Aa

Công ty tài chính có phải là đối thủ cạnh tranh của ngân hàng?

Thứ Tư, 29/03/2017 - 21:32

Theo các chuyên gia, việc cho rằng công ty tài chính tạo áp lực tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại nói riêng và là đối thủ cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh nói chung là không chính xác.

Gần đây, trước hiện tượng các tổ chức tín dụng đẩy lãi suất huy động thông qua chứng chỉ tiền gửi lên cao, đã có chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, do hệ thống ngân hàng đang bị khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước và gặp sự cạnh tranh về huy động vốn từ các công ty tài chính nên đã phải đẩy lãi suất huy động lên cao qua chứng chỉ tiền gửi. Điều này làm dấy lên lo ngại, phải chăng nhóm công ty tài chính đang là đối thủ cạnh tranh khiến các ngân hàng phải bận tâm trong cuộc đua về vốn và trong tương lai sẽ là đối thủ cạnh tranh trên thị trường?

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, công ty tài chính không phải là “đối thủ” của khối ngân hàng và cho rằng cần phải phân tích rõ về bản chất của công ty tài chính trong việc huy động vốn và cho vay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ dân cư, họ chỉ được phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi đối với tổ chức. Tuy nhiên, trái phiếu thì rất khó bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh nên không dễ gì các công ty tài chính huy động được nhiều.

“Tôi cho rằng, các công ty tài chính đẩy lãi suất huy động lên là hiện tượng không đáng quan ngại, vì quy mô của công ty tài chính hiện còn rất nhỏ bé so với các tổ chức tín dụng Việt Nam. Số liệu mà chúng tôi tổng hợp cho thấy tổng huy động của nhóm công ty này chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 0,7% tổng lượng vốn huy động toàn hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Lực nói.

Ông Lực đồng thời so sánh, lượng vốn mà các công ty tài chính hiện nay huy động chỉ ngang với mức huy động của một ngân hàng nhỏ nhất hệ thống nên họ không thể trở thành đối thủ cạnh tranh vốn với các nhà băng.

“Chúng tôi ước tính trong quý đầu năm nay các công ty tài chính chỉ phát hành (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi – PV) huy động được khoảng 500 - 700 tỷ đồng, trong khi cả khối ngân hàng lên đến hơn 200.000 tỷ đồng”.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn bổ sung thêm rằng, xét về góc độ cho vay với nhiều rủi ro hơn, quy mô lại nhỏ và mức độ biến động cao hơn nên họ phải trả lãi suất cao hơn cho các đối tượng gửi tiền là điều tất yếu.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, quy mô của các công ty tài chính còn quá nhỏ, lĩnh vực hoạt động lại khác nhau, tính cạnh tranh cũng không lớn nên không thể xem là yếu tố tạo áp lực hay cạnh tranh với nhóm ngân hàng về huy động vốn.

Không những đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực về việc các công ty tài chính không phải là “đối thủ” trong việc huy động vốn, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thậm chí còn cho rằng, các công ty tài chính cũng không phải là “đối thủ” của ngân hàng thương mại ở cả hoạt động cho vay. Xét ở góc độ nhất định, chính các công ty tài chính còn là khách hàng của các ngân hàng thương mại bởi chính các ngân hàng là kênh cấp vốn đầu vào quan trọng cho các công ty tài chính.

Theo ông Hòe, mặc dù trong vài năm trở lại đây, thì trường cho vay tiêu dùng đang ngày một sôi động hơn với sự tham gia của các công ty tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vay tiêu dùng của xã hội. Về cơ bản, các công ty tài chính mới chỉ chiếm một thị phần rất không đáng kể, gần như chưa thể tạo nên bất kỳ áp lực cạnh tranh nào lên các ngân hàng.

Tính đến nay, tại Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng cấp cho nền kinh tế đạt khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính mới chỉ khoảng hơn 50.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,01%). Tính riêng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thì các công ty tài chính cũng mới chỉ chiếm lĩnh được dưới 5% tổng dư nợ cho vay.

Mặt khác, theo ông Hòe, phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng của các công ty tài chính rất khác so với khối ngân hàng. Đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là những người “dưới chuẩn” cấp tín dụng của ngân hàng. Các khoản cho vay của công ty tài chính là những khoản vay nhỏ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng thời là vay chấp, nguy cơ rủi ro nợ xấu cao mà để an toàn hệ thống cũng như để tuân thủ quy định của pháp luật, các ngân hàng không thể cho vay… Chính vì thế, nói công ty tài chính là đối thủ cạnh tranh với ngân hàng, ngay cả trong hoạt động cho vay tiêu dùng là không chính xác.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, hoạt động cho vay tiêu không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.

Thứ nhất, nó nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng - đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại truyền thống).

Thứ hai, góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, vì vậy giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Thứ ba, làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

Thứ tư, cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Từ những phân tích nêu trên, bà Thanh nhận định, việc phát đẩy mạnh phát triển các công ty tài chính để họ tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng là rất cần thiết. “Các công ty tài chính có phân khúc, đối tượng khách hàng riêng, phương pháp huy động vốn cũng rất riêng. Do đó, họ chỉ cạnh tranh với nhau chứ không cạnh tranh với các ngân hàng thương mại”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top