Aa

Covid-19 có phải phép thử cho kiến trúc và chủ nghĩa đô thị đương đại?

Thứ Hai, 03/01/2022 - 06:03

Khi đại dịch Covid-19 kết thúc hoặc chuyển sang giai đoạn đặc hữu, quy hoạch và kiến trúc đô thị sẽ phải trải qua những thay đổi để thích nghi trong thế giới “bình thường mới”.

Đầu năm 2021, tạp chí Emerald Insight đã công bố một nghiên cứu có tên “The new normal or the forgotten normal: Contesting Covid-19 impact on contemporary architecture and urbanism” (Tạm dịch: Bình thường mới hay bình thường lãng quên: Phép thử Covid-19 đến kiến trúc và chủ nghĩa đô thị đương đại). 

Tác giả của nghiên cứu này là ông Ali A. Alraouf, kiến trúc sư, nhà quy hoạch và thiết kế đô thị, đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghệ thuật và Chủ nghĩa đô thị thuộc Đại học HBK, Qatar. Nghiên cứu đã đặt ra những câu hỏi về việc có thể tiếp cận Covid-19 như một cơ hội thử thách khả năng ứng phó thiên tai và phục hồi của các thành phố, đồng thời tìm kiếm một “mô hình đô thị kháng dịch” trong tương lai. 

Theo phát biểu của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại họp báo ngày 20/12/2021 ở Geneva (Thụy Sĩ), năm 2022 phải là năm con người kết thúc đại dịch Covid-19 bởi chúng ta đã có đủ các công cụ về y tế, sinh học, công nghệ để chống lại nó. 

Nhìn rộng hơn, điều đó có nghĩa là, sau 2 năm đại dịch hoành hành, con người sẽ phải tiến tới một thời kỳ mới, thích nghi với những ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch hay sống trong trạng thái “bình thường mới”. 

Như vậy, vấn đề đặt ra với kiến trúc và chủ nghĩa đô thị đương đại là: Những bài học từ đại dịch sẽ đem đến sự chuyển đổi nào trong văn hóa đô thị? Quy hoạch và thiết kế sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi đó như thế nào để vừa giữ được những giá trị có ích, vừa cải thiện những bất lợi và điểm yếu? 

Hơn hết, Giáo sư Ali A. Alraouf còn nhận định, trạng thái “bình thường mới” của xã hội đô thị mà chúng ta luôn phổ biến trong đại dịch, không cần thiết phải là một trạng thái hoàn toàn mới, hoàn toàn khác và đảo lộn mọi thứ. Nó chỉ nên là một trạng thái mà ở đó, kiến trúc và quy hoạch đô thị kích hoạt lại những đặc điểm và phẩm chất đã có, với tôn chỉ đặt con người và cộng đồng là trung tâm. 

Quy hoạch đô thị gắn liền với cộng đồng bền vững

Trong hàng trăm năm qua, đô thị hóa đã đưa con người đến một không gian sống mới. Tuy nhiên, Giáo sư Ali A. Alraouf đặt ra câu hỏi, liệu tốc độ đô thị hóa đáng kinh ngạc đó có thực sự khiến con người sống tốt hơn và sống khỏe mạnh hơn không? 

Covid-19 có thể trở thành minh chứng rõ ràng cho câu trả lời “không”, bởi trong 2 năm qua, những thành phố chật hẹp với mật độ dân số dày - cũng có nghĩa là đa số những thành phố đông đúc, phồn hoa, phải đối mặt ngay lập tức với một cuộc khủng hoảng bất bình đẳng giai cấp, thiếu không gian, quá tải dịch vụ cơ bản cho đời sống của con người như y tế, thực phẩm…

covid-19, kiến trúc, chủ nghĩa đô thị, chủ nghĩa đương đại
Ảnh minh họa

Điều này cũng liên kết với một vấn đề mà thế giới phải đối mặt trong sự phát triển của nền văn minh, đó là phát triển không bền vững. Có nghĩa là các giá trị kinh tế càng tăng, sản xuất và lưu thông hàng hóa càng nhiều, công nghệ càng lớn mạnh thì môi trường tự nhiên càng bị ảnh hưởng, xã hội con người càng nảy sinh những vấn đề nhức nhối và tính cá nhân bị hạn chế. 

Phát triển không bền vững thể hiện trong kiến trúc và quy hoạch đô thị thông qua việc xây dựng hạ tầng vật chất như cầu đường, bệnh viện, trường học, công viên… chồng chéo và không có sự phân chia cụ thể. Nó không thực sự tập trung vào xây dựng cộng đồng xung quanh, mà tập trung vào giải quyết một số vấn đề nổi cộm trước mắt. 

Tác giả Ali A. Alraouf viết: “Đại dịch đã trở thành nhân tố xác nhận cho con người rằng quy hoạch đô thị không phải chỉ cần tập trung vào những thành tố vật lý của nó, mà còn phải quan tâm đến sự liên kết giữa thành phố và cư dân”. Hay nói cách khác, hạ tầng vật chất không phải thứ quyết định đâu là đô thị đáng sống mà là sự quan tâm và đề cao giá trị con người được thể hiện trong thiết kế của thành phố ấy. 

Từ đó, trạng thái “bình thường mới” của kiến trúc và quy hoạch đô thị không phải là một lớp kiến trúc hay một dạng quy hoạch mới tinh. Đó cần là trạng thái thay đổi cách tiếp cận trong thiết kế đô thị, tập trung vào yếu tố con người, linh hoạt công năng của hạ tầng vật lý và tăng cường khả năng phục hồi, phát triển bền vững của thành phố. 

Ông Esteban Leon, người đứng đầu chương trình toàn cầu về Khả năng phục hồi đô thị của Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cho rằng, những lợi ích từ một thành phố được quy hoạch tốt sẽ phải bao gồm thời gian di chuyển nội đô ngắn, không khí sạch, ít tiếng ồn cũng như ít tiêu thụ năng lượng và nhiên liệu. 

Do đó, ngày nay, nhiều học giả ủng hộ chủ nghĩa đô thị mới cùng với mô hình “thành phố 15 phút”. Theo đó, con người sẽ được đặt vào vị trí trung tâm của quy hoạch, sao cho họ có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và cộng đồng chỉ với một vài phút di chuyển. Phương tiện di chuyển chủ yếu cũng là xe đạp, phương tiện công cộng và loại bỏ hoàn toàn vai trò của ô tô cá nhân. 

covid-19, kiến trúc, chủ nghĩa đô thị, chủ nghĩa đương đại
Mô hình thành phố 15 phút. (Nguồn: CNU)
kiến trúc, covid, chủ nghĩa đô thị đương đại
Sự chuyển dịch sang mô hình thành phố thu gọn (phải) khi không gian sống, làm việc và giải trí của con người được sắp xếp đan xen, lấy con người là trung tâm và cho phép di chuyển nhanh chóng bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Chủ nghĩa đô thị mới cũng chỉ ra những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường khi con người chủ yếu di chuyển bằng xe đạp và thành phố sẽ được phân chia thành các “làng đô thị” - các tiểu vùng có đầy đủ hạ tầng phục vụ đời sống của cư dân, liên kết với nhau dễ dàng bằng hệ thống giao thông cao cấp. 

Một trong những thành phố đã ứng dụng mô hình “thành phố 15 phút” thành công và trở thành một trong những đô thị bền vững nhất thế giới là Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Quận Nordhavn của Copenhagen đã quy hoạch hạ tầng đường bộ chủ yếu dành cho xe đạp và hơn hết, chính quyền còn phát triển được văn hóa xe đạp trong cộng đồng cư dân, giúp thành phố giảm tối đa phát thải khí gây ô nhiễm. Hệ thống tàu điện ngầm liên kết các vùng trong thành phố cũng được xây dựng hiện đại, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dân, từ đó, thành phố càng có cơ sở để thu hẹp đường dành cho ô tô và giảm số lượng ô tô cá nhân. 

covid-19, kiến trúc, chủ nghĩa đô thị, chủ nghĩa đương đại
Copenhagen nổi tiếng với văn hóa đi xe đạp và đang dần hoàn thiện hệ thống giao thông bền vững, không phát thải hàng đầu thế giới. (Ảnh: Getty)

Tóm lại, khi đô thị tập trung vào con người và liên kết hạ tầng với nhu cầu của con người, không phân biệt khu vực, giai cấp, địa vị, đồng thời hướng con người đến một lối sống bền vững, thì có nghĩa là đô thị ấy có đủ khả năng chống lại một đại dịch lớn. Sức mạnh của đô thị do cộng đồng của nó quyết định, chứ không phải bất cứ hình thái vật chất hay lợi nhuận kinh tế nào mà nó sở hữu. 

Đổi mới tư duy trong quy hoạch không gian công cộng 

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, những không gian công cộng như công viên, rạp chiếu phim, quảng trường, nhà hát, di tích lịch sử, du lịch… phải đóng cửa liên tục. Đây là những nơi luôn phải đóng cửa trước và mở cửa sau cùng mỗi khi có làn sóng dịch bệnh mới. 

Không thể phủ nhận, nhu cầu văn hóa, giải trí và giao tiếp xã hội của con người là một nhu cầu tự nhiên và trở nên mạnh mẽ hơn sau thời gian dài phải cách ly tại nhà. Vậy, trạng thái “bình thường mới” của những không gian công cộng sẽ như thế nào, để vừa đáp ứng được nhu cầu của con người, vừa đảm bảo tính an toàn và khoảng cách vật lý cần thiết?

Linh hoạt trong sử dụng không gian công cộng và cá nhân hóa có thể là những phương án hiệu quả. Không gian công cộng có thể có thêm những chức năng khác và có tính chủ động hơn. 

Một nghiên cứu của UN-Habitat có tên “Public space and Covid-19” (Tạm dịch: Không gian công cộng và Covid-19) đã nhận định, để thích ứng với đại dịch, không gian công cộng cần trở nên thích ứng và đa chức năng. Ví dụ, bãi đậu xe có thể trở thành chợ tạm cung cấp thực phẩm cho khu vực phong tỏa, những không gian nhỏ trong khu phố có thể trở thành trung tâm y tế dự phòng…

covid-19, kiến trúc, chủ nghĩa đô thị, chủ nghĩa đương đại
Bệnh viện dã chiến xây dựng trong hội trường, sân vận động, nhà thi đấu… là mô hình được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia khi số ca mắc Covid-19 leo thang. (Ảnh: Kuow Photo)

Điều đó có nghĩa là, mỗi khu vực cộng đồng cần một không gian chung linh hoạt, đa chức năng. Kéo theo đó, quy hoạch không gian công cộng đô thị sẽ không nên ưu tiên những không gian lớn, cồng kềnh, tính linh hoạt thấp. Thay vào đó, cần ưu tiên phân chia thành những khu vực phục vụ quy mô cộng đồng nhất định và dễ tiếp cận với mọi đối tượng. 

Như vậy, tính cá nhân của không gian công cộng cũng được tiếp cận theo 2 hướng: Cá nhân hóa không gian với một nhóm cộng đồng cụ thể và cá nhân hóa trong chính thiết kế kiến trúc của không gian công cộng. Đơn cử như việc các rạp chiếu phim hoạt động trong làn sóng dịch bệnh buộc phải hạn chế số ghế và sắp xếp khách ngồi giãn cách. Hay các công viên cũng phải dừng khai thác một số địa điểm tụ tập đông người, đồng thời chỉ cho phép sử dụng 50% ghế ngồi công cộng. 

Về lâu dài, trạng thái cá nhân trong không gian công cộng sẽ được duy trì và thể hiện trực tiếp qua những cải thiện về mặt thiết kế. Những tính toán để duy trì công năng của không gian công cộng cùng với việc giãn cách vật lý giữa người với người sẽ đi cùng với thiết kế đô thị trong tương lai. 

covid-19, kiến trúc, chủ nghĩa đô thị, chủ nghĩa đương đại
Mô hình đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng kiến trúc cho thời kỳ hậu Covid-19 của thành phố Seoul có tên “The Invisible Mask” (Mặt nạ vô hình) nhằm biến không gian công cộng trở nên xanh hơn và cá nhân hơn. (Nguồn: Archdaily)

Tương lai thế giới trong thời kỳ hậu Covid-19 hẳn sẽ còn kéo theo nhiều vấn đề cần bàn luận, nhất là trong bối cảnh khó lường của biến chủng mới. Hơn hết, nếu việc tiếp cận dịch bệnh, biến đổi khí hậu hay hiểm họa tự nhiên nằm trong quy luật khách quan của sự vận động và phát triển, hoặc đó là những hậu quả tất yếu mà con người phải gánh chịu trong quá trình tiến hóa và xây dựng nền văn minh, thì con người không thể không thay đổi cách sống và cách tổ chức đời sống. 

Kiến trúc và quy hoạch đô thị cần phải tiến gần hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững trước khi con người rơi vào một vòng luẩn quẩn của tiến bộ khi xã hội càng hiện đại thì càng có nhiều hiểm họa. Có thể khi dịch bệnh chuyển sang giai đoạn đặc hữu - là giai đoạn sống chung với virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu, đô thị hóa cũng sẽ chuyển sang một giai đoạn mới với sự thay đổi và chuyển hóa từ bên trong./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top