Aa

CPTPP: Cơ hội cho bất động sản cao cấp, “áp lực” cho ngân hàng nội

Chủ Nhật, 11/03/2018 - 06:00

Bất động sản sẽ nhận cú hích lớn từ làn sóng “rót tiền” của nhà đầu tư nước ngoài ở mảng khu công nghiệp làm cứ địa sản xuất, căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố hiện đại để lưu trú, resort, sân golf,...

CPTPP đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, dù vậy, một số doanh nghiệp trong nước cũng chịu áp lực khi Hiệp định này được ký kết.

CPTPP đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, dù vậy, một số doanh nghiệp trong nước cũng chịu áp lực khi Hiệp định này được ký kết.

Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile rạng sáng ngày 9/3/2018 theo giờ Việt Nam. Sau lễ ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 60 ngày kể từ khi được Quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên tham gia thông qua.

Khác với Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP có 20 nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn. Trong đó, có 11 nghĩa vụ liên quan tới sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến mua sắm Chính phủ, 7 nghĩa vụ còn lại liên quan đến quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Nhìn chung, những nghĩa vụ này được giới kinh tế đánh giá là ít có ảnh hưởng đến Việt Nam, thậm chí có 1 số nghĩa vụ, đặc biệt liên quan tới sở hữu trí tuệ, được tạm hoãn lại mang lại thuận lợi hơn cho Việt Nam so với các nước khác.

Cả World Bank và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra những dự báo khả quan về tác động của CPTPP đến GDP Việt Nam, với mức tăng trưởng thêm cho đến 2030 lần lượt là 1,1% và 1,32%. Xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng thêm 4% nhờ việc 100% các loại hàng hóa sẽ được giảm thuế về mức 0% theo lộ trình 7 năm (riêng đối với Việt Nam lộ trình có thể kéo dài 7-10 năm).

Về tác động trực tiếp của CPTPP đến hoạt động các doanh nghiệp trên sàn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá các ngành dệt may, thủy sản, logistic, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, bất động sản khu công nghiệp… là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi nhờ cơ hội xuất khẩu sang các nước đối tác trong CPTPP mở rộng, cũng như kỳ vọng vào tăng trưởng trong việc thu hút FDI của Việt Nam trong các năm tới.

Ở một góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhóm ngành được hưởng lợi đáng chú ý là Dệt may, Thủy sản, Logistic và Bất động sản.

Cụ thể, VDSC cho rằng, ngành dệt may, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia CPTPP chỉ chiếm 13% tổng giá trị sản phẩm dệt may được xuất khẩu. Thấp hơn rất nhiều so với mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ. Trong số 11 nước tham gia CPTPP, thị trường Nhật nhập khẩu nhiều sản phẩm dệt may của Việt Nam nhất, khoảng 4,1 tỷ USD tương đương 8,8%. Theo VDSC, May Việt Tiến (VGG) xuất khẩu 32% sản phẩm dệt may sang thị trường Nhật, theo sau là TCM (10%), GMC (3,7%).

Ngành thủy sản khả quan hơn khi các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu khoảng gần 2 tỷ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch. Trong đó, riêng thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Logistic cũng là ngành được VDSC đánh giá tích cực. Theo dự báo, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8% - 9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía bắc.

Bất động sản cũng được dự đoán sẽ nhận cú hích lớn từ làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, với nhu cầu lớn như khu công nghiệp làm cứ địa sản xuất, căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố hiện đại để lưu trú, resort, sân golf để thư giãn, cũng như văn phòng cho thuê.

Riêng các khu công nghiệp, VDSC cho rằng tác động sẽ không quá lớn dù Nhật Bản và Singapore là 2 trong 5 quốc gia đầu tư FDI lớn vào Việt Nam. Dưới thời TPP, sự kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ khổng lồ từ Mỹ thúc đẩy các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất. Nhưng hiện tại, khả năng những dự án này vẫn tạm hoãn và động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ 2 xu hướng gồm (1) Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và (2) Đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.

Với việc Mỹ rút khỏi hiệp định và Nghị định 126 đang khiến các nhà xuất khẩu ô tô như Toyota, Honda,…chững lại kế hoạch xuất khẩu ô tô vào Việt Nam. Các doanh nghiệp lắp ráp và/hoặc có hệ thống phân phối, bảo trì trên thị trường Việt Nam sẽ là đối tượng hưởng lợi chính.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và tài chính có thể chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Ngành nông nghiệp, sữa, mía đường và thức ăn chăn nuôi sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn khi nguồn cung từ Úc và New Zealand sẽ tham gia thị trường Việt Nam. Các sản phẩm thịt nhập ngoại tràn lan trên thị trường có chất lượng tốt hơn hẳn cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm sẽ cạnh tranh hơn khi thuế suất nhập khẩu giảm và thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền dài. Tính tới cuối năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 2,8 tỷ USD sản phẩm dược và khả năng sẽ tiếp tục gia tăng khi CPTPP được ký kết. Trong 11 nước tham gia, Nhật Bản, Canada, Mexico là những quốc gia thuộc Top 20 nước sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó còn có nguồn cung từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ khi Việt Nam đã ký FTAs song phương và đa phương.

Ðối với lĩnh vực tài chính, các định chế tài chính từ Nhật, Canada và Úc giờ đã có thể bán các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình sang Việt Nam mà không cần phải thiết lập chi nhánh hoạt động tại đây. Điều này có thể tạo nên áp lực mới cho các ngân hàng trong nước. Mặc dù nền tảng của một số ngân hàng lớn đã cải thiện và sự hỗ trợ của chính phủ nhưng nhìn chung năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính Việt Nam còn yếu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top