Aa

Cư dân Phú Mỹ Hưng than trời vì bị đội giá cước internet

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Năm, 16/04/2020 - 16:45

Nhiều cư dân sinh sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng bức xúc vì phải trả mức giá dịch vụ Internet, cáp quang cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với mức giá thực tế được niêm yết tại website của các nhà mạng.

Đề nghị làm rõ mức giá Internet cao bất thường

Ngày 15/4, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM có văn bản đề nghị các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình cáp trên địa bàn (FPT, Viettel, SCTV, VTVcab, HTVC...) có báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ internet, truyền hình cáp trong khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) về Sở trước ngày 24/4. Trong đó làm rõ về đơn giá chi tiết cung cấp dịch vụ của mình, cũng như các khó khăn vướng mắc nếu có trong quá trình triển khai hạ tầng dịch vụ tại khu vực này.

Đề nghị này được đưa ra sau khi nhiều cư dân sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đồng loạt ký đơn kiến nghị về mức giá Internet cao bất thường ở khu vực này. Các dịch vụ này đều được phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Cuộc sống mới (New Life), tất cả nhà mạng đều phải thông qua Công ty này để cung cấp đến khách hàng trong khu đô thị. Một công văn khác phát đi cùng ngày với nội dung tương tự cũng đã được Sở gửi tới Công ty này và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Ban quản lý khu nam đề nghị làm rõ các vấn đề về giá cước và dịch vụ.

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7 cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi sử dụng các dịch vụ Internet, cáp quang do giá quá cao nhưng đường truyền luôn chập chờn, không được quan tâm sửa chửa bất chấp sự bức xúc của người dân. Mặc dù trong khu đô thị đã có nhiều nhà mạng như Viettel, FPT, SPT và VNPT cung cấp dịch vụ nhưng trên thực tế mức giá lại đang quá cao so với mức giá thực tế tại các nhà mạng.

Anh Sơn Nguyễn, một cư dân đang sống tại khu Green Valley cho biết vào thời điểm gia đình anh chuyển đến đây sinh sống từ đầu năm 2017 đã phải chấp nhận trả mức phí Internet cao gấp 2 - 3 lần so với những khu vực khác. Khi cần lắp đặt hệ thống Internet, anh Sơn được yêu cầu liên lạc qua Công ty Newlife (trước đây là Trung tâm Điện thoại Nam Sài Gòn - SST) và được đưa ra gói cước ấn định là 770.000 đồng cho toàn bộ các nhà mạng mà không có sự lựa chọn nào khác.

Cư dân Green Valley bức xúc vì giá cước Internet cao gấp đôi bên ngoài nhưng kết nối kém. Nhiều hộ gia đình phải đăng ký thêm gói cước 4G để sử dụng

Anh Sơn chọn gói cước SPT nhưng đường truyền chập chờn không tương xứng với số tiền đã bỏ ra. Sau nhiều lần phản ánh lên Công ty Newlife, phía đơn vị này đã chấp nhận giảm giá cho gia đình anh Sơn từ 770.000 đồng xuống còn 650.000 đồng mà không đưa ra bất cứ văn bản hay lời giải thích nào cho việc giảm giá trên.

Anh Sơn cũng cho biết tất cả hộ gia đình ở khu Green Valley cũng đều phải trả mức giá thấp nhất là 770.000 đồng. Trong trường hợp có ai phát hiện ra mức giá bất thường và phản ánh thì sẽ được Newlife giảm giá xuống còn 650.000 đồng, còn những ai không phản ánh thì sẽ phải chấp nhận mức giá ấn định như vậy.

Ngoài ra cũng theo anh Sơn, trước đây đã có một vài lần gia đình anh yêu cầu lãnh đạo công ty Newlife phản hồi bằng văn bản về lý do độc quyền phân phối các dịch vụ mà không cho các nhà mạng trực tiếp vào phân phối. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty này chỉ phản hồi bằng miệng rằng việc thu tiền cao là để bù vào khoản chi phí hạ tầng đã xây dựng chứ không phản hồi bằng văn bản. Ngoài ra, nhiều cư dân cũng thắc mắc rằng phần cơ sở hạ tầng liên quan đến hệ thống cáp quang, Internet là thuộc về chủ đầu tư hay của cư dân, việc trả phí này sẽ kéo dài bao lâu nhưng đến nay vẫn chưa được Phú Mỹ Hưng phúc đáp.

Dấu hiệu làm trái Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Trước những bức xúc trên, ngày 12/4, người dân sống tại khu dân cư Green Valley đồng loạt ký vào đơn kiến nghị yêu cầu được đối xử xông bằng. Theo cư dân, Công ty New Life, Trung tâm Điện thoại Sài Gòn (SST) chịu trách nhiệm khai thác kinh doanh hạ tầng viễn thông do Phú Mỹ Hưng chuyển giao. Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng đã không có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng mạng ADSL tại Green Valley để cung cấp dịch vụ cho cư dân với mức phí thấp hơn phí cáp quang như các khu dân cư khác.

SST chỉ cung cấp một gói cước Internet duy nhất có tốc độ 45 Mbps với mức giá 650.000-770.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá này cao gấp đôi so với các gói cước trên thị trường. Hiện nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ Internet như Viettel, FPT, VNPT… chỉ tính giá từ 300.000-400.000/tháng cho gói cước tốc độ 40-45 Mbps.

"Việc cung cấp một gói dịch vụ Internet với mức giá từ 650.000 đồng/tháng buộc cư dân chúng tôi hoặc đồng ý hoặc không sử dụng Internet chứ không có sự lựa chọn nào khác. Ngoài ra, chất lượng Internet còn chập chờn, không đảm bảo tốc độ cam kết", cư dân Green Valley viết trong đơn kiến nghị.

Vì vậy, người dân tại Green Valley yêu cầu chủ đầu tư phải áp dụng giá dịch vụ tương tự những nơi khác ngoài khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đồng thời, đơn vị cung cấp mạng phải bổ sung thêm các gói cước có giá thấp hơn để người dân có thêm tùy chọn dựa trên điều kiện kinh tế. Ngoài ra, chất lượng Internet của đơn vị cung cấp cần được đáp ứng tốc độ đã cam kết.

Trong khi đó, tại website chính thức của Newlife là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cuộc Sống Mới đang giới thiệu dịch vụ internet của 3 đơn vị gồm Viettel, SPT và VNPT với mức phí sử dụng hằng tháng thấp nhất là 550.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá thấp nhất này cũng không được áp dụng đối với cư dân sinh sống tại đây.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc Công ty Phú Mỹ Hưng để cho một công ty khác chịu trách nhiệm phân phối độc quyền về các dịch vụ Internet, cáp quang là trái với Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Theo nguyên tắc, sau khi chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì phải bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Cơ sở hạ tầng chung cư dân được sử dụng miễn phí. Khi cư dân có yêu cầu về dịch vụ, họ sẽ trực tiếp liên hệ với các nhà cung cấp. Trong trường hợp các nhà cung cấp từ chối cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản rằng lý do vì sao chứ không thể chuyển đến một công ty khác để bán dịch vụ.

Nếu các nhà mạng từ chối cung cấp thì có nghĩa là đang gây cản trở khách hàng thực hiện quyền lợi của họ, cho thấy nhà cung cấp có sự phân biệt đối xử với khách hàng. Theo Luật sư Phượng, việc làm này một phần là lỗi của phía công ty được nhận chuyển giao từ chủ đầu tư nhưng các nhà mạng cũng đang làm sai về nguyên tắc. Mọi khoản thu trong trường hợp này là đang trái pháp luật, không có căn cứ pháp luật.

“Do đó, các cư dân cần liên hệ ngay với các nhà mạng, gửi đơn kiến nghị yêu cầu làm rõ. Trong trường hợp nhà mạng từ chối cung cấp thì gửi đơn đề nghị xử phạt hành chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu các nhà mạng im lặng có nghĩa là đang đồng tình trước cái sai của một công ty nào đó, có dấu hiệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trong trường hợp các nhà mạng đã đồng ý cung cấp thì cư dân cần hỗ trợ cùng thực hiện. Trường hợp nào cản trở thì báo cơ quan có thẩm quyền đến xử lý”, Luật sư Phượng phân tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top