Aa

Xây dựng - kiến trúc và mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Thứ Bảy, 11/12/2021 - 06:15

Với mục tiêu giảm phát thải carbon mà Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đề ra, lĩnh vực xây dựng - kiến trúc sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn mới.

Mục tiêu giảm phát thải CO2 trong 30 năm tới 

Mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) được định nghĩa trên website Net Zero Climate là “trạng thái cân bằng giữa lượng khí nhà kính đi vào khí quyển và lượng khí được đào thải”. Nghĩa là con người phải tìm cách giảm tối đa lượng khí CO2 giải phóng vào môi trường tự nhiên từ các tác nhân như: Phương tiện giao thông, nhà máy công nghiệp... Đồng thời, lượng CO2 còn lại trong khí quyển phải cân bằng với lượng khí được tiêu thụ. Do đó, net-zero còn được xem là mục tiêu giảm phát thải khí CO2 gắn liền với phục hồi xanh và phát triển bền vững. 

Thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 nhằm giới hạn mức nhiệt tăng toàn cầu hàng năm không quá 2℃, lý tưởng là 1,5℃ so với mức tiền công nghiệp.  

Năm nay, hội nghị Thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow (Vương quốc Anh) đã ghi nhận cam kết của nhiều quốc gia trên thế giới về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu và Việt Nam. 

Mặc dù đóng góp tỷ lệ thấp lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và là quốc gia không thuộc Phụ lục 1 của UNFCCC (nhóm các nước phát triển với lượng phát khí nhà kính lớn, chịu ràng buộc bởi các cam kết cụ thể về cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định thư Kyoto 1997), Việt Nam vẫn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu với việc ký kết vào thỏa thuận Paris 2015 và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. 

công trình xanh, xây dựng, kiến trúc, giảm phát thải, công trình hiệu quả năng lượng
Hội nghị COP26 diễn ra từ ngày 31/10 đến 13/11. Ảnh: Internet

Theo một báo cáo được Liên Hợp Quốc đưa ra ít ngày trước khi diễn ra hội nghị COP26, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2,7℃ trong thế kỷ này. Điều đó có nghĩa, thế giới phải cắt giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, lượng phát thải CO2 toàn cầu tăng khoảng 5% vào năm 2021, đạt 33.0 Gt, tiệm cận đến mức kỷ lục của năm 2018 - 2019. 

công trình xanh, xây dựng, kiến trúc, giảm phát thải, công trình hiệu quả năng lượng
Biểu đồ thể hiện tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu giai đoạn 1990 - 2021. Nguồn: IEA.org

Do đó, thực trạng của biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với những cam kết đã đề ra sẽ buộc các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xăng dầu, dịch vụ và nhiều nhóm ngành khác phải thay đổi cách thức vận hành, phương thức khai thác, sử dụng năng lượng để đóng góp vào mục tiêu chung. 

Tại sao lĩnh vực xây dựng - kiến trúc cần thay đổi trong mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0? 

Thứ nhất, theo Báo cáo Tình trạng năng lượng toàn cầu năm 2018 (Global Status Report 2018) của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, lượng khí CO2 phát thải từ các tòa nhà xây dựng chiếm 40% tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu từ nguồn sử dụng năng lượng vào năm 2017. Trong đó, phát thải từ hoạt động xây dựng chiếm 28% và từ vật liệu xây dựng chiếm 11%. 

công trình xanh, xây dựng, kiến trúc, giảm phát thải, công trình hiệu quả năng lượng
Biểu đồ thể hiện mức phát thải CO2 toàn cầu. Nguồn: Architecture 2030

Cũng theo báo cáo trên, ⅔ diện tích của các công trình xây dựng tồn tại hiện nay sẽ vẫn tồn tại vào năm 2040. Điều đó có nghĩa rằng, nếu các tòa nhà này không giảm phát thải khí CO2, mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu của Thỏa thuận Paris sẽ không thể đạt được. Ở một tầm nhìn xa hơn, cơ hội đạt được cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 của COP26 cũng sẽ bị thu hẹp lại. 

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính những người sẽ sống và làm việc tại các tòa nhà. Hồi tháng 10/2021, JLL - công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu có tên “Sustainability in built environment: An employee perspective” (Tạm dịch: Sự bền vững trong môi trường xây dựng: Quan điểm của nhân viên). 

Nghiên cứu đã tiến hành thu thập ý kiến của 1.200 nhân viên văn phòng làm việc tại các tòa nhà của 5 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore. Kết quả thu được cho thấy, 78% nhân viên đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng và họ kỳ vọng công ty của mình sẽ có sáng kiến phát triển bền vững để đóng góp giải quyết tình trạng này. 

7/10 nhân viên được hỏi cho rằng phát triển bền vững, kinh doanh bền vững là yêu cầu bắt buộc với các công ty. Nhóm người trẻ tuổi là nhóm có niềm tin mãnh liệt nhất vào việc người sử dụng lao động của họ nên hành động vì khí hậu. 

công trình xanh, xây dựng, kiến trúc, giảm phát thải, công trình hiệu quả năng lượng
Biểu đồ thể hiện nhận thức của nhân viên về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Nguồn: JLL
(Chú thích từ trái sang: “Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt”; “Tôi kỳ vọng công ty của tôi sẽ thực hiện kinh doanh bền vững”; “Các sáng kiến bền vững là bắt buộc trong kinh doanh”)

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, 70% nhân viên tin rằng những tòa nhà văn phòng có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí CO2. Tỷ lệ này đối với khu dân cư và tòa nhà thương mại bán lẻ (trung tâm thương mại) lần lượt là 55% và 50%. 65% nhân viên cho biết họ muốn làm việc trong những tòa nhà văn phòng có đóng góp vào việc giảm phát thải khí CO2. 90% người được khảo sát tin rằng các tòa chung cư cũng có thể góp phần xây dựng đô thị xanh bằng những khu vườn trên mái nhà. 

Có nghĩa là, chính những người sẽ sử dụng công trình xây dựng và kiến trúc, đặc biệt là nhóm người trẻ (từ 21 - 30 tuổi) có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của những công trình này. Sự thay đổi về nhận thức đó sẽ trở thành yếu tố khiến các nhà đầu tư, nhà thầu công trình, nhà thiết kế phải cân nhắc đến tính bền vững và ảnh hưởng đến môi trường của tòa nhà.

Nỗ lực giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực xây dựng - kiến trúc tại Việt Nam

Tại Việt Nam, những chính sách liên quan đến vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản, sử dụng đất, sản xuất vật liệu xây dựng... đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất và triển khai thực tiễn. Những quy định và kế hoạch chủ yếu hướng đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và giảm phát thải CO2 tại Thỏa thuận Paris 2015. 

Ngày 24/7/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát triển các hoạt động của ngành theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, gồm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch về đo đạc, báo cáo, thẩm định.

Ảnh minh họa

Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó bao gồm “thực hiện giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)”.

Ngày 13/5/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mở Hội thảo trực tuyến tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết các Điều 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Dự kiến sau khi Chính phủ thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozon, quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong NDC của Việt Nam. 

Tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và triển khai các kế hoạch giảm phát thải phù hợp với điều kiện, công nghệ, quản lý của cơ sở phát thải. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện kiểm kê và xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ. 

Bên cạnh các chính sách được ban hành, vấn đề phát thải CO2 trong xây dựng - kiến trúc đã được nhận thức và bàn luận trong nhiều công trình khoa học, các chương trình tọa đàm, hội thảo để từ đó bước đầu phát triển một kế hoạch toàn diện hướng tới xây dựng - kiến trúc bền vững trong tương lai.

Theo đó, đầu năm 2021, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình Hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà tại Việt Nam (PEEB) giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình PEEB là sáng kiến của Chính phủ hai nước Đức - Pháp nhằm kết hợp tư vấn chuyên môn và cung cấp tài chính hỗ trợ các nước đối tác nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và thúc đẩy đầu tư xanh. 

công trình xanh, xây dựng, kiến trúc, giảm phát thải, công trình hiệu quả năng lượng
Bộ Xây dựng và GIZ ký Bản ghi nhớ hợp tác Chương trình nhà ở xanh Việt Nam 2021 - 2025. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Tại Việt Nam, PEEB muốn đẩy mạnh xây dựng và đầu tư các chương trình nhà ở xanh và tòa nhà thương mại quy mô lớn, khuyến khích ngân hàng thương mại trong nước phát triển sản phẩm tín dụng xanh cho chủ đầu tư, khách mua nhà và nhà cung cấp thiết bị, vật liệu xanh. Một trong những điểm then chốt của chương trình này là góp phần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công trình nhà ở tại Việt Nam. 

Theo đó, trong khuôn khổ chương trình PEEB, chương trình Nhà ở xanh Việt Nam sẽ được xây dựng, triển khai nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong phân khúc nhà ở giá thấp. Đây là phân khúc đang chứng kiến sự lệch pha cung - cầu tại Việt Nam khi nguồn cung hạn chế còn nhu cầu nhà ở bình dân lại rất lớn.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm sau khi hoàn thành mục tiêu của chương trình Nhà ở xanh Việt Nam, các chung cư có thể tiết kiệm 15,8 nghìn tỷ đồng tiền điện. 

Mới đây, ngày 4/11/2021, vấn đề giảm phát thải carbon trong xây dựng - kiến trúc cũng đã được đề cập và chia sẻ trong Tọa đàm trực tuyến “Kiến trúc bền vững - Vì một tương lai không carbon” nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam 2021 do Tạp chí Kiến trúc tổ chức. Tọa đàm đã nhận về sự quan tâm, chú ý của giới đầu tư, xây dựng và kiến trúc sư tại Việt Nam. 

Trọng tâm của tọa đàm tập trung chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp, kiến trúc sư trẻ tại Việt Nam về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng cho thị trường ngành xây dựng thông qua đổi mới sáng tạo thiết kế kiến trúc và vật liệu xây dựng. 

Theo ông Christopher Hoeh - Chuyên gia đến từ Royal HaskoningDHV - công ty tư vấn kỹ thuật toàn cầu, Việt Nam còn nhiều cơ hội để giải quyết bài toán bền vững trong xây dựng. Đây là thời điểm để giới kiến trúc, xây dựng chú ý hơn tới các xu hướng bền vững như ứng dụng vật liệu nguồn gốc sinh học, vật liệu thép, bê tông có thể tái chế.

Trên thế giới, nhiều lộ trình giảm phát thải carbon trong ngành xây dựng và kiến trúc đã được vạch ra rõ ràng, cụ thể, bắt đầu từ hiện thực hóa thiết kế kiến trúc bền vững đến cải tiến công nghệ vật liệu. Theo Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của Ủy ban châu Âu, đổi mới trong công nghệ vật liệu xây dựng có thể giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất và xử lý vật liệu xây dựng gây ra. 

Như vậy, trong 30 năm hướng tới nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0, lĩnh vực xây dựng và kiến trúc sẽ phải có những bước chuyển mình ngay từ khâu khai thác và sử dụng nguyên vật liệu cho đến những khâu cuối cùng hoàn thành một công trình. Hay nói cách khác, xây dựng - kiến trúc sẽ phải thể hiện vai trò của mình để đóng góp vào mục tiêu chung, không chỉ của một quốc gia mà còn của toàn nhân loại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top