Dẫn tin từ báo Chính phủ, sáng ngày 11/12, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel, công viên logistics đầu tiên tại Việt Nam với quy mô 143,7ha, được đánh giá là trung tâm logistics hiện đại và lớn nhất cả nước. Công viên cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình, bao gồm các khâu từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới.
Với công nghệ tiên tiến và hệ thống quy trình được thiết kế tối ưu, kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan của Việt Nam, Trung Quốc cùng các cơ quan chức năng khác, công viên này hứa hẹn rút ngắn thời gian thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan từ 30-40%, đồng thời tăng hiệu quả vận tải container lạnh trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng. Đây là những con số có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt hàng nông, thủy sản, giải quyết vấn đề ùn tắc tại cửa khẩu, giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và bảo đảm thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, công viên còn ứng dụng hàng loạt công nghệ logistics tiên tiến như: Cổng thông minh (Smart Gate), hệ thống soi chiếu tự động 6 chiều, hệ thống sang tải tự động, và khu xử lý hàng thương mại điện tử cùng hàng chuyển phát nhanh sử dụng robot AGV tự hành.
Ngoài ra, công viên còn có khu trưng bày triển lãm và livestream thương mại để thúc đẩy thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu. Đặc biệt, trung tâm giao dịch nông sản được trang bị hệ thống bảo quản sau thu hoạch hiện đại, giúp duy trì chất lượng nông sản trong thời gian chờ thông quan.
Theo báo Đầu tư, chỉ sau hơn 10 ngày khai trương, Công viên Logistics Viettel đã đạt được những kết quả ấn tượng với 90% diện tích văn phòng dịch vụ, 70% diện tích trung tâm nông sản và 40% diện tích kho bãi được doanh nghiệp đăng ký thuê dài hạn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai thêm các công năng đặc biệt. Cụ thể, Viettel Post sẽ phối hợp với hải quan Trung Quốc triển khai giải pháp kiểm tra, kiểm dịch, chiếu xạ ngay tại Việt Nam để phục vụ thông quan một lần, đặc biệt hữu ích đối với hàng nông sản khi không cần phải chờ đợi kiểm tra tại Trung Quốc.
Dự án cũng sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung để kết nối dữ liệu hải quan hai nước, phục vụ vận hành cửa khẩu thông minh dự kiến hoạt động vào đầu năm 2026.
Ngoài ra, một ga đường sắt liên vận rộng 8ha sẽ được triển khai, kết nối vận tải giữa Đồng Đăng - Bằng Tường với công suất 20 chuyến/ngày, giúp giảm tải áp lực cho đường bộ. Các hạ tầng khác như khu nhà xưởng và khu chế xuất cũng sẽ được xây dựng để hoàn thiện chức năng của công viên.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi với đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253km.