Aa

CPTPP chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 09/03/2018 - 14:00

Sau nhiều lần trì hoãn và mong đợi, rạng sáng ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile. Đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đã tham gia lễ ký.

Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Tại sự kiện ký kết CPTPP, Bộ trưởng 11 nước thành viên cũng đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm, các bên tuyên bố ký và khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ thực hiện các thủ tục trong nước để nhanh chóng thông qua Hiệp định, làm sao đưa Hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Và cuối cùng, CPTPP là Hiệp định mở, các Bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định, ngay cả Mỹ.

11 nước tham gia ký kết HIệp định CPTPP tại Chile

11 nước tham gia ký kết HIệp định CPTPP tại Chile

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất sáu quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiệp định bao gồm 30 Chương và đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước,...

Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Theo Tổng thống Chile Bachelet, các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh Mỹ trở lại nhưng Washington sẽ phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định sửa đổi. Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nhận định, triển vọng Mỹ quay lại trong vài năm tới rất khó xảy ra và ngay cả khi Washington sẵn sàng tham gia, cũng không có gì bảo đảm rằng các thành viên khác sẽ đồng ý áp dụng trở lại những “điều khoản treo”. Trong trường hợp Mỹ tham gia CPTPP, các bên sẽ phải thể hiện sự nhượng bộ và mềm dẻo trong đàm phán.

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, trong thỏa thuận ký kết "sẽ đưa ra các quy tắc tự do và công bằng cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và Nhật Bản sẽ phê chuẩn ngay lập tức.

Sau khi phê chuẩn, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu được thực hiện để đưa các nước khác vào CPTPP. Anh, Hàn Quốc, Indonesia,... nằm trong số những nước hiện quan tâm đến việc tham gia Hiệp định. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ ra sự cởi mở để tham gia vào thỏa thuận với điều kiện Mỹ phải được hưởng lợi. Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục đóng một vai trò tương tự trong việc điều khiển sự mở rộng của Hiệp định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top