Biệt thự tiền tỷ để mọc rêu…
Trong giai đoạn năm 2008 – 2013, BĐS khu vực Tây Hà Nội đã rơi vào cảnh trầm lắng một thời gian dài. Từ giữa năm 2015, BĐS khu vực Tây Hà Nội (bao gồm các huyện Hoài Đức, một phần các quận Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm) đã có những bước hồi sinh đáng kể. Nhiều dự án hồi sinh trở lại, nhiều doanh nghiệp tái khởi động hoặc mua lại các dự án dở dang để triển khai, nhiều công trình tại các khu đô thị rục rịch thi công như Khu đô thị Nam An Khánh, Bảo Sơn, Lê Trọng Tấn – Geleximco…
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, có mặt tại vùng "đất vàng" Hoài Đức này, nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề vẫn còn đang bỏ hoang, xuống cấp theo thời gian. Dù các “sàn giao dịch” mở ra nhiều như nấm mọc sau mưa trong khu đô thị, nhưng lượng người đến mua nhà tại đây vẫn hết sức khiêm tốn.
Nằm ngay cạnh nút giao đường Lê Trọng Tấn kéo dài với Đại lộ Thăng Long, dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco do công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) nhiều năm nay vẫn chưa có biến đổi nhiều. Các dãy nhà vẫn đóng cửa im ỉm, người ở thưa thớt. Sự hồi sinh mạnh mẽ hai dự án chung cư Gemek Tower và Gemek Premium kế bên cũng không đánh thức được dự án này.
Nằm ngay cạnh dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco, Khu đô thị Nam An Khánh do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà làm chủ đầu tư (Sudico). Dự án khu đô thị mới này từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian mở và kiến trúc cảnh quan hiện đại bao gồm các khu biệt thự nhà vườn sang trọng… nhưng tới nay, phần lớn dự án vẫn là những bãi đất trống và biệt thự bỏ hoang.
Chung cảnh ngộ với 2 khu đô thị trên, dự án Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn vẫn còn vắng vẻ, heo hút suốt gần 10 năm qua. Chẳng khó khi bắt gặp hàng loạt liền kề, biệt thự tại hai dự án này hiện vẫn nằm chỏng chơ, mọc rêu và chưa biết khi nào mới có chủ sở hữu.
Cư dân thiếu đủ đường
Hiện nay, tại vùng "đất vàng" Hoài Đức trên, nhiều dự án chung cư đã hoàn thiện như Gemek Tower, Thăng Long Victory, Golden Land… các chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng. Nhiều cư dân chuyển về sinh sống tại các dự án trên mang đến hy vọng BĐS khu vực phía Tây Hà Nội trong năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.
Tuy nhiên, hàng loạt bất cập phát sinh trong quá trình cư dân sống tại các tòa nhà khi hạ tầng các dự án vẫn chưa hoàn thiện. Trong đó, đường xá, chợ, trường học… đang trở thành nỗi lo lắng hàng ngày.
Chuyển về chung cư Gemek Tower sinh sống từ tháng 1/2017, nhưng niềm vui có ngôi nhà mới chưa được bao lâu thì những lo lắng lại thường trường trực hàng ngày, chị Trang, một cư dân tại chung cư Gemek Tower chia sẻ: “Việc chọn lựa vị trí mua nhà của gia đình tôi phải phụ thuộc phần lớn vào vấn đề tài chính cho nên, khi gia đình về ở thì cũng đang gặp rất nhiều khó khăn từ chủ quan đến khách quan. Hàng ngày phải di chuyển trên đường cao tốc để đi vào tới Trung tâm thành phố, chúng tôi luôn bất an, nguy cơ tai nạn bất cứ lúc nào.”
Cũng theo chị Trang, dù nhiều hộ đã chuyển về sinh sống nhưng công trình chung cư Gemek Tower vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt. Cụ thể, 5 tầng trung tâm thương mại với các dịch vụ như: chợ, siêu thị, trường học, ăn uống, quán cà phê… của tòa nhà vẫn đang thi công và chưa đưa vào sử dụng.
Hệ thống tầng hầm để xe B1, B2 đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt hệ thống soát vé thẻ từ. Nhiều công nhân vẫn tiến hành thi công, khoan đục hàng ngày, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Bên cạnh những bất an về giao thông, hiện nay khó khăn lớn nhất của các cư dân trong vùng đất vàng này là việc đi chợ và chỗ học cho các con. Gia đình chị Vui (cư dân chung cư Gemek Tower) có 1 con nhỏ năm nay 2 tuổi, đến thời điểm hiện chị vẫn chưa tìm được chỗ học ưng ý cho con.
“Một số trường mầm non công ở khu vực thì đã đủ lớp nên không thể xin vào học, trong khi đó các trường xung quanh tòa nhà đều mới được xây dựng, cơ sở vật chất nghèo nàn, giáo viên còn ít nên tôi cũng chưa yên tâm gửi con. Duy nhất có một trường mầm non có thương hiệu được đầu tư trong tòa nhà thì theo thông báo phải đến tháng 6 mới đi vào hoạt động”, chị Vui nói.
Để khắc phục, chị Vui đành chấp nhận cho con đi học cách nhà khoảng 12km, gần chỗ làm của mình để tiện việc đưa đón: “Biết là đưa con đi xa cũng vất vả nhưng không còn cách nào khác. Ngày nắng ấm không sao mỗi hôm mưa gió, bão bùng, hai mẹ con lại phải bắt taxi hoặc ở nhà trông nhau. Tôi hy vọng, chủ đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục như cam kết để cuộc sống của cư dân được ổn định”.
Việc đi chợ, mua sắm với cư dân ở đây vô cùng bất tiện, khó khăn, chị Vui chia sẻ: “Khổ nhất là mỗi lần có khách đột xuất không biết soay sở kiểu gì. Nhiều khi tôi phải gọi điện về nhờ ông bà dưới quê mua thịt, cá, rau xanh rồi đóng thùng gửi lên ăn dần.”
Khắc phục tình trạng nhà xa chợ, hàng ngày mỗi khi đi làm chị Trần phải tranh thủ đi làm sớm rồi tạt qua khu chợ cóc gần cơ quan để mua thức ăn. “Hôm nào đến chỗ làm cũng lỉnh kỉnh thịt cá, rồi lại phải muối mặt gửi nhờ tủ lạnh chung của cả phòng. Nhiều người cũng khó chịu vì mùi thức ăn nhưng tôi cũng không còn cách nào khác”, chị Trần thở dài.
Cũng theo phản ánh, do quá trình xây dựng trong khu vực này đang rất lớn, tình trạng bụi bặm, ô nhiễm cũng ảnh hưởng rất lớn tới người dân. Nhiều người già đặc biệt là các em nhỏ thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp. “Con tôi từ khi chuyển về đây sinh sống gần như tuần nào cháu cũng bị ho rồi nghẹt mũi phải đưa đi khám. Còn tôi thì mặt nổi mụn, thở lúc nào cũng có cảm giác khò khè rất khó chịu” - chị Lan, một người dân sống tại khu đô thị Nam An Khánh bức xúc./.