TS. Phan Hữu Thắng, Giám đốc cấp cao GIBC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sụt giảm năm 2020 - 2021 do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại toàn cầu.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian gần đây?
TS. Phan Hữu Thắng: Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 không chỉ làm suy giảm kinh tế toàn cầu mà kinh tế Việt Nam cũng đang chịu thiệt hại nặng nề. Mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong đó có đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 đều ghi nhận sự sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I/2020 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng kí đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng kí so cùng kỳ năm trước nhờ vào một dự án đầu tư mới có quy mô lớn 4 tỷ USD tại Bạc Liêu là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng. 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng kí điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD giảm 18%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây khó khăn cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù Việt Nam đã và đang đưa ra các biện pháp và chính sách quyết liệt về kinh tế để giảm thiểu tác động của đại dịch, nhưng do dòng vốn đầu tư toàn cầu và thương mại, xuất nhập khẩu quốc tế suy giảm, nên vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới vào Việt Nam trong năm 2020 sẽ giảm sút.
Nếu có thêm dự án quy mô lớn tỷ đô như dự án ở Bạc Liêu, sự sụt giảm trong thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020 sẽ bớt đi. Song điều này còn phụ thuộc vào các giải pháp riêng về đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong các tháng trước mắt.
Không chỉ làm giảm vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, dịch Covid-19 cũng đang khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ - chiếm đến hơn 80% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài chịu các tác động tại Việt Nam như các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn chịu tác động bởi kinh tế, đầu tư, thương mại từ chính quốc, nơi các tập đoàn, công ty mẹ cũng đang gặp khó khăn trong đầu tư để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, do chính sách hạn chế đi lại và dừng cấp giấy phép lao động từ các nước có dịch, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều đang hiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp người nước ngoài cho việc hoạt động.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều doanh nhiệp còn khó khăn do việc thông quan hàng hóa vẫn còn chậm trễ. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm, sản xuất đình trệ. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động.
PV: Theo ông, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ theo xu hướng nào trong thời gian tới?
TS. Phan Hữu Thắng: Trước tác động của đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải điều chỉnh lại chương trình, kế hoạch đầu tư của họ ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Điều dễ nhận thấy là tổng vốn đầu tư toàn cầu do tác động của đại dịch này sẽ sụt giảm. Các nước phát triển hiện đang là nguồn cung cấp chính lượng vốn đầu tư toàn cầu đang phải tìm các giải pháp để duy trì năng lực của nền kinh tế để có thể phục hồi trong thời gian sớm nhất.
Trong xu thế giảm chung trên toàn cầu, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy vậy, chúng ta vẫn có những đặc thù riêng giúp đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ chỉ giảm sút nhẹ hơn so với nhiều nước khác.
Cụ thể, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về phòng chống dịch Covid-19 khi số người mắc bệnh được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ số người được chữa khỏi cao và đặc biệt là chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh.
Việt Nam đã rất thành công trong phòng chống dịch, bảo vệ tốt cộng đồng xã hội, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam. Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt khó, trong đó bao gồm cả các doanh nghệp đầu tư nước ngoài.
Việc làm này đã làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ thấy không bị bỏ rơi trong lúc khó khăn. Sau đại dịch, khi việc đi lại không bị hạn chế, các kế hoạch đầu tư bị tạm hoãn sẽ được khởi động lại, các nhà đầu tư dù có thận trọng hơn trong lựa chọn địa điểm đầu tư an toàn nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Thành công trong phòng chống dịch Covid-19, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong lúc khó khăn đối với các doanh nghiệp, cũng sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị - xã hội của Việt Nam vẫn đang giữ ổn định. Kinh tế dù đối mặt với khó khăn trong đại dịch Covid nhưng vẫn có mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, các yếu tố như thị trường tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người tăng, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài được công bố rõ ràng, cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển, vị trí địa lý cũng thuận lợi, tài nguyên về đất đai và nguồn lực lao động… cũng sẽ là thế mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
PV: Còn về khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay, theo ông, Chính phủ cần làm gì ngay lúc trong lúc này để giúp họ vượt qua?
TS. Phan Hữu Thắng: Hiện nay, nhiều chương trình hỗ trợ cho khối sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được Chính phủ triển khai và tiếp tục xem xét mở rộng thêm, không phân biệt đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là việc Chính phủ đã đang làm.
Còn đối với những khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong việc thiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp, Chính phủ cần cho phép áp dụng nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam Nam sau khi có xét nghiệm âm tính và làm việc tại khu cách ly do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát như trường hợp của Tập đoàn Samsung. Đồng thời, cần cho phép các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam được gia hạn giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật cần thiết, xem xét giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án có khó khăn do Covid-19, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án.
Bên cạnh đó, cần phối hợp thực thi các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay, gia hạn thời gian nộp thuế.
Đây có lẽ là cũng là thời điểm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần chia sẻ với Việt Nam. Việt Nam đã không bỏ các doanh nghiệp ở phía sau trong lúc khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần cố gắng chống chọi với Covid-19 trong lúc này để phục hồi và tăng trưởng sản xuất kinh doanh ngay sau đại dịch được chấm dứt.
PV: Nhìn lại lịch sử đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua, ông có thể đưa ra dự báo khi nào hoạt động kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được bình ổn?
TS. Phan Hữu Thắng: Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một tổ chức, nhà nghiên cứu nào đưa ra được dự báo khi nào đại dịch toàn cầu coronavirus chấm dứt và liệu có bùng phát trở lại không. So sánh với sự suy thoái thông thường của một nền kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 mạnh hơn và gây xáo trộn nhiều hơn nhưng lại mới xuất hiện trong thời gian rất ngắn.
Một số quốc gia phát triển mới chỉ đưa ra dự báo về đỉnh điểm của dịch bệnh này. Còn sau đó nó sẽ rơi nhanh theo chiều thẳng đứng hay chiều dốc thì vẫn là một câu hỏi.
Quay trở lại với vấn đề đang trao đổi về đầu tư nước ngoài, trong suốt hơn 30 năm vừa qua, Việt Nam đã có một giai đoạn suy giảm kéo dài từ năm 1997 đến năm 2000 do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ giữa năm 1997. Ngay trong năm 1997 vốn FDI vào Việt Nam chỉ còn bằng gần 50% của năm trước đó, đến năm 1998 giảm tiếp 40% so năm trước.
Năm 1999, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm và gia tăng trở lại vào năm 2000 khi nền kinh tế bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, việc so sánh giữa khủng hoảng kinh tế do khủng hoảng tài chính và do đại dịch coronavirus gây ra không thật chính xác. Việc làm này chỉ có tác dụng tham khảo khi kinh tế của nhiều đối tác hàng đầu của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị suy giảm trong hai cuộc suy thoái kinh tế này.
Dự báo về dòng vốn đăng kí đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới, tôi cho rằng, sự sụt giảm có thể sẽ kéo dài trong năm 2020 và 2021. Song, chúng ta sẽ giảm thiểu được sự sụt giảm này nếu có những giải pháp mới thiết thực đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, quản lý dự án đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, nếu Việt Nam có các giải pháp mạnh giao cho các địa phương và các bộ ngành liên quan đến giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã đăng kí nhưng chưa giải ngân hết (lũy kế đến 31/12/2019, số vốn đăng ký chưa giải ngân lên đến con số khủng 154,2 tỷ USD), thì dù có chịu tác động của Covid-19 Việt Nam sẽ vẫn tận dụng được cao giá trị thực của nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!