Xâm phạm vùng đệm di sản
Trong kết luận thanh tra số 05/KL-TTr ngày 21/1/2019 đã nêu rõ các vấn đề về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng bãi triều, mặt nước biển, rừng ngập mặt, đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Hạ Long.
Cụ thể, theo bản Kết luận này, đối với tình hình lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng trái phép trên bãi triều, mặt nước biển, đất nuôi trồng thủy sản và rừng ngập mặn thì trên địa bàn phường Hà Phong, phía Công ty cổ phần Nhật Long (Cty Nhật Long) đã san lấp khoảng 9.200m2 mặt nước quy hoạch để làm khu vực xử lý nước biển. Đồng thời, Cty Nhật Long còn xây dựng trái phép 5 công trình xây dựng trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Di sản TNGT Vịnh Hạ Long).
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, khi Trung tâm Bảo tồn III thuộc BQL Vịnh Hạ Long tuần tra đã phát hiện tại khu vực hòn Vang Cồn To thuộc phường Hà Phong, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (nằm trong vùng đệm của Di sản TNTG vịnh Hạ Long) có công trình xây dựng.
Nhận thấy sự việc nguy hiểm, ngày 02/04/2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng có công văn số 257/BQLVHL-TTBTIII gửi UBND TP. Hạ Long nêu rõ công trình này nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Nội dung: “Trong quá trình tuần tra, kiểm tra địa bàn, Trung tâm Bảo tồn III thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phát hiện tại khu vực hòn Vang Cồn To thuộc phường Hà Phong (nằm trong vùng đệm Di sản TNTG Vịnh Hạ Long) có công trình xây dựng: Đầm nuôi thủy sản được gia cố chắc chắn bằng đá được khai thác tại chỗ; xung quanh đầm nuôi và xung quanh chân núi đã được đổ đất tạo mặt bằng thành đường đi…”
“…Nhận thấy đây là hoạt động có tác động tiêu cực đến giá trị của di sản nếu không được ngăn chặn kịp thời. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề nghị UBND TP. Hạ Long có biện pháp xử lý theo quy định”, văn bản nêu rõ.
Cũng theo ông Huỳnh, khi phát hiện ra sự việc trách nhiệm của Ban Quản lý cũng đã báo cáo chính quyền. Còn quyết định xử lý vi phạm cụ thể như thế nào là ở thành phố hay tỉnh. Đây cũng là trường hợp vi phạm vào vùng Đệm của Di sản TNTG và cần phải có biện pháp ngăn chặn tránh trường hợp gây hậu quả khó lường sau này.
Mang câu chuyện này đến liên hệ với UBND TP. Hạ Long, ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết, hiện tại người phát ngôn của thành phố là đồng chí chủ tịch; Đồng thời nội dung đề nghị làm việc của phóng viên cũng sẽ được chánh văn phòng báo cáo lãnh đạo và sắp xếp buổi làm việc sau. Nhưng sau khi PV liên hệ rất nhiều lần thông tin dường như “bặt vô âm tín”.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nắm được thông tin sự việc này và giao cho chuyên viên để kiểm tra và phản hồi sau.
Vùng đệm Vịnh Hạ Long đang “kêu cứu”
Mới đây, Ban quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội thảo “Tham vấn kết quả đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đánh giá hiệu quả công tác quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long” do UNESCO tài trợ.
Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những phân tích, đánh giá về nguy cơ, mối đe dọa đối với di sản thiên nhiên thế giới. Vấn đề khai thác vùng đệm Vịnh Hạ Long, sự tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững; kế hoạch quản lý du lịch; công tác quản trị; vấn đề của người dân địa phương với di sản..., đòi hỏi phải có những phương án quản lý di sản hiện nay. Đặc biệt, vùng đệm khu vực Di sản thiên nhiên thế giới này đang bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do công tác quản lý chất thải và xây dựng thiếu quy hoạch.
Trong báo cáo điều tra của các chuyên gia, 60% tác động tới môi trường Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến từ đất liền, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các nhà máy chạy dọc Vịnh… Đây là mối đe dọa trực tiếp tới vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới khi vùng đệm không được bảo vệ.
Tuy nhiên, việc xác định cụ thể ranh giới vùng đệm vẫn chưa được tính chính xác, mới chỉ dừng lại ở việc ước lượng, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, để làm giảm các mối đe dọa trực tiếp đến những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này cần xác định ranh giới, mở rộng và bảo vệ tốt vùng đệm. Đồng thời, xây dựng báo cáo, kế hoạch đánh giá các tác động, xử lý các rủi ro từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực vùng đệm di sản.
Ngoài ra, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quản lý một số di sản thế giới tại các quốc gia hiện nay. Đồng thời giới thiệu thêm một số tài liệu có thể nghiên cứu tham khảo áp dụng cho đánh giá công tác quản lý Di sản Vịnh Hạ Long.
Cùng với đó, việc tập trung thảo luận, trao đổi, đề ra các giải pháp cụ thể, mang tính cấp thiết đối với quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thông qua hội thảo sẽ là cơ sở để giúp Ban quản lý Vịnh Hạ Long thống nhất hoàn thiện bộ công cụ nâng cao năng lực quản lý di sản của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế và đánh giá công tác quản lý di sản Vịnh Hạ Long.
Có thể nói, việc làm của công ty Cổ phần Nhật Long không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên mà còn phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến đến di sản đáng ra phải được bảo tồn.
Rất cần chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh sớm vào cuộc xử lý mạnh tay cho gây ảnh hưởng đến di sản Việt Nam nói riêng và di sản thế giới nói chung để làm gương cho những đơn vị doanh nghiệp khác “bất chấp” sống vì lợi nhuận.