Đối thủ của ngân hàng là các Fintech
Cách đây 5 năm, nếu hỏi đối thủ của các ngân hàng là ai, câu trả lời là các ngân hàng khác. Nhưng nay câu trả lời là các công ty fintech (công nghệ tài chính) như: Amazon, Alibaba, Wechat, ZaloPay… Hiện các Fintech đang lỗ sặc nhưng vẫn được các nhà đầu tư đổ tiền ầm ầm và phần lớn người mua lại là các ngân hàng vì họ sợ bị xâm chiếm, ông Richard Qi, Phụ trách giải pháp di động và Bảo mật điện toán đám mây, Microsoft, chia sẻ tại Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 diễn ra tại TP.HCM vừa qua.
Còn ông Eduardo Francisco, Phó Chủ tịch IAFEI, cho rằng các Fintech chưa kiếm được tiền nhưng ý tưởng rất hay. Ngay cả Go-Jek hay Grab (ứng dụng công nghệ gọi xe) vẫn phải có ví điện tử để thanh toán và ngân hàng làm nhiệm vụ “giữ ví” của khách hàng… Ngân hàng có thể trở thành đồng minh của Fintech.
Theo ông Shabbir Imani, Giám đốc và đồng sáng lập Expenzing, trước đây, các nhà quản lý Nhà nước "ghét" Fintech, nay họ thấy nó hay, vì nó xác định lại vai trò của quản lý Nhà nước, thay đổi về cách sống của mọi người … Lúc nào các nhà quản lý đến được điểm cân bằng thì họ chấp nhận công nghệ mới.
Ông Jose Antonio Quesada Palacios, Giám đốc EGADE BS (ITESM), Mexico cũng giống Việt Nam khi có tới 50% dân số chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính, và cũng có tới 50% dân số Mexico chưa tiếp cận với dịch vụ di động vì chưa có mạng băng thông rộng. Mexico có 30 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài, họ chuyển tiền về nước với chi phí khá cao.
Mexico muốn giảm tình trạng chuyển tiền bất hợp pháp vì trong đó có tiền rửa từ hoạt động buôn bán ma tuý, tội phạm… Đây là việc kinh doanh ngầm nằm ngoài kiểm soát của chính phủ. Một điều đáng lo ngại nữa là tiền ảo như bitcoin được sử dụng khá phổ biến và hoạt động fintech phần lớn được trao đổi bên ngoài Mexico với giao dịch lên tới hàng tỷ USD mà không ai giám sát được.
Để giám sát buộc Chính phủ Mexico phải có cải cách về công nghệ tài chính, ra luật mới về vấn đề này, năm 2019 Mexcio sẽ thực hiện kiểm toán đối với những đơn vị fintech.
Thách thức của công nghệ mới là an ninh mạng
Nhấn mạnh về việc coi trọng bảo mật thông tin trong thời đại công nghệ số và các fintech ra đời hàng loạt nhưng chưa được khẳng định về an toàn mạng, ông Richard Qi, Phụ trách giải pháp di động và Bảo mật điện toán đám mây, Microsoft, cho rằng việc ứng dụng các công nghệ mới lên tới hàng tỷ USD nếu không có an ninh mạng (ANM) thì cũng thất bại.
Ngày nay các tổ chức kinh tế tấn công lẫn nhau, các hacker đã tập trung vào những công ty hàng đầu thế giới. Có hacker mũ trắng và mũ đen. Năm 2017, tấn công mạng đã gây ra thiệt hại khoảng 600 tỷ USD trên toàn thế giới.
Dù vậy, vẫn còn rất ít công ty tin rằng ANM tốt là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Không phải tất cả các công nghệ đều an toàn mạng tuyệt đối 100%, vì nếu các hacker muốn hack họ sẽ hack được. Vấn đề làm sao công nghệ của doanh nghiệp có nhiều lớp bảo mật gây tốn chi phí cho các hacker. Cái này gọi là “tỷ suất lợi nhuận trong hack”. Chẳng hạn, hacker muốn hack phần mềm của doanh nghiệp để lấy 1.000 USD thì phải mất chi phí ít nhất 800 USD… sẽ làm hacker nản chí.
Để đảm bảo ANM, trước tiên, doanh nghiệp phải sử dụng phương pháp “Zero trust networks” (niềm tin trên mạng bằng 0), nghĩa là phải kiểm tra tất cả các dữ liệu đầu vào xem có bị hack không. Rủi ro nhất là các thiết bị kết nối với máy tính của bạn, chiếm tới 70% nguyên nhân gây mất ANM.
Ngày nay, sử dụng mật khẩu trong giao dịch trên mạng không còn an toàn. Tương lai ANM không dùng mật khẩu nữa, thay vào đó người ta dùng “mã khoá” công và tư, dựa trên toeken để đăng nhập mà không cần mật khẩu vào các thiết bị có kết nối Windown 10, mật khẩu của người dùng được giấu đi và dùng mã khoá thay cho mật khẩu.
Một điều bất ngờ Microsoft là tổ chức bị tấn công nhiều thứ 2 trên toàn cầu mỗi ngày. Khi bị hack, nhân viên kinh nghiệm nhất cũng không thể xử lý nhanh được, chỉ có trí tuệ nhân tạo (AI) mới cứu được. Do đó, Chính phủ Mỹ đang đầu tư rất mạnh vào AI để không bị sụp đổ bởi tấn công mạng như lần trước đó.
Có tới 90% công nghệ tại Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang bảo mật dựa trên mạng lưới (network), không có ai bảo mật dựa trên nhận dạng. Dù bạn đang sử dụng internet vạn vật kết nối nhưng mới chỉ bảo mật được cơ sở hạ tầng, chưa bảo mật được thông số và các thiết bị kết nối.
AI không cướp việc của con người
Theo ông Jose Antonio Quesada Palacios, Giám đốc EGADE BS (ITESM), trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các nền tảng mới là: chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo… đang thay đổi dịch vụ tài chính toàn cầu. Công đoàn thế giới cũng đang lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) lấn chiếm việc làm của con người.
Điều này thấy ngay trong lĩnh vực sản xuất ô tô, robot lắp ráp thay thế con người ở rất nhiều công đoạn, hay lĩnh vực ngân hàng muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo, dùng thực tế ảo giao tiếp với khách hàng thay thế nhân viên giao dịch... Tuy nhiên, chúng ta đừng lo lắng thái quá, vấn đề ở đây làm thế nào để đào tạo kỹ năng mới cho người lao động, giúp họ quay trở lại làm việc ở một vị thế cao hơn…
Một khảo sát tại Mexico cho thấy có đến 80% doanh nghiệp cho rằng thực tế ảo sẽ giúp tăng cường tiếp cận và giúp họ kinh doanh tốt hơn khi việc kết nối với khách hàng để đảm bảo lòng tin diễn ra thường xuyên và thuận lợi.
Mexico là một quốc gia có mức độ tham nhũng cao cả ở lĩnh vực công và tư nhân, công nghệ mới sẽ giúp minh bạch hoá các giao dịch, hoạt động trong kinh doanh. Chính phủ dự định dùng công nghệ blockchain trong ngành thuế để kiểm soát các giao dịch liên quan đến thuế, logistics. Ngay cả các nhà máy lọc dầu, công ty khai khoáng cũng sẽ phải dùng blockchain để kiểm soát mạng lưới vận chuyển.
Công nghệ mới sẽ tạo ra những thay đổi đột biến trong học tập khi tại các trường học, Mexico sẽ cho thử nghiệm chương trình "zSpace": ứng dụng thực tế ảo vào giảng dạy và nghiên cứu. Trong ngành du lịch, ngành công nghiệp không khói đem đến nguồn thu chính khổng lồ, Chính phủ đang ứng dụng công nghệ mới nhất, khách du lịch khi đến sân bay Mexico được kết nối ngay tới các điểm đến, hay đặt phòng khách sạn ngay tại sân bay…