Aa

KTS Singapore: Làm công trình xanh phải hiện thực hoá các thiết kế công trình

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 02/05/2019 - 03:00

Tạp chí Kiến trúc mới đây tổ chức Hội thảo “Kiến trúc Xanh - Việt Nam - Singapore” với sự tham gia của KTS. Chan Ee Mun, Giám đốc WOHA Architect (Singapore) và đông đảo các kiến trúc sư Việt Nam.

Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng… trào lưu kiến trúc xanh tại các nước phát triển được xem là mô hình lý tưởng. Tại Việt Nam, kiến trúc xanh đã trở thành một chủ đề được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc tiếp thu kinh nghiệm thế giới như thế nào là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo vừa phát triển vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc. Bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến, cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác lợi thế của địa phương trong việc phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Điển hình một quốc gia đang phát triển kiến trúc xanh một cách đáng kinh ngạc đó là đất nước Singapore, nói đến Singapore, chúng ta luôn nhắc đến một thành phố xanh, sạch và đẹp với rất nhiều các công trình chung cư cao tầng, những công trình biểu tượng như Marina Bay Sands, và gần đây là việc khánh thành của Nhà ga Sân bay Changi, một không gian xanh ngay giữa sân bay. Một thành phố Singapore văn minh, có trật tự và cư dân luôn hướng đến những giá trị thiết thực để có cuộc sống tiện nghi, an lành và bền vững với môi trường xung quanh. Singapore đã có khoảng thời gian dài phải nhập khẩu cả nguồn nước sạch và năng lượng từ Maylaysia với sự rủi ro và chi phí đắt đỏ. Singapore từ một quốc đảo nhỏ đã kiến tạo nên một nền công trình xây dựng hiện đại, mô hình hóa thông tin tất cả các công trình và Kiến trúc Xanh được nhiều nước trong đấy có cả Việt Nam xem là bài học phát triển. 

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo 

Chia sẻ tại toạ đàm, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Trong các quốc gia Đông Nam Á, Singapore là một đất nước có một sự chuyển mình đáng khâm phục. Họ từng có những thời gian khó khăn, khủng hoảng về mọi mặt: đời sống, xã hội, kinh tế… nhưng nhờ chính sách và sự đồng lòng của toàn bộ cộng đồng, từ quốc đảo nhỏ, ngày nay, Singapore đã tạo nên một quốc gia với khoảng xanh đô thị, toà nhà cao tầng chọc trời với hệ thống an sinh xã hội tốt.

Việt Nam cũng đã phải chịu những tổn thất qua thời gian chiến tranh, những khoảng thời gian có thể nói là “đen tối” đối với nền kiến trúc nước nhà dẫn đến việc “chậm phát triển” trong các công trình kiến trúc xanh. Nhưng bên cạnh những khó khăn đó, chúng ta không thể phủ nhận những năm gần đây, nền kiến trúc nước nhà đã gặt hái được rất nhiều thành công trong lĩnh vực xanh, bước đầu đặt nền móng kiến tạo đô thị xanh. Hội KTS Việt Nam đã và đang không ngừng tham mưu cho chính phủ để tìm ra những phương án tối ưu nhất tiếp tục dẫn lối cho ngành kiến trúc, kiến tạo một đất nước xanh, sạch, đẹp như tấm gương nước bạn Singapore”.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Sigapore, KTS. Chan Ee Mun, Giám đốc WOHA Architects cho biết: “Công cuộc hướng đến và phát triển thành công kiến trúc xanh đã được chính phủ Singapore chủ trương tiến hành từ rất lâu trước. Singapore có một lợi thế lớn hơn các nước Đông Nam Á khác đó là chúng tôi được ủng hộ từ mọi mặt như: về đào tạo, về tiềm lực kinh tế, chính sách nhà nước… Về đào tạo, sinh viên tại các trường kiến trúc được học về nhận thức, tiếp cận với vấn đề trực tiếp, chúng tôi thường tổ chức các khoá học tư duy bên cạnh những giáo trình lý thuyết tại trường, để ngay từ trên ghế nhà trường sinh viên được truyền động lực nhận biết được những thiết kế của mình phải đóng vai trò xây dựng đất nước.

Bên cạnh vấn đề đào tạo, phải kể đến sự ủng hộ của Chính phủ Singapore, với hàng loạt chương trình khuyến khích việc sử dụng cây xanh trong thiết kế các tòa nhà hay hạ tầng đô thị (hệ thống đường giao thông công cộng rộng lớn tại Singapore) đã đem lại một kết quả rõ rệt cho môi trường đô thị. Theo tôi, vấn đề cấp bách và cần thiết ở đây cần đặt ra cho các nước muốn theo đuổi kiến trúc xanh vì cộng đồng đó là cần thực hiện hoá các thiết kế công trình. Bên cạnh những vấn đề như: sự hỗ trợ của lãnh đạo, ý kiến cộng đồng, chính sách… còn có cả vấn đề môi trường được đặt ra ở những công trình xanh, nhưng không vì thế mà chúng ta suy đi tính lại cho phép mình lùi bước, phải luôn tìm ra giải pháp để cân đối chúng. Như vậy mới có thể đạt được mong muốn tạo nên một đất nước trong lành, một đô thị xanh”.

KTS. Chan Ee Mun – Giám đốc WOHA Architects

KTS. Chan Ee Mun – Giám đốc WOHA Architects

Một thực trạng khác biệt giữa Việt Nam - Singapore, đó là người sử dụng tại Việt Nam trong những công trình nhà cao tầng (Cubic), công trình kết hợp nông nghiệp (H&P), và công trình nông thôn (Lab Concept) có cảm nhận được những tiện nghi mà khoảng xanh các đơn vị thiết kế mang lại hay không, từ đấy chúng ta có thể suy rộng ra việc nhận thức của người dân có đang là một vấn đề “nhức nhối” cho phong trào phát triển kiến trúc xanh của nước ta.

Nói về vấn đề này, KTS. Trần Vũ Lâm, Chủ tịch Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC) có chia sẻ: “Chúng tôi là đơn vị thiết kế những công trình nhà cao tầng, khi tham gia thiết kế, đơn vị luôn tìm ra những khoảng trống xanh nhiều nhất, để tạo tiện nghi, thoáng mát cho cuộc sống của người dân. Nhưng bên cạnh việc cố gắng thiết kế, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ nhà đầu tư, thêm khoảng xanh là bớt khoảng ở - cái mà đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư.

Họ luôn chạy theo diện tích phòng, số lượng phòng mà quên mất nếu công trình có đầy đủ tiện nghi thoáng đãng cho cộng đồng thì lợi nhuận sẽ được tăng đôi khi còn hơn những phòng mà chúng ta cố “co kéo” thêm. Vậy bài toán đặt ra cho công ty chúng tôi đầu tiên là thuyết phục, làm sao để cân đối được giữa thiết kế công năng hài hoà nhất và vẫn đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, đấy là cái khó đặt ra cho các KTS”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top