Aa

Covid-19 khiến kinh tế chao đảo, chủ mặt bằng cho thuê qua thời "hét giá"

Thứ Hai, 09/03/2020 - 16:36

Lãnh đạo một công ty môi giới cho biết, hiện nhiều người ký gửi cho thuê mặt bằng nhưng rất khó tìm được người thuê nếu giá thuê cao. Nếu không giảm thì phải chấp nhận để trống mặt bằng.

Cảnh vằng vẻ tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: N.Mạnh.

Bất động sản cho thuê ngấm đòn Covid-19

Theo ghi nhận của PV, vừa qua nhiều cửa hàng tại Hà Nội đã phải tạm nghỉ, sang nhượng mặt bằng hay thậm chí phải đóng cửa do giá tiền thuê mặt bằng cao, trong khi lượng khách mua hàng giảm mạnh vì dịch Covid-19.

Tại một số trung tâm thương mại, do người dân hạn chế đi lại chốn đông người để phòng chống lây lan dịch bệnh khiến các khu vực mua sắm, ăn uống thường ngày diễn ra sôi động, tấp nập, nay lại vô cùng vắng vẻ.

Quán trà sữa tại một trung tâm thương mại thuộc quận Hà Đông - Hà Nội vắng hiu hắt dù vào ngày cuối tuần. Ảnh: N.Mạnh

Không chỉ ở khu vực Hà Nội, TP.HCM cũng chịu cảnh tương tự. Theo thống kê của một đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị trong đợt dịch Covid-19 giảm tới 40 - 50% so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%.

Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu cũng lao dốc không phanh.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay, quay vòng lãi suất... để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, ngay đối với một doanh nghiệp lớn như Tổng công ty May 10 với 250 điểm kinh doanh trên cả nước cũng đang “oằn mình" với các khoản chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó có tiền thuê mặt bằng.

Ông Thân Đức Việt – Phó Tổng Giám đốc May 10 cho rằng, đây là lúc chủ sở hữu mặt bằng kinh doanh cần hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trong việc giảm chi phí mặt bằng, cùng nhau vượt qua lúc khó khăn.

Điều đáng quan tâm, khá nhiều chuyên gia đã lên tiếng việc giá mặt bằng tại Việt Nam bị đẩy lên khá cao. Người kinh doanh có lẽ nay "khó chồng khó" khi ế ẩm vì dịch bệnh lại cộng thêm giá thuê mặt bằng quá cao.

Theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, trong năm 2019, mặt bằng nhà phố kinh doanh luôn có giá thuê tăng cao vượt giá bán.

Cụ thể, khu vực quận 1, TP.HCM, trong năm 2019 nếu giá bán chỉ tăng trung bình tầm 7 - 8% thì giá thuê tăng hơn 35%. Tương tự, các địa bàn khác như quận 3, quận 10, quận 7 giá nhà phố tăng trung bình tầm 15 - 25% trong khi giá cho thuê có nơi tăng từ 20 - 30%. Một số tuyến đường lớn, sầm uất còn ghi nhận mức tăng gần 50%.

Không chỉ các khu vực mặt tiền đường lớn, mặt bằng cho thuê tại nhiều tuyến đường phụ cũng tăng 15 - 20%.

Khu vực này trước đây là hai gian hàng bán đồng hồ và đồ lưu niệm. Mới đây hai gian hàng này đã được dọn đi, hiện vẫn chưa có hộ kinh doanh nào khác thay thế. Ảnh: N.Mạnh.

Theo nhận định của Batdongsan.com.vn, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu về mặt bằng thương mại ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, nhiều chủ nhà cũng “té nước theo mưa”, tăng giá thuê khi thấy giá bất động sản tăng trong thời gian qua. Tình trạng này khiến nhiều người kinh doanh phải hoàn trả mặt bằng vì không thể cân đối bài toán thu chi.

Mặt bằng kinh doanh bước vào đợt giảm giá

Trong bối cảnh các chủ hộ kinh doanh “oằn mình" chống trọi với những khó khăn mùa dịch, nhiều doanh nghiệp sở hữu bất động sản cho thuê đã chủ động giảm giá cho thuê mặt bằng để cùng vượt khó.

Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh tuyên bố giảm giá thuê mặt bằng cho đến tháng 4, áp dụng tại 2 trung tâm thương mại tọa lạc tại TP.HCM gồm Moonlight Plaza, quận Thủ Đức, Saigon Mia, huyện Bình Chánh và một địa điểm nữa là Vung Tau Melody tại TP. Vũng Tàu. Mức giảm sẽ tuỳ từng đối tượng, nhưng dao động khoảng từ 20 - 40%.

Một chủ doanh nghiệp bất động sản cho thuê lớn cho biết, đã đến lúc giá thuê mặt bằng phải được giảm xuống, chúng ta phải lùi lại một bước để tiến lên nhanh hơn. Nếu ai cũng tạo lợi nhuận cho mình bằng chính khó khăn của người khác thì xã hội sẽ thiệt hại nhiều hơn nữa.

Kinh doanh ế ẩm, hàng loạt cửa hàng ở Hà Nội đóng cửa trả mặt bằng.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, dù chưa phổ biến nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở TP.HCM cũng đã chủ động giảm 20 - 30% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019. Việc giảm giá mạnh như trên đa phần đến từ các đối tác thuê dài hạn, khách thuê quen thuộc. Với những mặt bằng mới bị trả lại, chủ nhà chỉ giảm 10 - 20% cho khách thuê mới.

Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng hoạt động giảm giá này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi thị trường khó khăn chứ không tác động lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo một công ty môi giới cho biết, hiện nhiều người ký gửi cho thuê mặt bằng nhưng rất khó tìm được người thuê nếu giá thuê cao. Nếu không giảm thì phải chấp nhận để trống mặt bằng. Vì vậy nhiều chủ nhà sẽ chấp nhận thương lượng giảm giá thuê tạm thời, có thể là chia sẻ gánh nặng với người thuê hay tránh để phí mặt bằng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top