Aa

Cư dân biệt thự cổ 95 Trần Hưng Đạo run rẩy lo hàng xóm làm sập nhà

Thứ Sáu, 16/09/2016 - 21:31

Hàng chục hộ dân sống trong ngôi biệt thự cổ số 95 Trần Hưng Đạo (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang ngày ngày phải "sống trong sợ hãi" khi nhà số 8 + 10 Yết Kiêu và một phần căn biệt thự của họ đang bị phá dỡ để xây dựng.

Nhà cổ hơn 60 năm "run rẩy"

Căn nhà số 95 Trần Hưng Đạo thuộc dạng biệt thự cổ loại 2 và hiện nay có 10 hộ đang sinh sống. Biệt thự có tuổi thọ hơn 60 năm và giờ đã bắt đầu xuống cấp.

Theo phản ánh của các hộ dân ở đây, cách đây vài tháng chủ ngôi nhà số 8 và số 10 Yết Kiêu là bà Trần Kim Phương đã mua lại hai căn hộ trong khuôn viên ngôi nhà 95 Trần Hưng Đạo. Đến tháng 7/2016, họ bắt đầu phá dỡ cả 4 lô đất trên và tiến hành thi công xây dựng. Các hộ dân ở đây đang lo sợ việc phá dỡ này sẽ ảnh hưởng đến nhà mình, đe dọa đến tính mạng của hơn 40 nhân khẩu.

Công trình xây dựng số 8+10 Yết Kiêu

Công trình xây dựng số 8+10 Yết Kiêu

Chia sẻ với Reatimes, bà Đặng Thị Thanh, 87 tuổi, trú tại nhà số 95 Trần Hưng Đạo cho biết: “Từ khi nhà bà Phương bắt đầu thi công xây dựng, chúng tôi ở đây đã rất khổ sở vì tiếng máy móc ầm ĩ rồi bụi bẩn suốt ngày. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo sợ nhất là khi nhà số 8 + 10 Yết Kiêu thi công liệu có nguy hiểm đến tính mạng? Từ vụ sập nhà số 107 Trần Hưng Đạo rồi số 43 Cửa Bắc càng khiến chúng tôi ngày đêm thấp thỏm không yên.”

Tiếp lời bà Thanh, ông Đỗ Hà, một người dân sống ở đây cho biết: “Không chỉ vậy, chủ nhà số 8-10 Yết Kiêu còn gộp cả hai căn hộ trong khuôn viên ngôi nhà 95 Trần Hưng Đạo mà họ đã mua lại để xây dựng. Điều này càng khiến chúng tôi lo lắng. Thứ nhất, xây dựng như vậy liệu có đúng với quy định về vấn đề bảo tồn biệt thự cổ hay không? Có làm thay đổi kết cấu tổng thể của biệt thự cổ mà chúng tôi đang ở hay không? Tiếp nữa, con ngõ chúng tôi đang đi lại riêng biệt, giờ bị mở thông nên chúng tôi khá lo lắng về an ninh trật tự.”

Một phần công trình thuộc khuôn viên của biệt thự cố 95 Trần Hưng Đạo đã được quây kín

Một phần công trình thuộc khuôn viên của biệt thự cố 95 Trần Hưng Đạo đã được quây kín. 

Mộ số hộ dân ở đây đã làm đơn gửi lên UBND phường Cửa Nam mong muốn được xem giấy phép xây dựng của chủ nhà số 8+10 Yết Kiêu và yêu cầu chủ đầu tư cam kết phải đảm bảo an toàn cho họ trong quá trình thi công.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Reatimes, ông Hoàng Minh Chung, phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: “Công trình xây dựng số 8 + 10 Yết Kiêu đã có giấy phép xây dựng đầy đủ với 6 tầng, 1 tum và 1 tầng hầm. Nhà bà Phương đã mua lại 2 căn hộ, đã có sổ đỏ thuộc khuôn viên biệt thự 95 Trần Hưng Đạo chứ không phải trong biệt thự. Chính bởi vậy mà kết cấu biệt thự cổ 95 không hề bị thay đổi. Trong tuần này chúng tôi cũng sẽ làm việc với các hộ dân ở đây để giải quyết rõ ràng mọi chuyện”.

Đối phó với mối nguy hiện hữu

Vấn đề người dân sống tại biệt thự 95 Trần Hưng Đạo không phải là trường hợp hi hữu ở Thủ đô. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với cơ quan chức năng khi mà hàng chục năm qua, đã có rất nhiều người dân ở phố cổ lên tiếng kêu cứu vì nhà cũ, nhà cổ xuống cấp hay nhà bị biến dạng vì hàng xóm xây sửa vô trách nhiệm. Tình trạng xuống cấp đáng báo động của nhà cổ do tác động của thời gian và do chính bàn tay con người không còn là chuyện mới mẻ.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, vấn đề bảo tồn quản lý sao cho đảm bảo an toàn đối với người dân sinh sống tại các ngôi biệt thự cũ dường như chỉ mới dừng lại ở lời nói, nói mãi rồi chẳng có chuyển biến. Chính quyền địa phương nhiều khi vẫn cấp phép cho các gia đình lân cận nhà cổ xây sửa thoải mái mà không lường trước được… hậu quả mà nhà cổ sắp phải “gánh”. Mất an toàn trong những nhà cũ, nhà cổ không còn là hồi chuông cảnh báo mà là mối nguy thực sự hiện hữu. Hà Nội cần phải có giải pháp cụ thể hơn nữa để quản lý, bảo tồn nhà cổ chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo, rà soát, hô quyết tâm suông… Đơn vị quản lý phải là các cơ quan chuyên môn, có đầy đủ năng lực để kết hợp được yêu cầu của văn hóa, bảo tồn với việc quản lý xã hội.

Đứng ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, xây sửa nhà cũ nhà cổ là mong muốn chính đáng của người dân khi nhà đã “hết date”. Nhưng người dân sinh sống tại các nhà cổ, nhà cũ cần phải trang bị hiểu biết pháp luật trước khi tiến hành xây, sửa nhà để tránh những tiêu cực không đáng có, tránh bị “vạ lây” khi nhà hàng xóm đổ tiếng oan làm hỏng nhà họ. Chẳng hạn trước khi tháo dỡ, chủ nhà nên chụp ảnh hiện trường toàn bộ tình trạng ban đầu, mời các chủ hộ lân cận, luật sư, đại diện tổ dân phố, chính quyền địa phương đến ghi nhận… Đây là những chứng cứ pháp lý quan trọng để giải quyết vụ việc nếu xảy ra kiện tụng, tranh chấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top