Aa

Copenhagen và con đường trở thành Thủ đô Kiến trúc của thế giới

Thứ Năm, 30/12/2021 - 06:15

Copenhagen (Đan Mạch) đã được UNESCO vinh danh là “thành phố kiến trúc toàn cầu năm 2023” với những nỗ lực tuyệt vời trong xây dựng kiến trúc đô thị bền vững.

Năm 2021, Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26) diễn ra tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh đã ghi nhận cam kết của nhiều quốc gia trên thế giới về đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. Cam kết đặt ra những mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều hành động khác nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển bền vững. 

Theo TS. Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Úc, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam có thể được coi là một bước ngoặt lớn trong lịch sử chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu đạt được cam kết này, Việt Nam có thể đưa vị thế quốc gia hội nhập cùng với 140 quốc gia khác cũng cam kết thực hiện net zero vào năm 2050.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này. Một trong những thách thức lớn xuất phát từ lĩnh vực xây dựng - kiến trúc bởi theo thống kê, lĩnh vực này đóng góp đến 40% vào tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu. 

Cụ thể, kiến trúc đô thị của Việt Nam tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… còn nhiều điểm bất cập, chưa đạt được tiêu chuẩn về kiến trúc và quy hoạch xanh. Sự quản lý chưa chặt chẽ trong thiết kế, xây dựng và vận hành các tòa nhà, công trình sao cho tiết kiệm năng lượng và giảm tối thiểu lượng khí CO2 phát thải sẽ là cản trở lớn khiến Việt Nam khó tiếp cận được các mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vì vậy, TS. Đỗ Nam Thắng cho rằng, chúng ta cần phải tiếp thu, học tập kinh nghiệm trong kiến trúc và quy hoạch đô thị từ những thành phố, quốc gia đã thành công đạt được các mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, một trong những thành phố xanh và bền vững hàng đầu thế giới.

Thủ đô Kiến trúc Thế giới 

Tháng 7 năm nay, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được tổ chức UNESCO kết hợp cùng Liên minh Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao danh hiệu World Capital of Architecture 2023 (Thủ đô Kiến trúc Thế giới 2023). Điều đó có nghĩa là, sau Rio de Janeiro của Brazil, Copenhagen sẽ là nơi diễn ra Đại hội Kiến trúc Thế giới lần thứ 28. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Thành phố Copenhagen. (Ảnh: Lindsay Martin)

Đại hội Kiến trúc Thế giới là sự kiện quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc đô thị, được tổ chức bởi Liên minh Kiến trúc sư Quốc tế từ năm 1948. 3 năm 1 lần, UIA cùng UNESCO sẽ chọn ra một thành phố đã có những thành công nhất định trong quy hoạch đô thị và kiến trúc bền vững để thắp sáng ngọn đuốc của Đại hội. 

Không chỉ được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc, Copenhagen còn đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số An toàn đô thị (Safe Cities Index - SCI) năm 2021 với 82,4/100 điểm theo nghiên cứu và đánh giá của tờ The Economist.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Copenhagen vượt qua Tokyo, Osaka (Nhật Bản) và Singapore - những thành phố luôn đứng đầu bảng xếp hạng của các năm trước để giành vị trí top đầu, là do năm nay vấn đề an ninh môi trường được thêm vào 5 tiêu chí quan trọng đánh giá Chỉ số An toàn đô thị của một thành phố. Theo đó, Copenhagen làm tốt hơn hẳn những đối thủ khác bởi các chiến lược hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Copenhagen đứng đầu bảng xếp hạng SCI 2021 với điểm tổng 82,4 (Nguồn: The Economist)

Cũng trong năm nay, Copenhagen vinh dự nằm trong top 5 thành phố bền vững nhất thế giới do trang web Uswitch (Anh) bình chọn. Copenhagen là 1 trong 2 thành phố châu Âu duy nhất lọt top 5, cùng với Madrid của Tây Ban Nha. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Top 30 thành phố bền vững nhất thế giới do Uswitch bình chọn (Nguồn: Uswitch)

Phát triển công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng 

Quận Nordhavn của Copenhagen đang thực hiện một kế hoạch quy hoạch đồ sộ để trở thành địa điểm hàng đầu thế giới về quy hoạch và phát triển bền vững. Tham vọng của các nhà chức trách nơi đây là hoàn thành các dự án nhà ở và văn phòng cho 40.000 cư dân vào năm 2050. 

Nordhavn sẽ là quận tiên phong phủ xanh đô thị và đi đầu trong quy hoạch bền vững, đưa Copenhagen sánh ngang với bất kỳ thành phố hiện đại nào trên thế giới. Theo đó, nếu như tiến độ của các dự án vẫn được duy trì như hiện nay thì không lâu nữa, quận Nordhavn sẽ đạt chứng nhận bạch kim về kiến trúc bền vững - chứng nhận ở mức cao nhất từ Hội đồng Xây dựng Bền vững Đức (DGNB). 

Chứng nhận bạch kim từ DGNB đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe về kiến trúc và quy hoạch bền vững cho các tòa nhà, khu vực và thành phố. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 10 khu vực và thành phố trên thế giới đạt được tiêu chuẩn này. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Ga tàu điện ngầm Copenhagen tại quận Nordhavn. (Ảnh: Istockphoto)

Một trong những điều kiện cơ bản về hạ tầng đô thị giúp quận Nordhavn, hay xa hơn là thành phố Copenhagen tiệm cận chứng nhận bạch kim từ DGNB đến từ những tòa nhà. Mọi tòa nhà trong quận Nordhavn đều đạt tiêu chuẩn cao về hiệu quả năng lượng với việc sử dụng pin mặt trời, hệ thống sưởi và làm mát tiết kiệm tài nguyên và thiết kế thông minh nhằm tái sử dụng nguyên vật liệu. 

Kể từ khi được quy hoạch vào năm 2009, quận Nordhavn đã bắt đầu triển khai hệ thống công trình xanh tiên tiến trên tất cả các hạng mục như nhà ở, văn phòng,... Dự án tổ hợp công trình hiệu quả năng lượng đầu tiên và cũng là dự án nổi tiếng nhất của khu vực này là Energy Lab - “Phòng thí nghiệm năng lượng của thành phố thông minh”. 

Energy Lab là dự án đồ sộ được hợp tác phát triển bởi hàng chục công ty địa phương, nhà cung ứng vật liệu và chính quyền Nordhavn nhằm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng trong cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống sưởi ấm và hệ thống lưu trữ năng lượng phức tạp. 

Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, báo cáo của Energy Lab về hướng dẫn xây dựng và triển khai công trình hiệu quả năng lượng là xương sống của những công trình xanh, công trình bền vững trên toàn quận Nordhavn và thành phố Copenhagen. 

Việc dự án này coi quận Nordhavn như một phòng thí nghiệm lớn để ứng dụng những công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có thể tái tạo trong nhiều lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc đô thị, cho phép thành phố Copenhagen vận dụng công nghệ một cách linh hoạt, hiệu quả và tối ưu trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh. 

Hơn hết, phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã thay đổi bộ mặt của quận Nordhavn, đồng thời thu hút những thương hiệu, doanh nghiệp đặt phát triển bền vững là yếu tố trọng tâm trong kinh doanh. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Trường Quốc tế Copenhagen tại quận Nordhavn. (Ảnh: Shutterstock)
kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Trên mái của ngôi trường là những tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ. (Ảnh: Adam Mork)

Khi du khách đến thăm nơi đây, họ sẽ không còn nhìn thấy những vết tích phổ biến của khu vực xưởng đóng tàu và khu công nghiệp cũ, mà thay vào đó là những tòa nhà hiện đại với tấm kính xanh như tòa nhà Portland, trường Quốc tế Copenhagen - công trình lưu trữ năng lượng mặt trời lớn nhất thành phố. Trường Quốc tế Copenhagen cũng là địa điểm thu hút khách du lịch với màu xanh lông công chủ đạo, đầy mộng mơ và nghệ thuật. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Hai tòa tháp Portland, trước đây là hai hầm chứa lớn, đã được chuyển đổi thành các tòa nhà văn phòng. (Ảnh: Getty Images)

Những thương hiệu về dịch vụ ăn uống và giải trí với tôn chỉ kinh doanh bền vững cũng nhanh chóng bị thu hút và mở thêm cơ sở mới tại Nordhavn. Có thể kể đến nhà hàng Hotel Comwell - chuỗi nhà hàng nổi tiếng với trang trại nấm được trồng từ bã cà phê nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Hay quán rượu lâu đời Hija de Sanchez Cantina với phương châm hạn chế lãng phí tài nguyên: Từ tái sử dụng nước uống dư thừa trên bàn ăn để lau sàn, cho đến ủ rác những thực phẩm không thể tái sử dụng.

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Nhà hàng Hotel Cromwell nổi tiếng vì chuỗi hoạt động kinh doanh bền vững. (Ảnh: Hotel Cromwell)

Kiến trúc bền vững là kiến trúc tập trung vào cộng đồng 

Đối với giới kiến trúc sư, Copenhagen là biểu tượng của những sáng tạo đột phá hướng tới sự bền vững: Không gian công cộng, văn hóa xe đạp, kiến trúc và ẩm thực. Tất cả những yếu tố này đều nhằm đạt được sự phục vụ tốt nhất cho cộng đồng cư dân thành phố và đổi lại, cư dân cũng sẽ trở thành người đồng hành tuyệt vời cùng chính quyền trong những nỗ lực quy hoạch - như cách họ trao quyền kiểm soát nhiệt độ của những tòa nhà dân cư cho nhà chức trách nhằm kiểm soát nhiệt độ chung của Copenhagen. 

Cuốn sách “København: Urban Architecture and Public Spaces” (Copenhagen : Kiến trúc đô thị và không gian công cộng) được biên tập bởi tác giả Sandra Hofmeister đã phân tích và chỉ ra tinh thần đổi mới của thủ đô Đan Mạch. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Người dân tụ tập tại quảng trường Israel ( Ảnh: Courtesy of The Dirt)

Trước hết, không gian công cộng ở Copenhagen là mục tiêu chuyển đổi hàng đầu của các nhà thiết kế. Một trong những dự án tiêu biểu có thể kể đến là “thảm bay” Israel's Plads hay quảng trường Israel. Nơi đây đã từng là một khu chợ sầm uất, sau đó bị chiếm dụng trở thành một bãi đậu xe chướng mắt giữa lòng thành phố. Công ty thiết kế và quy hoạch đa ngành Cobe đã thắng thầu dự án cải tạo nơi này và biến nó trở thành một “thảm bay” với bãi đậu xe ngầm, bên trên được chia thành 2 khu: Khu vực chợ có mái che và một quảng trường công cộng.

Sáng kiến này không chỉ đáp ứng nhu cầu của cư dân về bãi đậu xe, mà còn giúp họ tận hưởng cuộc sống đô thị với những hoạt động cộng đồng thú vị, trong đó có những phiên chợ sôi động vào mỗi cuối tuần. 

Bên cạnh đó, Copenhagen cũng là thành phố đi đầu trong phát triển văn hóa xe đạp. Hạ tầng kiến trúc đô thị phục vụ người dân đi bộ và đi xe đạp hơn hẳn hạ tầng dành cho ô tô về cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, thành phố này cũng ứng dụng mô hình “thành phố 5 phút” với việc tận dụng mật độ đô thị để phân bổ các cơ sở dịch vụ sao cho con người có thể tiếp cận các cơ sở này với thời gian di chuyển rất ngắn bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Nguồn: Anders Sune Berg

Cuối cùng, kiến trúc đô thị của Copenhagen là sự kết nối cộng đồng của nó với một yếu tố sinh thái cực kỳ quan trọng: Nước. Khác với những thành phố công nghiệp phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nước công cộng nghiêm trọng, trong quá trình chuyển đổi từ một cảng công nghiệp sang thành phố bền vững, Copenhagen đặc biệt coi trọng yếu tố nước bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và điều tiết nước thông minh. 

kiến trúc, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, copenhagen, đan mạch,
Người dân Copenhagen bơi lội tại những con đường và cầu ven sông. (Ảnh: Courtesy of The Dirt)

Dân cư và khách du lịch tại Copenhagen có thể thoải mái bơi lội tại công viên, cầu, bến cảng bởi dòng nước luôn xanh và trong. Kiến trúc của thành phố có nhiệm vụ không chỉ kết nối dân cư với dòng nước tự nhiên, mà còn phải khiến khu vực này trở nên sống động. Do đó, khắp thành phố là những bậc thang dẫn xuống dòng nước, câu lạc bộ chèo thuyền, bơi lội, cano, bể bơi, khách sạn nổi mini…, cho phép người dân tương tác với dòng nước một cách an toàn và thoải mái. Điều này cũng trở thành một nét văn hóa đặc biệt của thành phố và đóng góp tích cực vào lối sống lành mạnh, chan hòa với thiên nhiên của cư dân. 

Có thể nói, kiến trúc của thành phố Copenhagen luôn mang tính định hướng con người đến một lối sống bền vững: Không ô tô, không rác thải, không ô nhiễm, không lãng phí và thân thiện với hệ sinh thái. 

Copenhagen đặt mục tiêu trở thành thành phố không carbon vào năm 2030. Trong tương lai, rõ ràng thành phố này hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng của đô thị phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 như mong muốn, với định hướng quy hoạch và kiến trúc hiệu quả. 

Từ bài học của Copenhagen, có thể thấy rằng, kiến trúc của một thành phố cần phải được quy hoạch và triển khai từ một tầm nhìn bền vững, không phải chỉ để đáp ứng những nhu cầu và mục tiêu trước mắt. Hơn hết, con người hay cộng đồng cần được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược quy hoạch đô thị và đặt trong mối quan hệ cùng phát triển với hệ sinh thái tự nhiên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top