8 năm mòn mỏi chờ sổ hồng
Dự án chung cư 16B Nguyễn Thái Học – gọi tắt là Dự án (thuộc phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) được khởi công xây dựng từ tháng 09/2008. Theo thiết kế được phê duyệt, dự án gồm 23 tầng nhà ở, 2 tầng sinh hoạt chung (nhà trẻ, khu dịch vụ công cộng, phòng y tế, …), 1 tầng hầm, 1 tầng bán hầm (tầng trệt) và tầng mái. Cuối tháng 12/2011, Dự án chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Dự án do Công ty Xây dựng 319, thuộc Quân khu 3 làm chủ đầu tư (CĐT). Tuy nhiên, sau đó Công ty Xây dựng 319 được đổi tên thành Tổng Công ty 319 và chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Vào cuối tháng 12/2011, Tổng Công ty 319 đã hoàn tất các thủ tục bàn giao, trong đó có cả dự án chung cư 16B Nguyễn Thái Học cho Công ty TNHH MTV Duyên Hải (gọi tắt là Công ty Duyên Hải).
Trước đó, Công ty Duyên Hải được thành lập theo Quyết định 4798/QĐ-BQP ngày 10/12/2011 của Bộ Quốc phòng, trên cơ sở hợp nhất của 7 đơn vị thuộc Tổng Công ty 319.
Theo hợp đồng mua bán căn hộ, khi bên B – người mua nhà hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ được nhận sổ hồng. Mặc dù gần 400 hộ dân mua nhà tại đây đã thanh toán đủ số tiền theo hợp đồng, dọn vào ở suốt 8 năm nay mà vẫn không được cấp sổ hồng. Không hiểu vì lý do gì đến thời điểm này, CĐT Dự án là Công ty Duyên Hải vẫn chưa chịu hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị cấp sổ hồng cho các hộ dân. Các hộ dân cho biết, CĐT là Công ty Duyên Hải không rốt ráo giải quyết những kiến nghị của cư dân.
Nhiều năm nay, cư dân đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, từ các cấp chính quyền thuộc TP. Hà Nội đến Thủ tướng Chính phủ, Quân khu 3, các cơ quan này cũng đã có văn bản yêu cầu CĐT tổ chức họp với người dân để giải quyết những bất cập này. Thế nhưng, phía CĐT vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết dứt điểm, vì thế mâu thuẫn càng thêm căng thẳng kéo dài.
“Do tin tưởng CĐT nên gia đình tôi mới mua căn hộ ở chung cư 16B Nguyễn Thái Học. Ngày đó, ai cũng mong chờ sau khi vào ở sẽ được cầm trên tay sổ hồng. Thế nhưng, kể từ đó đến này đã 8 năm trời mà người dân chúng tôi vẫn mòn mỏi chờ đợi. Bây giờ, Công ty Duyên Hải là đơn vị được chuyển đổi thành CĐT theo quyết định của TP. Hà Nội.
Các cơ quan ban ngành TP cũng nêu rõ CĐT là Công ty Duyên Hải phải có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền, để làm sổ hồng cho người dân. Vậy mà suốt mấy năm qua họ không chịu giải quyết cho cư dân”, một hộ dân bức xúc nói về thực trạng tại Dự án do Công ty Duyên Hải là CĐT.
Bên cạnh đó, những cư dân sống tại đây cũng cho biết, trong quá trình sử dụng, CĐT đã không đảm bảo việc bảo trì cho tòa nhà, tự ý chiếm dụng không gian chung như: phòng sinh hoạt cộng đồng…
Ngoài ra, theo phản ánh, Ban Quản trị tòa nhà đã nhiều lần yêu cầu CĐT quyết toán và bàn giao quỹ bảo trì, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, có nhiều khoản chi từ quỹ bảo trì của Công ty Duyên Hải không đúng mục đích, nhưng vẫn yêu cầu được hạch toán. Công ty Duyên Hải không cung cấp hồ sơ và không bàn giao 2% quỹ bảo trì liên quan đến phần diện tích sở hữu riêng của CĐT.
Cần giải quyết dứt điểm quyền lợi cho cư dân
Trao đổi với Reatimes, Đại tá Vũ Hồng Thanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Duyên Hải cho biết, những phản ánh trên của cư dân là có và phía công ty đang trong quá trình giải quyết. Cụ thể, trước đó công ty đã có tổ chức các buổi đối thoại với cư dân.
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất đó chính là việc CĐT chậm trễ hoàn thiện các thủ tục và trình cấp có thẩm quyền cấp sổ hồng cho cư dân, thì đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Thanh cho biết, khu đất xây Dự án trước đây là trụ sở làm việc của 2 xí nghiệp thuộc Công ty Xây dựng số 319. Sau đó, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Công ty xây dựng 319 đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm nhà ở chung cư bán chính sách cho cán bộ chiến sĩ, cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người lao động của công ty và Quân khu 3.
Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cho phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư là 422 tỷ đồng và giao cho Công ty xây dựng 319 làm CĐT. Tháng 9/2008, Dự án được khởi công xây dựng. Cuối tháng 12/2011, CĐT đã bàn giao cho cư dân vào ở. Giá bán thời điểm đó được phê duyệt là 10,2 triệu đồng/m2.
Ông Thanh cũng cho biết, theo Quyết định 4798/QĐ-BQP ngày 10/12/2011 của Bộ Quốc phòng, Công ty Duyên Hải được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 7 đơn vị thuộc Tổng Công ty 319. Công ty Duyên Hải là doanh nghiệp kinh tế, quốc phòng và là công ty con của Tổng Công ty 319 thuộc Quân khu 3. Sau đó, Bộ Quốc phòng điều Tổng Công ty 319 về trực thuộc Bộ.
Lý giải về nguyên nhân việc người dân vào ở đã 8 năm nhưng đến nay chưa có sổ hồng, đại diện CĐT cho biết, Công ty Duyên Hải chỉ tiếp quản Dự án khi người dân đã vào ở. Còn việc xây dựng, ký hợp đồng mua bán và bàn giao nhà cho cư dân là Công ty xây dựng 319.
Nhưng theo hồ sơ, tại Quyết định số 126/UBND-XDGT ngày 12/1/2016, Công ty Duyên Hải đã chính thức được UBND TP. Hà Nội công nhận về mặt nguyên tắc chuyển đổi là CĐT của Dự án. Văn bản này cũng nêu rõ, Công ty Duyên Hải có trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Dự án.
Căn cứ quyết định phê duyệt Dự án, tiền thuế sử dụng đất là 17,561 tỷ đồng. Năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) sát nhập vào TP. Hà Nội, Công ty xây dựng 319 đi nộp số tiền thuế trên nhưng cơ quan quản lý không chấp nhận và yêu cầu nộp theo mức thuế mới. Đến ngày 6/8/2015, UBND TP. Hà Nội mới ban hành quyết định việc Công ty Duyên Hải phải có trách nhiệm nộp thuế là hơn 36,6 tỷ đồng, tức chênh lệch so với mức thuế cũ hơn 19 tỷ đồng.
Ông Thanh lý giải, kể từ thời điểm đó đến nay, có nhiều nguyên nhân khiến Công ty Duyên Hải chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế. Theo đó, thời gian này Công ty Duyên Hải phải tiến hành cổ phần hóa, vì thế việc giải quyết hơn 19 tỷ đồng tiền thuế chênh lệch trên đã gây rất nhiều khó khăn cho công ty. Sau đó, công ty đã làm công văn gửi cho Quân khu 3, đề nghị với Bộ Quốc phòng để xem xét cách xử lý 19 tỷ tiền kinh phí chênh lệch do nộp thuế và hiện đang chờ đợi ý kiến trả lời.
“Công ty đã cổ phần hóa và các cổ đông đều có quyền lợi. Với số tiền chênh lệch 19 tỷ trên, bây giờ không thể bắt cổ đông đóng tiền vào được. Trong trường hợp Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng không thể hỗ trợ, giải quyết kinh phí chênh lệch này thì công ty vẫn phải nộp. Tuy nhiên, công ty sẽ phải họp đại hội cổ đông để thống phất phương án cụ thể”, ông Thanh lý giải.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Công ty Duyên Hải cũng mạnh dạn đề xuất, CĐT sẽ làm văn bản kiến nghị với UBND TP. Hà Nội cho công ty chậm nộp thuế (có lộ trình cụ thể) và đồng thời chấp nhận việc cấp sổ hồng cho cư dân. Người dân cho biết, việc CĐT giải thích như vậy chỉ là biện pháp đối phó, "câu giờ" với cư dân. Họ mong muốn CĐT sớm hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và làm các thủ tục để cơ quan Nhà nước cấp sổ hồng.
Liên quan đến các vấn đề như quỹ bảo trì, phòng sinh hoạt cộng đồng, diện tích sử dụng chung, riêng, phía CĐT cho biết đã từng bước giải quyết ổn thỏa những kiến nghị của người dân.
Đại diện CĐT cũng khẳng định, công ty sẽ tiếp tục có buổi làm việc cụ thể với chính quyền và đại diện cư dân để tìm tiếng nói chung, thống nhất phương án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.