Đã từng thành lập BQT “ảo”
Năm 2007, Chung cư N3A, N3B do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư đã được bàn giao cho 177 hộ dân. Ngay sau khi tòa nhà được đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và cư dân sống ở đây đã có chủ trương bàn bạc để thống nhất thành lập BQT lâm thời. Sau khi thống nhất, cư dân, chủ đầu tư quyết định bầu ra 5 người dân đứng đầu của 5 khu tòa nhà N2, N3, N4, N5, N6 và 2 người bên phía chủ đầu tư đại diện làm thành viên BQT, dự kiến hoạt động lâm thời trong vòng 2 năm. Xong nhiệm kỳ 2 năm làm việc không hiệu quả, BQT lâm thời đã tan rã. Từ đó đến nay, việc thành lập BQT đi vào tình trạng “đóng băng” do chưa nhận sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và các hộ dân.
Chia sẻ trực tiếp với PV, bà Thúy (một cư dân tòa nhà N3A) cho biết: “Việc thành lập BQT lâm thời chỉ là cái cớ để phía chủ đầu tư làm cho xong chứ thực chất chẳng khác nào “bù nhìn” bởi không trực tiếp có quyền quyết định những vấn đề của tòa nhà. Mọi quyết định đều nằm trong tay chủ đầu tư. Đã 9 năm nay, cả 2 tòa nhà vẫn chưa có BQT trong khi tòa nhà ngày một xuống cấp”.
Đấu tranh đòi quyền lợi
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra chỉ thị bằng văn bản tới cơ quan, ban quản lý các tòa nhà KĐT Trung Hòa – Nhân Chính về việc yêu cầu chủ đầu tư thành lập BQT cho các tòa nhà.
Bà Thủy hiện đang là tổ trưởng của tòa nhà N3B chia sẻ: “Sau khi nhận được văn bản từ Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng triển khai thành lập BQT thì chủ đầu tư đã cử đại diện đến làm việc. Tuy nhiên, quá trình trao đổi, chủ đầu tư đưa ra các điều kiện hết sức vô lý. Chủ đầu tư muốn dùng nhà để xe của người dân hiện tại làm chỗ trông xe và lấy giá đắt hơn so với giá nhà nước quy định là 550 nghìn đồng/người, không muốn trả lại người dân nhà sinh hoạt cộng đồng cũng không đồng ý với yêu cầu của người dân về việc chia số tiền từ kinh doanh cho BQT. Nếu chúng tôi đồng ý với điều kiện mà chủ đầu tư đưa ra thì việc thành lập BQT chỉ là hình thức, mang tính chất đối phó”.
Theo phản ánh của các cư dân, hiện nay, 2 thang máy của tòa nhà đang bị ngừng trệ. Mặc dù đã báo cáo lên chủ đầu tư nhưng hiện người dân vẫn chưa nhận được phản hồi. Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy của 2 tòa nhà hư hại, hỏng hóc rất nhiều, ống thoát nước thải rò rỉ khiến cho tường bị thấm nước, bong tróc…
Được biết, tại khoản 4 điều 26 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 4/1/2013 nêu rõ: “Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư được phê duyệt không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng thì chủ đầu tư có trách nhiệm dành diện tích giữ lại thuộc phần sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng với tiêu chuẩn tối thiểu 0,8m2 nhân với số căn hộ…”. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tòa nhà N3B cũng không hề có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Một câu hỏi đặt ra là, nếu không có BQT - đại diện của cư dân thì những vấn đề này tại chung cư N3A, N3B KĐT Trung Hòa – Nhân Chính không biết sẽ tiếp diễn đến bao giờ?