Aa

Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sắp khởi công nhà máy cà phê hơn 2.000 tỷ, là cơ sở đầu tiên tập trung chế biến sâu

Thứ Sáu, 21/02/2025 - 15:12

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, triển khai theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành sau hai năm kể từ ngày khởi công, giúp đưa sản phẩm cà phê chế biến sâu ra thị trường.

Theo Báo Dân trí, tại cuộc họp báo giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 diễn ra tại TP. HCM, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức cho biết, lễ hội năm nay sẽ có nhiều điểm nhấn mới, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách cũng như cơ hội giao thương hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ giới thiệu hàng loạt hoạt động nổi bật như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP, Cuộc thi rang cà phê đặc sản, Hội nghị giao thương quốc tế Kết nối, nâng tầm Cà phê Việt, Lễ khởi công Nhà máy Cà phê Năng lượng Trung Nguyên Legend, cùng Hội trại cà phê Đồng hành, chia sẻ tại khu di tích lịch sử - văn hóa đồn điền CADA, huyện Krông Pắc.

Đáng chú ý, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết Nhà máy Cà phê Năng lượng Trung Nguyên Legend - dự án thứ 5 trong hệ thống nhà máy của tập đoàn sẽ là cơ sở đầu tiên chuyên sâu vào chế biến cà phê, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng và sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành sau hai năm kể từ ngày khởi công, nhằm đưa sản phẩm cà phê chế biến sâu ra thị trường.

Chế biến sâu cà phê cũng là một trong những định hướng chiến lược được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh tại cuộc họp báo, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguồn ảnh: Báo Người lao động

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguồn ảnh: Báo Người lao động

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, cà phê là một trong bốn cây trồng chủ lực của địa phương, chiếm 50-60% giá trị nông nghiệp, bên cạnh cao su, tiêu và điều. Với diện tích canh tác khoảng 210.000ha - lớn nhất khu vực phía Nam - mỗi năm Đắk Lắk cung cấp gần nửa triệu tấn cà phê cho thị trường.

Cũng theo vị này, giá cà phê hiện đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái, đạt mức 125.000-130.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi hecta có thể mang lại thu nhập từ 200-300 triệu đồng, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân.

Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm với 70% diện tích canh tác đạt các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP hoặc tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, địa phương kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư để tăng tỷ trọng chế biến sâu, hiện chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng.

Bên cạnh khía cạnh kinh tế, lễ hội còn tôn vinh giá trị văn hóa cà phê - điều mà Hoa hậu H’Hen Niê - Đại sứ truyền thông của sự kiện, đặc biệt nhấn mạnh. Cô chia sẻ rằng cà phê không chỉ thay đổi cuộc sống gia đình mình mà còn là nét văn hóa gắn kết cộng đồng tại Đắk Lắk.

"Từ ông bà, cha mẹ đến con cháu, mọi người đều thích cà phê, quây quần bên nhau mỗi ngày bên tách cà phê. Tôi mong rằng cà phê Đắk Lắk, cà phê Việt Nam sẽ ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế”, H’Hen Niê bày tỏ.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" sẽ diễn ra từ ngày 9/3 đến 13/3 tại TP. Buôn Ma Thuột.

Sự kiện dự kiến thu hút hơn 500.000 lượt khách, trong đó có khoảng 1.500 khách quốc tế, khẳng định vị thế của Đắk Lắk trên bản đồ cà phê toàn cầu.

Ngày 16/6/1996, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột, đặt nền móng cho một thương hiệu cà phê mang tầm vóc lớn.
Đến năm 1998, Trung Nguyên khai trương quán cà phê đầu tiên tại TP. HCM, đánh dấu bước khởi đầu cho sự phát triển của hệ thống Trung Nguyên Legend trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam và quốc tế.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top