải phóng mặt bằng, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.

Hạng mục cao tốc Vành đai 4 sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn). Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17 - 17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4 - 5km, không liền mạch.

Vành đai 4 vùng Thủ đô được hình thành sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương giữa Hà Nội với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, dự án được đánh giá sẽ khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Siêu dự án" Vành đai 3 TP.HCM được đẩy mạnh

Khởi công trước dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô một tuần, "siêu dự án" Vành đai 3 TP.HCM cũng được xem là một trong những công trình trọng điểm quốc gia. 

Dự án dài 76,3km, đi qua TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng mức đầu tư toàn tuyến Vành đai 3 là 75.378 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM là hơn 41.000 tỷ đồng; Đồng Nai là 4.200 tỷ đồng; Bình Dương là 19.800 tỷ đồng và Long An là 4.200 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Tại TP.HCM, dự án có gần 13km đi trên cao, từ nút giao cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến Tân Vạn. Thiết kế này nhằm phù hợp địa hình, giảm chi phí bồi thường.

Tại Long An, địa phương có đoạn Vành đai 3 đi qua ngắn nhất gần 7km thuộc huyện Bến Lức cũng đang hoàn thiện các hồ sơ để khởi công dự án trong tháng 6.

Đoạn Vành đai 3 trên địa bàn Bình Dương dài gần 11km, qua TP. Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An, đang được địa phương triển khai chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Dự kiến tỉnh sẽ khởi công dự án trước 30/6, tại hai vị trí đã có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi.

Tại Đồng Nai, dự án Vành đai 3 dài hơn 11km với điểm đầu ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch nối qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, địa phương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải cố gắng khởi công dự án vào cuối tháng 6 tới theo đúng kế hoạch.

Vành đai 3 là dự án kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Chơn Thành. 

Vì vậy, dự án được đánh giá sẽ tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, công trình được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. 

Kỳ vọng "hâm nóng" thị trường bất động sản đang "nguội lạnh"

Hai dự án vành đai gồm Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM chính thức khởi công xây dựng trong cùng tháng 6/2023, được đánh giá sẽ thổi vào thị trường bất động sản một "hơi ấm mới".

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều biểu hiện của việc "ngấm" các chính sách giải cứu từ phía Chính phủ thì công tác đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ở những công trình giao thông trọng điểm có vai trò rất lớn. Đây sẽ là lực đẩy trực tiếp để lấy lại niềm tin trên thị trường, đưa thị trường bất động sản chuyển biến tích cực. 

Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đầu tư công có vai trò rất lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của một nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Đầu tư công được xem là "biến số" của thị trường bất động sản. 

Khi đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được chú trọng triển khai, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư, thanh khoản sản phẩm tốt. Ngược lại, đầu tư công ì ạch, chậm giải ngân vốn, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Các dự án nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp sẽ có khả năng chậm tiến độ, đất nền giảm giá, nhà đầu tư lỗ khi thanh khoản sản phẩm giảm mạnh.

PGS. Ts Ngô Trí Long
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). (Ảnh: Reatimes)

"Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM khởi công xây dựng được xem là điểm sáng cho thị trường bất động sản hiện nay. Sự đóng góp của hai dự án này sẽ "hâm nóng" thị trường địa ốc đang "nguội lạnh". 

Đặc biệt, nếu hai dự án này đảm bảo tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, không chỉ thị trường bất động sản mà nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi lớn, nhất là các Vùng kinh tế trọng điểm hai dự án đi qua", PGS.TS. Ngô Trí Long đánh giá. 

Phân tích rõ hơn, vị chuyên gia cho biết, sự nóng lên của thị trường bất động sản trong trường hợp này không phải là "sốt nóng", không phải là giá đất tại các vùng quy hoạch dự án sẽ được đẩy lên đột biến. Mà sự nóng của thị trường ở đây là niềm tin nhà đầu tư hồi phục, thanh khoản thị trường đi lên, nhà đầu tư quay lại với thị trường nhiều hơn. 

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, 6 tháng đầu năm 2023 thị trường chưa có những chuyển biến rõ nét về khả năng hồi phục, nhưng 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ có khả năng đổi chiều nếu những thông tin tích cực như việc khởi công các dự án giao thông trọng điểm nói trên tiếp tục được đưa ra. Cùng với đó, việc thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương được triển khai hiệu quả.

Nói về tiến độ giải ngân đầu tư công 6 tháng cuối năm, vị chuyên gia dự đoán, nửa cuối năm 2023 khả năng giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn so với nửa đầu năm. Bởi theo quy luật, tiến độ giải ngân đầu tư công thường chậm vào đầu năm nhưng tăng cao vào cuối năm. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước đang nhận diện rất rõ vai trò của đầu tư công trong việc tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế, sự hồi phục của thị trường bất động sản. Vì vậy, giai đoạn cuối năm, vốn đầu tư công sẽ ráo riết được giải ngân để khu vực này phát huy vai trò của mình.

"1 đồng đầu tư công có thể kích thích 10 đồng đầu tư tư nhân", PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh./.

06/28/2023 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top