Hơn 20 năm trước (26/12/1997), UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5112/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân, giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội với chủ đầu tư là UBND quận Đống đa.
Dự án gồm 5 khu nhà 5 tầng, với 188 căn hộ; tổng diện tích sàn xây dựng là 17.517m2. Theo quyết đinh, sau 6 tháng nếu quận Đống Đa không thực hiện hoặc sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất nếu chưa sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, thì Giám đốc Sở Địa chính có trách nhiệm lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi quyết định giao đất.
Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, dự án vẫn “đắp chiếu” để không. Hiện nay, cư dân làng cổ Kim Liên lại tiếp tục lo lắng, hoang mang khi dự án "treo" vẫn ung dung tồn tại.
Theo các hộ dân, Dự án liên tục bị trì trệ, gia hạn làm cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở không được cấp phép; không được cấp sổ đỏ, việc sang nhượng, buôn bán nhà cũng không thể thực hiện. Sinh sống trên đất của tổ tiên, ông cha nhưng hàng trăm hộ dân không có quyền “định đoạt” ngồi nhà của chính gia đình.
Nhiều năm trởi, không một ngày nào người dân Kim Liên không sống trong lo lắng, bất an. Nhà cửa xuống cấp không phanh, hư hại gì cũng không được sửa chữa.
Bà Thu (nhà số 88 – Xã Đàn) cho biết: “Chúng tôi đi kiến nghị mong muốn xóa bỏ dự án từ mấy chục năm nay nhưng rồi lại bất lực trở về. Mỗi lần nhận được thông báo gia hạn là lòng tôi lại nóng như lửa đốt. Bà con nhiều nhà còn không dám ở phải đi thuê chỗ khác vì sợ nhà sập. Có những gia đình con trai lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng nhưng làm sao sống như thế này được”.
Ông Nguyễn Thiện Hải (nhà số 140 – Xã Đàn) được bà con xung quanh tin tưởng, giao cho giữ nhiều giấy tờ, đơn thư liên quan đến vấn đề kiến nghị UBND TP. Hà Nội và quận Đống Đa. Ông trình bày: “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận lại được câu trả lời thích đáng từ phía chính quyền, mặc dù đã đi đi về về nhiều lần. Tuyến đường Kim Liên – Xã Đàn được mở rộng to đẹp là thế mà bao nhiêu hộ dân ở đây vẫn phải sống cảnh tạm bợ, nhà cửa xập xệ nhưng lại không được phép sửa chữa".
Căn nhà của bà Dung cạnh nhà ông Nguyễn Thiện Hải hiện nay đã xuống cấp trầm trọng đến mức không còn ở được. Không được nâng cấp hay cải thiện, gia đình đành phải bỏ ra ngoài sống đã hơn 2 năm nay.
Người dân Kim Liên vẫn luôn miệt mài đi tìm câu trả lời và phương án giải quyết đich đáng cho mình và gia đình. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, những tấm băng rôn, khẩu hiệu “kêu cứu” vẫn đang được treo lên. Điều đó đồng nghĩa với việc, họ còn phải gian nan, chật vật nhiều nữa.
Trong lịch sử, nhiều lần dân làng cổ Kim Liên đã tự nguyện nhường đất để xây các dự án, công trình công ích tại địa phương như hồ Bảy Mẫu, Đại học Bách Khoa, Ngân hàng Bắc Á, đường Kim Liên – Xã Đàn,... phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân. Bây giờ, tâm nguyện của bà con nơi đây chỉ mong muốn làm sao giữ được phần đất hương hỏa của tổ tiên, ông cha để lại.
Hy vọng rằng, trên tuyến phố văn minh bậc nhất Thủ đô Hà Nội, sẽ không còn tiếp tục diễn ra cảnh người dân “rúm ró” sống tạm bợ qua ngày hay hạ tầng không đồng bộ như thế này nữa. Người dân sẽ tự tin làm chủ và sinh hoạt trên chính mảnh đất của mình, thoát khỏi cảnh 20 năm “đứng ngồi trên lửa”./.