Covid-19 và câu chuyện về chiếc khẩu trang phòng dịch
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có hàng triệu người dân Việt Nam. Những chiếc khẩu trang y tế trước đây chẳng mấy người quan tâm bất chợt trở thành món hàng “xa xỉ” khó mua hơn bao giờ hết.
Lời tòa soạn:
Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc) cũng là thời điểm người dân Việt Nam đang chuẩn bị tất bật đón Tết cổ truyền.
Ngày 6/1 âm lịch (30/1 dương lịch) Việt Nam ghi nhận 3 ca dương tính đầu tiên. Bình thường, ngày đầu tiên người dân cả nước quay trở lại đi làm sau kỳ nghỉ dài sẽ vô cùng vui tươi, chúc tụng nhau hay chọn đi lễ chùa nhưng năm nay nhiều người lại đổ đi... mua khẩu trang.
Trong các ngày 6- 7 Tết, người dân đổ đến khắp nơi mua khẩu trang với giá cao gấp nhiều lần
Mỗi hộp khẩu trang y tế ngày hôm đó được các hiệu thuốc, cửa hàng bán với giá cao hơn bình thường vài chục nghìn đồng. Có người do may mắn hoặc nhanh chân nên vẫn mua được bằng giá niêm yết như trước đây khoảng 60.000 đồng/hộp/50 chiếc. Nhưng, ít ai ngờ rằng giá mỗi hộp khẩu trang y tế lại bị các tiểu thương, quầy thuốc đẩy dần lên 150.000 – 200.000 đồng/hộp vào chiều và tối cùng ngày.
Ngay hôm sau, chính thức diễn ra “cuộc chiến” tranh giành khẩu trang y tế. Các tiệm thuốc đều “hét” giá khẩu trang từ 250.000 - 300.000 đồng/hộp. Thậm chí, có hiệu thuốc bán với giá 500.000 đồng/hộp. Khó có thể tưởng tượng ra cảnh tranh nhau mua khẩu trang giá 250.000 đồng/hộp tại khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức, khu vực bệnh viện K hay tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico lại kinh hoàng như vậy.
Hàng trăm người từng chen nhau mua khẩu trang gây ra cảnh hỗn loạn tại chợ thuốc Hapulico
Trước nay, người dân vẫn có thói quen dùng khẩu trang, nhưng chỉ là khẩu trang vải thông thường. Khẩu trang y tế ít người dùng hơn và thực tế có gia đình cả năm mới dùng hết 1 hộp trong trường hợp vào bệnh viện hay di chuyển đến những nơi cần thiết. Nhưng cũng chính từ thời điểm này, mặt hàng vốn ít người quan tâm bất chợt trở thành “xa xỉ” hơn bao giờ hết. Nhiều người còn đùa vui rằng: “Lì xì đồng nghiệp chục khẩu trang còn quý hơn cả tiền trăm”.
Ngay sau khi báo chí và dư luận phản ánh về tình trạng khan hiếm khẩu trang và hàng loạt nhà thuốc, cơ sở kinh doanh mặt hàng này tăng giá vô tội vạ khiến người dân vô cùng bức xúc, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương nhiều tỉnh thành đã đồng loạt vào cuộc.
Từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2, hàng trăm nhà thuốc, hàng trăm đơn vị đã bị lực lượng QLTT phối hợp cùng nhiều lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cũng như xử phạt nặng với hành vi không niêm yết, tăng giá vô tội vạ mặt hàng này.
Người dân tham gia một sự kiện mua sắm bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cả nước cũng chung tay đẩy lùi, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sản xuất khẩu trang khi không được cấp phép. Thậm chí, một cơ sở tại Hà Nội đã bị bắt quả tang khi sản xuất khẩu trang bằng… giấy vệ sinh. Hay “man rợ” hơn khi một cơ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc bị phát hiện khi thu gom 600kg khẩu trang đã qua sử dụng với mục đích xấu.
Sáng ngày 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và ban, ngành về thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
“Thay mặt Thủ tướng, tôi chỉ đạo, không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang. Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Năng suất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Bộ Công Thương phối hợp Bộ Y tế theo dõi tình hình thị trường cung cầu trong nước về khẩu trang, nước sát trùng, nước súc miệng; đôn đốc tăng cường sản xuất khẩu trang y tế, ưu tiên thị trường trong nước, quyết liệt xử lý nghiêm tình trạng chống găm hàng, đầu cơ, thu lợi bất chính.
Ngoài ra, trước việc một số cửa hàng y tế tăng giá bán khẩu trang, lực lượng chức năng của Bộ đã kiểm tra, xử nghiêm, yêu cầu quay trở lại đúng giá bán.
Người dân bình tĩnh xếp hàng mua khẩu trang vải giá 7.000 đồng/chiếc tại cửa hàng của Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân
Trong một diễn biến khác, các đơn vị sản xuất thời trang trong nước cũng nhanh chóng nhập cuộc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Cụ thể, như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã nghiên cứu sản xuất loại khẩu trang vải kháng khuẩn. Đặc biệt, loại khẩu trang vải này có thể giặt đến 30 lần và tái sử dụng nhiều lần. Điều đó phần nào giúp “giải khát” cho người dân Hà Nội trong lúc thiếu khẩu trang.
Thực tế cho thấy, đầu tháng 2, khi đơn vị chính thức cho ra mắt sản phẩm khẩu trang này cũng đã khiến thị trường phần nào dịu hơn. Lượng hàng sản xuất không kịp nên chỉ bán với số lượng nhỏ giọt. Rất nhiều người phải đứng xếp hàng từ 30 - 40 phút mới có thể mua được 5 chiếc khẩu trang với giá chỉ 7.000 đồng/chiếc. Dù phải xếp hàng nhưng thời điểm đó không người dân nào kêu ca, phàn nàn mà vui vẻ chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.
Tính đến ngày 6/3, tức đã hơn 20 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới và toàn bộ 16 bệnh nhân cũng được các bác sĩ tuyến đầu chữa trị thành công. Nhưng, tối cùng ngày cả nước chính thức bước vào giai đoạn thứ 2 trong hành trình đẩy lùi Covid-19 khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 trú tại phố Trúc Bạch (Ba Đình - Hà Nội) dương tính.
Không ít người thiếu hiểu biết đã đổ đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ trong đêm vào sáng ngày 7/3. Nhiều người ví von việc đổ đi mua lương thực dự trữ hệt như tranh nhau xô đẩy mua khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico hồi giữa tháng 2. Lập tức việc này được các Bộ, ban, ngành trấn an bằng việc cam kết đảm bảo đủ hàng hóa cho người dân.
Đến sáng ngày 8/3, hàng hóa, lương thực thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh lại đầy ắp. Tất cả đều không thiếu.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam cũng ghi nhận thêm những ca nhiễm mới. Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài bằng mọi biện pháp, toàn dân sẽ phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người.
Người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng
Ngày 24/3, UBND TP HCM ra văn bản khẩn gửi các sở, ngành về việc tạm ngừng các hoạt động giải trí trên địa bàn trong thời gian dịch. Cụ thể, các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp phải tạm ngừng hoạt động từ 18h ngày 24/3.
Ngay sau đó 1 ngày, chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, còn lại đều phải đóng cửa. Dù thiệt hại về kinh tế không ít nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị chấp nhận để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Cũng theo ông Chung, mọi người ra đường phải giữ khoảng cách từ 2 – 3m và phải đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau vài tuần, con số này đã tăng chóng mặt. Cụ thể, ngày 11/3, Mỹ có 994 người nhiễm, 18/3 có hơn 6.000 người nhiễm và ngày 31/3 là 145.099 người mắc, 2.608 người tử vong. Mỹ tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California vào ngày 22/3 khi đã quá muộn, lẽ ra nên đóng cửa bang vào 12/3 khi số ca dưới 1.000.
Mỹ có đặc điểm chung như các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý là không có thói quen đeo khẩu trang ra đường dù đang có dịch, không hạn chế tiếp xúc, hoạt động đông người khi đã có dịch quy mô nhỏ nên tốc độ lây nhiễm ở giai đoạn từ 1.000 lên hàng chục ngàn người nhiễm rất nhanh, hoàn toàn bất ngờ với nhiều người.
Trong khi đó, tính đến đầu giờ sáng ngày 31/3, Việt Nam mới có 203 người bị nhiễm và số ca tử vong bằng 0. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy, các cấp chính quyền Việt Nam, từ trung ương đến địa phương đã kịp thời chỉ đạo và có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với dịch Covid-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.
Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo, tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh. Những du khách ngoại quốc - đối tượng không có thói quen đeo khẩu trang nhưng ít lâu sau cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh.
Chị Minh Hường (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “Đeo khẩu trang thời điểm này là cần thiết và giúp phòng ngừa dịch bệnh. Khẩu trang hệt như một lá chắn bảo vệ miệng, mũi tránh virus cũng như dịch bệnh, chính vì vậy bản thân tôi và tất cả các thành viên trong gia đình đều vui vẻ thực hiện”.
Khẩu trang có tầm quan trọng đến mức tại chung cư nọ, khi 2 mẹ con bước vào thang máy phát hiện một người đàn ông không thực hiện đeo khẩu trang, lập tức 2 mẹ con bước ra đồng thời phê phán sự việc lên group cư dân.
Đến thời điểm hiện tại khẩu trang không thiếu, nhưng đâu đó giá vẫn cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, ngoài loại khẩu trang y tế các đơn vị cũng cung cấp các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường người dân có thể mua tại nhiều nơi.
Chỉ cần bước ra đường những ngày này, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người người đeo khẩu trang. Đây cũng là một trong những tín hiệu vui, là minh chứng cho việc tự phòng ngừa, tự bảo vệ cho bản thân mỗi người. Theo lời PGS.TS Trần Đắc Phu (Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) từng nói: “Bảo vệ cho bản thân cũng là bảo vệ cho xã hội”.
Dù cuộc chiến chống dịch vẫn còn cam go, chúng ta lạc quan nhưng không chủ quan, tin tưởng vào sự chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng thì chắc chắn sẽ vượt qua được đại dịch.