Đại dịch Covid-19 không chỉ tạo ra khủng hoảng lớn về y tế, mà còn tác động mạnh mẽ đến sự vận hành của các đô thị lớn. Có lẽ thời điểm này là cơ hội để xem xét lại hình thức phát triển đô thị và nghĩ về một mô hình đô thị hậu Covid-19 có khả năng chống chịu tốt hơn với khủng hoảng dịch bệnh?
Phần 1: Đại dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức cho mô hình phát triển đô thị hiện nay như thế nào?
Những ‘khuyết tật’ của đô thị hiện tại
Jane Jacobs - nhà kinh tế, đô thị học người Mỹ, cho rằng các thành phố chính là động lực của sự giàu có, là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Khả năng cạnh tranh của các đô thị quyết định sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia, khu vực và thế giới. 55% dân số toàn cầu - hiện đang sống ở nơi được coi là khu vực thành thị. Đến năm 2030, hai phần ba dân số thế giới sẽ cư trú ở khu vực thành thị và sẽ có 41 siêu đô thị - được định nghĩa là có từ 10 triệu dân trở lên.
Đô thị không chỉ tạo ra sức mạnh kinh tế, cơ hội cho các cá nhân và cộng đồng để tiếp cận với việc làm, chăm sóc sức khỏe, mà còn là nơi thể hiện nền văn minh với lối sống gắn liền với sự vận hành của trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, hệ thống giao thông... Trong đó, cuộc sống đô thị xoay quanh 3 nơi chốn là nhà ở, nơi làm việc và các địa điểm giao tiếp xã hội (coffee, quán bar, câu lạc bộ v.v...). Duy trì các hoạt động và sự liên kết giữa các chức năng và nơi chốn này chính là duy trì một nền văn minh đô thị.
Các đô thị lớn và mật độ dân số cao được xem là nơi có hiệu quả nhất. Mức độ tập trung cao hơn của những người có kỹ năng, tỷ lệ đổi mới cao hơn và thu nhập cao hơn, là một yếu tố quan trọng trong cả sự phát triển, hạnh phúc và sự giàu có của các thành phố và quốc gia. Sự tập trung của người dân dày đặc hơn cũng dẫn đến việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm tác động đến môi trường. Từ hội nghị quốc tế đầu tiên về biến đổi khí hậu tại Geneva năm 1979 đã thúc đẩy các chính sách khuyến khích phát triển theo mô hình đô thị nén và tập trung, được xem như lời giải cho vấn đề phát triển bền vững.
Thật trớ trêu, các siêu đô thị, các đầu tầu kinh tế toàn cầu này lại bộc lộ rủi ro cao nhất, dễ bị tổn thương nhất và hầu như đã bị tê liệt khi các trận đại dịch càn quét qua. Hongkong - trung tâm kinh tế tài chính châu Á, và là “mô hình đô thị bền vững cho châu Á” với cách phát triển nén đã trở thành tâm điểm của dịch cúm SARS 2003; và nay thì thành phố New York (Mỹ) đang là trung tâm của dịch Covid-19; Các đô thị toàn cầu khác như Milan, London, Madrid, Paris, Vũ Hán … là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội không chỉ làm cho các hoạt động đô thị gần như hoàn toàn tê liệt, nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế, mà nó còn làm phân rã mối liên kết quan trọng giữa các chức năng và nơi chốn vốn tạo ra nền văn mình đô thị. Đại dịch cũng dường như thúc đẩy khủng hoảng về kinh tế, gây ra hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống, phúc lợi, sức khỏe về thể trạng và tinh thần, và hệ quả là làm lung lay niềm tin vào lối sống và mô hình phát triển đô thị hiện nay.
Phải chăng quá trình đô thị hóa và sự hình thành các đô thị lớn toàn cầu sẽ dẫn đến các rủi ro dịch bệnh? phải chăng mô hình đô thị hiện nay là không bền vững nếu xét tới khả năng chống chịu với dịch bệnh?
Đô thị hóa tạo môi trường cho các bệnh truyền nhiễm?
Đô thị hóa được đặc trưng bởi sự thay đổi kinh tế xã hội và sự phân mảnh sinh thái, có thể có tác động sâu sắc đến dịch tễ học của bệnh truyền nhiễm. Đô thị hóa cũng thúc đẩy sự phát sinh bệnh trong dân cư đô thị bằng cách cung cấp các điều kiện lý tưởng cho việc khuếch đại và truyền bệnh. Các đô thị cực lớn có sự đa dạng về văn hóa, kinh tế xã hội và chủng tộc, cũng như sự không đồng nhất về môi trường. Những thách thức khác cũng liên quan đến môi trường xây dựng đô thị bao gồm sự tập trung đông đúc và mật độ cao, khan hiếm không gian mở, vệ sinh kém, ô nhiễm không khí. Với quá trình đô thị hóa ngày một tăng, thì tổng số các đợt dịch bệnh truyền nhiễm và sự đa dạng của mầm bệnh cũng đã tăng lên trong vài thập kỷ qua.
Các đô thị có không gian phát triển khác nhau thì có mức độ lây nhiễm khác nhau?
Khi đại dịch quét qua toàn cầu cùng với mức độ ảnh hưởng khác nhau, thì cũng là lúc cần xem xét về mô hình hay cách thức phát triển đô thị nào dễ bị tổn thương, thành công và thất bại ở khả năng ngăn chặn và đối phó với coronavirus?
Không thể phủ nhận sự can thiệp và phương án đối phó với dịch cúm Covid-19 của các quốc gia khác nhau đã quyết định rõ nét đến mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, tuy nhiên, mức độ bùng phát Covid-19 khác nhau ở các đô thị cũng cho thấy quy mô và mô hình phát triển dường như cũng quyết định đến mức độ lây nhiễm.
Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO chỉ ra rằng, đặc điểm của đô thị, đặc biệt các là siêu đô thị toàn cầu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cho một đại dịch, có thể phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu: mật độ dân cư, mức độ sử dụng hệ thống giao thông công cộng, tỷ lệ các tòa nhà và trung tâm thương mại tập trung đông người, cường độ tiếp xúc và giao tiếp, mức độ kết nối nội vùng và quốc tế, mức độ thu hút của các dân cư từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
Mật độ dân cư cao rủi ro càng lớn
Diễn biến lây nhiễm ở các đô thị cho thấy, dân số càng đông và mật độ cao, thì mức độ lây nhiễm Covid-19 lại càng lớn. Bùng phát của SARS ở Hồng Kong năm 2003 có nguyên nhân từ hình thái đô thị mật độ cao với các hình thức nhà ở chung cư, và việc người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, Hồng Kông có 17.311 người trên mỗi dặm vuông. New York là tâm dịch Covid-19 của nước Mỹ, và cũng là thành phố có mật độ dân số cao hơn hơn nhiều so với bất kỳ thành phố lớn nào khác ở Hoa Kỳ. Thống đốc New York Andrew Cuomo đã cho rằng mật độ dân số cao là kẻ thù lớn nhất của New York trong việc chống lại sự lây lan của Coronavirus.
Trong khi đó, thành phố lớn thứ hai của của Mỹ, Los Angeles, đã chứng minh rằng, các hình thức đô thị phân tán theo định hướng xe hơi cá nhân và nhà ở đơn lẻ đã chống chịu tốt hơn với cuộc khủng hoảng Covid-19, với mức độ lây nhiễm ít hơn rất nhiều.
Các thành phố của Việt Nam đều có mật độ dân số đều thấp, ngoại trừ một số thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, tuy nhiên, ngay cả các nơi có mật độ cao này thì mức độ sử dụng giao thông công cộng và nhà chung cư, khối tích lớn và chứa đựng nhiều người không phải là quá lớn, nếu so với các thành phố khác như Hongkong, New York hay Singapore.
Thách thức đối với việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm BMC “Có phải phương tiện công cộng là một yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp?” cho thấy những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian dịch cúm có khả năng mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp cao gấp sáu lần đối với những người không sử dụng hệ thống giao thông công cộng.
Khi cơ quan y tế bảo yêu cầu ở nhà và dãn cách xã hội, thì tỷ lệ di sử dụng phương tiện công cộng sụt giảm 50 - 90% so với mức trước khủng hoảng tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, Châu Âu. Sự sụt giảm khối lượng vận chuyển đáng kể dẫn tới sự sụp đổ của hoạt động đô thị, khủng hoảng xã hội và kinh tế. Việc giảm thiểu lượng người sử dụng cũng sẽ làm cho vấn đề tài chính tồi tệ hơn cho hệ thống giao thông này.
Đại dịch xảy ra cho thấy mức độ phụ thuộc quá lớn của chúng ta vào giao thông và hoạt động di chuyển, và việc này tạo ra rủi ro rất cao một khi có đại dịch. Thất bại của hệ thống giao thông sẽ là một thảm họa đối với tỷ lệ lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp phụ thuộc vào xe buýt và xe lửa để đi làm - không chỉ ở thành thị, mà cả ở nông thôn. Nếu các thành phố cắt giảm mạnh năng lực giao thông công cộng trong thời gian dài, nó có thể làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng này.
Trung tâm thương mại, nhà cao tầng, chung cư
Công trình cao tầng, trung tâm thương mại không chỉ là biểu tượng là biểu trưng cho sức mạnh kinh tế - tài chính, cho xã hội tiêu dùng trong chủ nghĩa tư bản đương đại, mà còn bảo đảm cho sự vận hành của một đô thị thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, những công trình này… luôn bị nghi ngờ về sự an toàn đối với nguy cơ dịch bệnh.
Đại dịch SARS 2003 mà tâm dịch là ở Hongkong, thì nơi tập trung cao nhất và phát tán nhanh nhất dịch bệnh là các chung cư cao tầng. Vừa qua Vũ Hán, Milan, New York là những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thì đều có chung đặc điểm - đó là các cao ốc văn phòng và chung cư cao tầng. Điều này không có nghĩa các công trình cao tầng là nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng lại chính là môi trường lý tưởng để truyền nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo về đại dịch SARS cho rằng các khiếm khuyết trong hệ thống ống nước thải tại tòa nhà Amoy Gardens là nguyên nhân chính của lây nhiễm. Với Covid-19, có bốn lý do tiềm ẩn rủi ro, mật độ cao, cuộc sống cao tầng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm: hệ thống ống nước, hệ thống điều hòa không khí, tăng tiếp xúc với bề mặt cảm ứng cao và sự tiếp xúc xã hội gần gũi thường xuyên giữa con người trong tòa nhà.
Siêu kết nối và kết nối toàn cầu
Nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới WHO đã đưa ra mối quan hệ mật thiết giữa toàn cầu hóa và các bệnh truyền nhiễm dưới góc độ phát tán bệnh, lây lan và tỷ lệ và tốc độ truyền nhiễm. Thương mại và du lịch quốc tế cũng có thể góp phần vào sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu. Với tốc độ của du lịch và ngoại thương hiện đại, với mức độ kết nối chặt chẽ và rộng khắp giữa các đô thị, thì các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan có thể là mối đe dọa tiềm tàng trong một môi trường hoàn toàn khác so với dịch bệnh ban đầu.
Vấn đề xã hội, chủng tộc trong môi trường đô thị
Các thành phố toàn cầu với đặc trưng là đa sắc tộc - với người từ nhiều nơi trên thế giới sống và làm việc, với ngôn ngữ, văn hóa và phong tục khác nhau. Lao động nhập cư được chào đón và là nguồn nhân lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo nên sức mạnh cho các đô thị toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề dường như hoàn toàn đảo ngược một khi đại dịch xảy ra, đặc biệt vào thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, và hệ quả là sự kỳ thị, ngờ vực và thù hận dâng cao giữa các cộng đồng.
Nếu như Cái chết đen (Black Death) ở châu Âu từ năm 1348 đến 1351, khiến người Do Thái bị kỳ thị và tấn công bạo lực khi họ bị đổ lỗi cho sự bùng nổ của dịch truyền nhiễm này. Thì nay, Covid-19, bắt đầu từ Vũ Hán, đã dẫn đến sự gia tăng kỳ thị người Trung quốc, và kéo theo đó định kiến, bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á tại các thành phố lớn trên thế giới. Tổ chức Di cư Quốc tế cảnh báo sự phân biệt đối xử ngày càng tăng đối với người di cư sẽ cản trở nỗ lực khắc phục đại dịch.
Kịch bản phát triển đô thị cho tương lai?
Đại dịch Covid-19 cho thấy, các đô thị hiện đại có lẽ đã không được thiết kế và không được chuẩn bị để đương đầu với đại dịch, khi mà lối sống đô thị bị đảo lộn này đã biến các thành phố trở thành “một mớ hỗn hợp vô tổ chức và rời rạc”. Ngoài Covid-19, thế kỷ 21 cũng đã chứng kiến các dịch bệnh Sars, Mers, Ebola, cúm gia cầm, cúm lợn, v.v. và sẽ còn tiếp tục phải chứng kiến những đại dịch mới xuất hiện trong tương lai, như dự báo của các nhà khoa học. Nếu chúng ta thực sự bước vào kỷ nguyên đại dịch, thì mức độ rủi ro của mô hình đô thị này là rất lớn. Phải chăng Mô hình đô thị, nền văn minh đô thị hiện tại sẽ phải thay đổi theo một chiều hướng khác?
Đại dịch đang phát triển thành một cuộc khủng hoảng đô thị, đã đặt ra sự hoài nghi và tính đáng tin cậy của các giá trị vốn làm nên sức mạnh, sức hấp dẫn của các đô thị hiện nay, đồng thời buộc chúng ta phải xem xét tới sự hiện diện của các bệnh truyền nhiễm như một điều kiện trong quy hoạch đô thị, và suy nghĩ về một xã hội và đô thị có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện mới này, và hướng tới mô hình thành phố mới trong bối cảnh “thế giới hậu Covid-19”.