Aa

Công trình xanh: Yếu tố sống còn trong bối cảnh ô nhiễm nước và không khí

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 23/10/2019 - 06:30

Thúc đẩy phát triển công trình xanh, đảm bảo chất lượng nước và không khí - môi trường sống cho cư dân đô thị là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh nước và không khí đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Đây là vấn đề được các chuyên gia bàn luận trong Tọa đàm Cà phê xanh: "Nước và không khí trong phát triển công trình xanh (CTX)" do Tập đoàn Capital House phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 22/10.

Môi trường sống tại đô thị đang trở nên tệ hơn

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt thời gian qua, chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sinh hoạt nhiễm dầu, chưa bao giờ những nguy cơ ô nhiễm từ không khí và nước lại được cảnh báo nhiều như vậy.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho rằng, đó cũng là lý do BTC chọn chủ đề "Nước và không khí trong phát triển CTX".

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan nhận định: Phát triển CTX sẽ là giải pháp bền vững cho việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống.

Tuy nhiên muốn có CTX, đô thị xanh thì chúng ta phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh. Mỗi cư dân phải trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn và bảo vệ môi trường sống cho mình.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - khẳng định, vấn đề về môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí.

Chất lượng không khí ngày càng tệ đi, nguồn nước sạch không được đảm bảo.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, có ba nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm. Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ. Từ năm 2000 - 2005, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải nhưng chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.

Thứ ba là giai đoạn này dân số tăng đột biến. Nội thành Hà Nội hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, lượng ô tô rất lớn. Nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong nội đô mà chưa được di dời. 

“Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang xuống cấp”, bà An nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Thị An

Cần có hệ thống cảnh báo rõ hiện trạng

Ông Hoàng Dũng (Chủ nhiệm dự án Pam Air - một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí) cho rằng, ô nhiễm nguồn nước hay không khí ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, thực trạng này vốn đã tồn tại từ lâu nhưng thời gian gần đây có nhiều sự vụ làm rộ lên, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

“Ô nhiễm không khí có thể do nhiều nguyên nhân nhưng hiện nay chúng ta chưa có bất cứ một nghiên cứu nào để phân tích rõ mức độ gây ô nhiễm của từng thành tố", ông Dũng chia sẻ. 

Do đó, theo chủ nhiệm dự án Pam Air, muốn giảm thiểu được ô nhiễm không khí, trước hết, chúng ta phải biết tình trạng không khí đang ở mức độ nào để kịp thời cảnh báo người dân và đưa ra cách xử lý:

"Hiện nay, sự phát triển của các thiết bị liên quan đến việc theo dõi chất lượng nước và chất lượng không khí đã có thể cho biết được chính xác tại một thời điểm, không khí ở trong hiện trạng nào, thông báo cho người dân biết hiện trạng đó ra sao để có những ứng xử phù hợp. Chúng ta đã có thể theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực, tôi nghĩ việc này có thể theo dõi thường xuyên và giảm thiểu khá nhiều sự cố trong thời gian vừa qua".

Ông Hoàng Dũng.

Liên quan đến vụ việc nước sạch sông Đà, ông Dũng đánh giá, về luật, các nhà máy xử lý nước đều phải có hệ thống quan trắc nước tự động. Như vậy nghĩa là Nhà máy nước sông Đà có thể không có hoặc không cho hoạt động hệ thống này. “Sẽ tốt hơn nếu cảnh báo sớm cho người dân biết chất lượng nước khi xảy ra sự cố”, ông Dũng nói.

Công trình xanh - giải pháp bền vững giải quyết ô nhiễm

Phát biểu tại tọa đàm, PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh - nhấn mạnh, bản thân công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. Theo đó, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống.

PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên

Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House - cho hay, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Cây xanh đem lại lợi ích lớn, rõ nét nhất là giảm nhiệt. Bên cạnh đó, là thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên. Chất lượng không khí không chỉ là bụi mịn, nó còn là độ ẩm, lượng CO2… Phải đủ các yếu tố này thì mới đảm bảo được chất lượng không khí.

Tại Capital House, chúng tôi cũng lắp 1 thiết bị quan trắc online ở văn phòng, để luôn phải đảm bảo chỉ số ở ngưỡng an toàn. Đó không chỉ là cách để bảo vệ chính cư dân mà còn cho sức khỏe các thành viên trong văn phòng.

Nước sinh hoạt là vấn đề vô cùng quan trọng, vì thế khi xây dựng mỗi dự án, chúng tôi đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không.

Đối với Ecolife Capitol, ngay ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi… Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro - màng siêu lọc - để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.

Giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho 1.000 căn hộ - chia ra thì không hề đắt chút nào. Khi sự cố nguồn nước nhiễm dầu xảy ra như những ngày vừa qua thì cư dân mới thấy may mắn vì không bị chiu ảnh hưởng của sự cố. Chủ đầu tư cũng thấy mình đã sáng suốt khi lựa chọn phương án Xanh", ông Bách chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ông Trịnh Tùng Bách.

Ngoài ra, ông Bách cho biết thêm, các dự án tiếp theo của Capital House như EcoHome 3 sẽ bàn giao quý III, IV/2020 cũng trang bị hệ thống lọc tương tự, tại đó phát triển thêm hơn 4.000m2 cây xanh. 

Từ câu chuyện của Capital House, theo PGS.TS Bùi Thị An, các doanh nghiệp nên nhận thức rõ và tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh. “Xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống”.

"Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị, đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CTX, bởi mục tiêu của Chính phủ nêu ra là vì chất lượng cuộc sống của nhân dân, là mục tiêu phấn đấu của mọi ngành, mọi đất nước. Khi xây dựng được các dự án bảo đảm được tiêu chí CTX thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng lên. Và các doanh nghiệp xây dựng CTX hướng tới: Lấy chất lượng sống của người dân là mục tiêu phấn đấu, phát triển", PGS. TS Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top