Cú hích PPP
Khuôn mặt của ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không giấu được sự nhẹ nhõm khi đặt bút ký hợp đồng BOT Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) với nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) và doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) vào cuối tuần trước, sau gần 6 tháng đàm phán nghiêm túc và căng thẳng.
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án thành phần Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Dự án có chiều dài khoảng 50km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện khoảng 2.967 tỷ đồng.
Tập đoàn Sơn Hải có tối đa 6 tháng cho việc thu xếp hợp đồng tín dụng với các ngân hàng để có đủ vốn hoàn thành công tác xây dựng Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong thời gian 2 năm, trước khi bắt tay thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. “Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu công khai rộng rãi, trong đó sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại”, ông Lê Đình Thọ cho biết.
Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để tuyển chọn nhà đầu tư cho Dự án cao tốc Nha Trang - Câm Lâm. Đến tháng 12/2020, Tập đoàn Sơn Hải được chọn là nhà đầu tư trúng thầu Dự án.
Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), việc đàm phán kéo dài gần 5 tháng là do Dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật liên quan như: quy định về quản lý chất lượng thi công, bảo trì công trình xây dựng; quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đặc biệt là sự ra đời của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, cả Bộ GTVT và nhà đầu tư đã rất thiện chí để có thể tiến tới ký hợp đồng BOT Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Được biết, tiếp đà thành công tại Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, ngay trong tuần tới, Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư trong nước cho 2 dự án PPP thành phần còn lại của Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. “Hiện những vướng mắc lớn trong quá trình đàm phán 2 dự án này đã cơ bản được tháo gỡ”, ông Thành thông tin.
Đợi ưu đãi vốn
Việc Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công là tín hiệu tích cực cho công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, đặc biệt là khi những đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông chắc chắn sẽ được triển khai theo hình thức PPP. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối tháng 4/2021.
Thủ tướng lưu ý, Bộ GTVT căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông những nơi thật cần thiết.
“Cần ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP, BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân), có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, người dân, nhà đầu tư)”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, để có thể nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong 5 năm tới, Bộ GTVT đề xuất đầu tư 762km còn lại, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (142km). Toàn bộ đoạn tuyến này sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe; chia thành 12 dự án thành phần; được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Trong số 12 dự án này, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên triển khai đầu tư 486 km gồm 8 dự án thành phần thuộc các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Bình (148km), Quy Nhơn - Nha Trang (196km) và Cần Thơ - Cà Mau (142km), nhu cầu vốn nhà nước khoảng 45.798 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với 276km thuộc 4 dự án thành phần còn lại của đoạn Quảng Bình - Quảng Trị (119km) và Quảng Ngãi - Quy Nhơn (157km), do nhu cầu vận tải chưa cao, trước mắt, sẽ sử dụng vốn nhà nước (khoảng 7.873 tỷ đồng) để thực hiện trước công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.
“Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hình thành gói tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho Dự án và bổ sung Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước”, ông Thọ thông tin./.