Aa

Coóc xê sẵn sàng

Chủ Nhật, 18/07/2021 - 13:00

Nghe đến đây, mự Ngụ bừng bừng nổi đóa, khoát tay chống nạnh, nói lớn: "Yếm chi mà nhọn hoắt như mũi kim, cứng đơ như mo cau, đồ nớ dân choa ai mà thèm!".

Cái hồi ngút trời bom đạn Mỹ, ga Ngọc Lâm ở quê tôi là một trọng điểm đánh phá ác liệt vì chỉ cách kho hậu cần và bệnh viện dã chiến của Bộ đội Trường Sơn chừng vài cây số.

Hồi đó, làng tôi có một đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) về đóng quân để bảo vệ tuyến đường goòng từ ga Ngọc Lâm đến hang Minh Cầm. Nhất loạt dân làng tôi gọi các chiến sĩ TNXP là Các O Các Chú Sẵn Sàng. Đơn vị Sẵn Sàng này toàn người Hà Bắc, phần đông là nữ. Dân làng tôi chẳng biết Hà Bắc ở đâu, cứ nghe giọng véo von khác tiếng trọ trẹ quê choa là gọi Khu Ba tất. Con gái "Khu Ba da trắng tóc xanh, mỗi khi chồng gọi, thưa anh việc gì?". Con gái "Quê choa tay cẳng đen sì, mỗi khi chồng gọi, chi chi rứa hề?". Từ ngày có các O Sẵn Sàng về làng, đám đàn ông sơn tràng ở làng tôi trông tử tế hẳn…

Hấp dẫn nhất là các O Sẵn Sàng toàn mặc coóc xê quân nhu, may bằng vải Tô Châu chần nhiều lớp dày cộp và nhọn hoắt. Các O Sẵn Sàng mặc coóc xê quân nhu trông hiên ngang hùng dũng lắm, khác hẳn cái yếm vải diềm bâu nhăn nhúm mềm oặt, mua dưới chợ Ba Đồn của đàn bà con gái làng tôi.

Nữ TNXP thời chống Mỹ cứu nước. (Ảnh sưu tầm)

Tất nhiên chiếc coóc xê quân nhu của các O Sẵn Sàng trở thành niềm mơ ước của đám con gái làng tôi. Thế rồi chẳng hiểu thật hư như thế nào mà đám con trai làng tôi lan truyền rằng cái Coóc xê Sẵn Sàng chữa hắc lào và lang ben rất hiệu nghiệm. Anh nào bị hai thứ đó, lấy Coóc xê Sẵn Sàng chùi vào mặt, vào cổ, vào háng… vài lần là khỏi ngay. Mà hồi quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hắc lào và lang ben là đặc sản của đàn ông con trai làng tôi, nhất là đám sơn tràng thường xuyên chui rừng ngủ rú. Đến như tôi, một thằng trẻ trâu lớp ba, vì chui hầm ẩm ướt lâu ngày cũng bị hắc lào, lang ben...

Thế rồi rộ lên chuyện coóc xê của các O Sẵn Sàng thường xuyên bị mất cắp. Chẳng rõ thủ phạm là mấy đứa con gái đua đòi tân thời hay mấy thằng con trai ngứa ngáy vì bệnh ngoài da. Chưa vụ nào bị bắt tận tay day tận mặt, nhưng từ đó các O Sẵn Sàng canh chừng rất gắt. Ban đêm, các O đi lấp hố bom, ban ngày về tắm giặt xong là cắt cử nhau canh gác mấy cái dây phơi rất nghiêm ngặt, chẳng khác gì mấy chú bộ đội cao xạ trực chiến đợi bắn tàu bay Mỹ.

Một bữa, anh Cu Nậy, là đội phó sơn tràng, nói với tôi: "Mi ăn trộm được cho tau cái Coóc xê Sẵn Sàng, tau sẽ cho mi khúc Chu mà đẹo vụ". Tiếng quê tôi, “đẹo vụ” tức là đẽo, gọt khúc gỗ thành cái vụ. Hồi đó, trẻ con làng tôi chỉ có mấy trò đánh khăng, đánh đáo và chọi vụ. Sau này lớn lên, được đi đây đi đó, tôi mới biết trẻ con nhiều nơi cũng chọi vụ, nhưng gọi là “con cù” hoặc “con quay”. Đó là thứ đồ chơi đẽo bằng gỗ, hình thù giống như cái chũm cau của đám con gái dậy thì, người quê tôi kêu là “cái vụ”. Chẳng rõ con cù con quay trong Nam ngoài Bắc đẽo bằng gỗ gì, chứ cái vụ quê tôi thì được tổng kết là: “Nhất Chu, nhì Da, thứ ba Muồng cuống, nhảy lên nhảy xuống là vụ Chu ke, còn kêu rè rè là cái vụ Ổi”. Đứa nào kiếm được khúc gỗ Chu mà đẹo vụ là sướng lắm. Bởi thế, nghe anh Cu Nậy nói ăn trộm được cho anh cái coóc xê Sẵn Sàng thì anh sẽ đổi cho khúc gỗ Chu mà đẹo vụ, là tôi quyết ra tay!

Một bữa, nhằm lúc tiếng kẻng báo động dồn dập và chiếc loa sắt tây trên đọt cây mít nhà dượng Mẹt Lê oang oang: A lô a lô, một tốp phản lực đang bay lượn côi trời làng ta. Bà con khẩn trương vô hầm trú ẩn. Ai chui lỗ mô ngồi yên lỗ nớ, cấm thò vô thụt ra, mất trôốc như nhởi!

Chỉ chờ có rứa là tôi lao ra chiếc dây phơi giật phắt một chiếc coóc xê quân nhu rồi ba chân bốn cẳng chạy vào hầm kèo. Chưa kịp thở thì bóng mự Ngụ đã như từ trên trời rơi xuống cửa hầm. Thì ra mấy bữa nay mự đã rắp tâm tìm cho ra thủ phạm của những vụ mất cắp coóc xê làm ảnh hưởng tình cá nước quân dân. Lần này thì bắt tận tay day tận mặt nhé. Huhu...

Tiếp đó là 11 cuộc họp đủ các ngành các cấp, từ đội Thiếu niên Tiền phong đến Đảng ủy, từ thôn đến xã, từ lớp đến trường... rồi thì Hội Phụ huynh, Hội Phụ nữ, Hội Liên gia... cũng tham gia chiến dịch giáo dục trẻ em hư.

Nguy cơ tôi bị đuổi học là nhỡn tiền, là vô phương cứu chữa!

May mắn làm sao, cứu tinh cho tôi lại chính là các O Sẵn Sàng. Các O trực tiếp gặp dượng Mẹt Lê và mự Ngụ, nói chi đó mà cuối cùng tôi được tha bổng. Hôm ký biên bản tay ba bàn giao trẻ em hư cho gia đình và Chi hội Phụ nữ quản lý tiếp tục theo dõi giúp đỡ, O Tổ trưởng Sẵn Sàng nói như tâm sự, rằng cũng may bắt được thủ phạm, nếu không các O cũng có lỗi là đã nghi ngờ chị em phụ nữ làng tôi…

Nghe đến đây, mự Ngụ bừng bừng nổi đóa, khoát tay chống nạnh, nói lớn: "Yếm chi mà nhọn hoắt như mũi kim, cứng đơ như mo cau, đồ nớ dân choa ai mà thèm!".../.                                                                   

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top