Aa

Cư dân lo nơm nớp vì thang máy không được bảo trì

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 28/08/2017 - 15:32

Một loạt các sự cố xảy ra liên tục thời gian qua đã thực sự là tiếng chuông báo động chất lượng thang máy ở các tòa nhà cũng như sự "chủ quan" trong việc bảo trì thang máy.

Áp lực khi vào thang máy

Sống ở chung cư cao ốc, lâu dần ai cũng có thói quen “một bước là thang máy”. Nếu thang máy vận hành kém, thường xuyên xảy ra rủi ro thì chuyện tính mạng cư dân tại cao ốc bị đe dọa là điều có thể xảy ra. Thế nhưng cư dân tại nhiều tòa nhà chung cư vẫn “liều mình” vào thang máy mỗi ngày bởi nếu không đi thang máy thì lại không lên được nhà.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hải Hòa ở tòa B5, chung cư Thăng Long (Cầu Giấy), chị sống tại tòa nhà này gần 5 năm. Những ngày đầu thang máy còn mới, chạy êm như ru nhưng chỉ sau vài năm, tình trạng xuống cấp rõ ràng. Mỗi lần bước vào thang máy chị lại phải nghe những tiếng ì ạch nặng nề của thang máy khi chạy.

Chị Hòa tâm sự: “Sống ở chung cư giá rẻ nên phải chấp nhận thôi. Mỗi lần bước vào thang máy lại thấy áp lực vì tiếng kêu lách cách, cạch cạch mình cũng run lắm nhưng cứ nghĩ nên đến tầng 9 thôi, mất vài phút thôi. Nếu có một mình thì có khi cũng leo cầu thang bộ nhưng nhiều khi đi cùng con nhỏ hoặc đi chợ mua cả đống đồ về thì làm sao leo bộ được”.

Cũng sống tại tòa nhà thuộc khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai), chị Nguyễn Thu Hà nhớ lại lần đi thang máy của mình mà vẫn còn hốt hoảng. Có một lần chị vào thang máy, bấm số 12 lên tầng nhà mình ai ngờ thang máy chạy luôn xuống tầng G. Sau đó chị ấn lại thì thang máy chạy tới tầng 6 rồi dừng lại khoảng 5 phút. Mặc cho chị ấn nút chuông báo nhưng vẫn không thấy ai, gọi điện cho phòng kỹ thuật thì họ nói chị đợi 1 lát. Sau đó thang máy chạy lên tầng 9 rồi xuống tầng 7 rồi lại lên tầng 11. Phải sau 4 lần gọi điện thoại cùng với nỗ lực cậy cửa của nhân viên kỹ thuật, chị mới ra được khỏi thang máy. Tổng cộng chị Hà bị nhốt trong thang máy hơn 15 phút.

Nhiều cư dân kêu than về tình trang thang máy hư hỏng và thiếu an toàn (Nguồn: Group Chung cư)

Nhiều cư dân kêu than về tình trang thang máy hư hỏng và thiếu an toàn (Nguồn: Group Chung cư)

Chị Hà không khỏi bức xúc: “Thang máy cả năm có khi chẳng bảo trì, cho đến tận khi xảy ra sự cố mới viện lý do là bị nọ kia. Bây giờ đi thang máy tôi sợ lắm chứ, không biết nó sẽ rơi tự do lúc nào. Nếu không đi thang máy thì làm sao lên được nhà. Chỉ cầu mong thang máy không có sự cố gì để tất cả cư dân tòa nhà đều được bình yên.”

Tại tòa nhà N5A Trung Hòa - Nhân Chính, bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ: “Từng có một vụ tại nạn thang máy xảy ra khiến bảo vệ của tòa nhà tử vong. Kể từ đó người dân trong tòa nhà đều hạn chế đi thang máy, cứ leo bộ cho khỏe tay chân, chỉ tôi cho mấy đứa nhỏ với các cụ già trong tòa nhà. Trước khi xảy ra tại nạn, thang máy của tòa nhà đã phải sửa đến 3 lần nhưng tình trạng hỏng hóc vẫn liên tục xảy ra”.

Bảo trì thang máy bị bỏ qua

Theo quy định, việc lắp đặt thang máy tại các tòa nhà chung cư đều phải có quy chuẩn và có đơn vị thẩm định chất lượng. Bên cạnh đó, định kỳ phải có các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành thang máy kiểm tra, bảo trì tối thiểu một lần/2 tháng. Song sau khi tòa nhà vận hành nhiều năm, hết thời gian bảo hành thang máy thì việc bảo trì thang máy bị bỏ qua.

Nhiều người cho rằng do phí bảo trì cao nên BQT tòa nhà đã cắt giảm thời gian hoặc thuê đơn vị bảo trì với giá rẻ nên không đạt chất lượng, thang máy cũng nhanh xuống cấp là do vậy.

Theo đại diện một doanh nghiệp lắp đặt thang máy chung cư cho hay, những tai nạn về thang máy ở chung cư không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chất lượng thang máy. Chất lượng thang máy chỉ là một phần còn chủ yếu vẫn do hệ thống bảo trì có đúng thời hạn, có đầy đủ hay không.

nhiều chung cư đang không thuê bảo trì thường xuyên, chỉ khi nào thang máy hỏng mới gọi thợ tới sửa chữa để tiết kiệm chi phí.

Việc bảo trì thang máy tại nhiều chung cư không thường xuyên mà chỉ gọi sửa chữa khi xảy ra sự cố (Ảnh minh họa)

Được biết, mức phí bảo trì thang máy thông thường sẽ vào khoảng 200-500 ngàn đồng/lần (tính cả chi phí thay phụ kiện nếu hỏng hóc). Theo đó, một tòa nhà trung bình 20 tầng nếu bảo trì định kỳ hàng thoáng hoặc cách 2-3 tháng thì tùy vào mức độ sử dụng và tình trạng thang máy sẽ mất khoảng phí bảo trì hơn 3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, mức phí này không phải chung cư nào cũng bỏ ra để bảo trì thang máy thường xuyên mà thường chỉ gọi bảo trì khi thang máy có sự cố để sữa chữa nhằm tiết kiệm chi phí.

Theo luật nhà ở năm 2014, thang máy thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà. Việc quản lý vận hành nhà chung cư được quy định rõ ràng. Trong đó, nhà chung cư có thang máy thì do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì những hỏng hóc phát sinh trong tòa nhà  sẽ lấy từ phí bảo trì 2%. Phí này do chính người dân khi mua nhà đã đóng 2% giá trị căn hộ để thực hiện bảo trì, sửa chữa các hạng mục nếu xảy ra hư hỏng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top